Những ngày qua, nông dân huyện Núi Thành tất bật bừa đất, làm cỏ và chuẩn bị nguồn giống để gieo sạ vụ lúa đông xuân.
Nông dân khẩn trương xuống đồng làm đất sản xuất vụ đông - xuân. Ảnh:V.SỰ |
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2014 - 2015, huyện Núi Thành sản xuất 4.000ha lúa. Theo chỉ đạo của Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, đối với những chân ruộng chủ động nước thì thời vụ gieo sạ từ ngày 25.12.2014 đến ngày 10.1.2015. Huyện cơ cấu giống chủ lực chiếm 60% tổng diện tích, gồm các giống trung ngày TBR45, OM4900, nhóm giống ngắn ngày gồm các giống lúa thuần HT1, HT9, PC6, Khang dân 18... Nhóm giống bổ sung sạ cấy trên 30% diện tích với các loại giống dài ngày như lúa thuần Xi23, lúa lai Nhị ưu 838; giống trung ngày như lúa thuần BC15, lúa lai Xuyên hương 178; nhóm ngắn ngày gồm lúa thuần DV108, OM6976 và lúa lai TH3-3. Đối với những chân ruộng không chủ động nước, chân ruộng thấp sử dụng các loại giống lúa chịu hạn CH207 và các giống đã thích nghi với địa phương như PC6, P6 đột biến.
Phòng NN&PTNT huyện đề nghị nông dân cần chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ do tỉnh quy định, không sử dụng giống ngắn ngày sản xuất vào thời điểm của trà giống trung, dài ngày; đề phòng lũ muộn làm trôi giống, cần theo dõi kỹ dự báo thời tiết, sạ tập trung trên từng cánh đồng, chân ruộng cao sạ trước, chân ruộng trũng sạ sau, có dự phòng giống lúa ngắn ngày để sạ lại do mưa lụt có thể xảy ra. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, khối phố, tổ dân cư họp dân, bàn bạc, thống nhất thực hiện sạ cùng trà, sử dụng các loại giống cùng thời gian sinh trưởng để gieo sạ trong cùng cánh đồng, tiện việc làm đất, quản lý nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Ông Bùi Văn Gát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: “Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, được sự chỉ đạo về chuyện môn của Phòng NN&PTNT huyện cùng các trạm kỹ thuật, hợp tác xã và địa phương, bà con nông dân trong huyện đã liên tiếp giành nhiều thắng lợi trong các vụ lúa đông xuân - vụ sản xuất chính trong năm. Tuy nhiên, ở không ít nơi, nông dân vẫn còn sử dụng giống lúa tùy tiện, không đảm bảo tiêu chuẩn nên hiệu quả không cao. Đây là vấn đề cần được chấn chỉnh”.Nhằm đảm bảo vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 trên địa bàn huyện Núi Thành thắng lợi, cùng với việc đảm bảo cơ cấu giống, lịch thời vụ, nguồn nước và phân bón, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cũng đã vào cuộc hướng dẫn công tác phòng ngừa sâu bệnh cho lúa. Ông Hà Văn Tâm - Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành nói: “Thời vụ sản xuất vụ đông xuân đang cận kề, tuy nhiên hiện nay công tác chuẩn bị cho sản xuất hầu như chưa được thực hiện, cụ thể như việc làm đất trên đồng ruộng nhiều nơi chưa được tiến hành, cỏ dại và lúa chét mọc nhiều trên đồng ruộng, đây là nơi lưu trú cho các đối tượng dịch hại để gây hại cho vụ đông xuân sắp tới; tình hình diệt chuột, ốc bươu vàng vẫn chưa được triển khai. Cạnh đó, đến thời điểm hiện nay lũ lụt xuất hiện trên địa bàn huyện chưa đáng kể, là điều kiện thuận lợi cho chuột phát sinh gây hại mạnh trong thời gian đến. Để đảm bảo cho vụ này, bà con nông dân và các địa phương cần áp dụng một số giải pháp phòng trừ dịch bệnh ở đầu vụ”.
Cũng theo ông Tâm, nông dân cần tiến hành cày lật đất sớm, cày vùi lấp kín cả gốc rạ, lúa chét, cỏ dại, kết hợp bón đủ lượng vôi nhằm giúp phân giải nhanh chất hữu cơ (như gốc rạ, lúa chét…) trên ruộng, kích thích vi sinh vật có ích trong đất hoạt động. Cần bón thêm phân chuồng trong giai đoạn làm đất để cải tạo và bổ sung nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đất; dọn sạch cỏ dại trên ruộng và quanh bờ để hạn chế nơi lưu trú của dịch hại, cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ gây hại trên lúa đông xuân. Thời điểm này là giai đoạn chuyển vụ, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, bà con nông dân nên tổ chức diệt chuột sớm bằng cách ra quân đồng loạt để đào hang bắt chuột và dùng các loại bẫy để diệt chuột. Đối với ốc bươu vàng, nông dân nên áp dụng biện pháp thủ công: diệt ổ trứng, nhặt, thu gom ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt để hạn chế ốc phát sinh gây hại.
VĂN PHIN