Nước mắt người cha

Xuân Phú 04/01/2013 08:38

Trong thời gian bị kỷ luật do đánh nhau, một học sinh (HS) nữ của trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Tam Kỳ) lại tiếp tục vi phạm kỷ luật nặng hơn khi phát tán tài liệu xuyên  tạc, xúc phạm thầy cô trên Facebook để rồi bị đuổi học trong tiếng khóc nấc nghẹn của người cha.

“Đau lòng khi đuổi học học trò”

Không dừng lại ở việc đánh nhau tại trường trước đó, để trả thù, 2 HS nữ của trường THCS Lý Tự Trọng là Đ.N.T (lớp 7/6) và N.T.V (lớp 8/6) đã nhờ bạn bè cùng người thân kéo đến trường để đánh bạn. Nhờ sự phát hiện của những người chung quanh trường nên nhà trường đã ngăn chặn kịp thời. Công an phường An Xuân - địa phương nơi trường đứng chân, cũng đã vào cuộc xác minh vụ việc và xác định rõ danh tính của một số HS nữ trường THPT Lê Quý Đôn, Trần Cao Vân tham gia vụ việc. Với hành vi vi phạm đó, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã quyết định kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần, xếp loại hạnh kiểm yếu đối với em T.; cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 3 ngày và xếp loại hạnh kiểm trung bình đối với em V. Đại diện phụ huynh của các em đã nhận lỗi và cam kết sẽ cùng với nhà trường quan tâm giáo dục con cái, không để tái phạm. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi bị kỷ luật, em V. viết bài trên Facebook với lời lẽ thiếu văn hóa đối với nhà trường, thầy cô. Với vi phạm này, trường THCS Lý Tự Trọng đã quyết định đuổi học 1 năm với em V. kể từ 20.12.2012.

Buổi họp giải quyết đơn xin cứu xét trường hợp em V. bị kỷ luật nhưng Hội đồng kỷ luật trường THCS Lý Tự Trọng vẫn giữ nguyên mức kỷ luật đuổi học 1 năm. Ảnh: X.P
Buổi họp giải quyết đơn xin cứu xét trường hợp em V. bị kỷ luật nhưng Hội đồng kỷ luật trường THCS Lý Tự Trọng vẫn giữ nguyên mức kỷ luật đuổi học 1 năm. Ảnh: X.P

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Sĩ, tính chất của sự việc HS nữ đánh nhau ngay tại trường và sau đó còn đánh nhau có tổ chức là rất nặng nề. Cách đây không lâu tại trường cũng đã xảy ra vụ việc 1 HS nam dùng dao đâm bạn ngay tại lớp. Vì vậy, việc nhà trường kỷ luật đuổi học 3 ngày với em V., 1 tuần đối với em T. là hoàn toàn hợp lý. Trong thời gian này, các em không phải ở nhà mà đến trường học bài, lao động vệ sinh nhằm tạo điều kiện cho các em có thời gian suy nghĩ về hành động sai trái của mình để phấn đấu trở thành HS tốt hơn. Tuy nhiên, chưa kịp sửa sai thì em V. lại phát tán tài liệu xuyên tạc với lời lẽ thiếu văn hóa, thóa mạ nhà trường, thầy cô và hành vi này là rất nghiêm trọng. Sau 6 tiếng đồng hồ đưa lên mạng, bài viết đã  có 19 người đọc, trong đó không ít ý kiến của HS hưởng ứng. Nếu phụ huynh, thầy cô nào đọc được những lời lẽ của em V. viết trên Facebook sẽ cảm thấy bức xúc và phẫn nộ, nhất là trong giai đoạn đang diễn ra kiểm tra học kỳ 1.

“Làm thầy giáo, cô giáo, chúng tôi rất đau lòng khi đuổi học 1 học trò của mình ra khỏi trường. Trên khía cạnh nào đó, đây còn là một thất bại của người thầy. Nhưng với vi phạm rất nặng của em V., nhà trường buộc phải kỷ luật em nghỉ học 1 năm theo Thông tư 08 (21.3.1988) của Bộ GDĐT. Nhưng thực ra chỉ là 6 tháng của năm học 2012-2013, đến năm học mới 2013-2014, nếu em tiến bộ, được chính quyền địa phương xác nhận, bản thân và gia đình mong muốn học lại thì nhà trường sẵn sàng đón nhận” - thầy Nguyễn Tấn Sĩ nói.

Nước mắt người cha

Ngày 28.12.2012, gia đình em V. ủy quyền cho luật sư tham gia buổi họp của trường THCS Lý Tự Trọng giải quyết đơn xin cứu xét của gia đình. Thay mặt gia đình em V., vị luật sư đã xin lỗi nhà trường, thầy cô và mong được xem xét giảm mức kỷ luật, tạo cơ hội cho V. được tiếp tục đi học. Sau khi nghe nhà  trường, đại diện ban cha mẹ HS, công an phường An Xuân phân tích, chỉ ra hành vi sai trái của em V., anh N.D.V - cha em V. nghẹn  ngào trong nước mắt :“Tôi lấy làm hổ thẹn và xin lỗi vì lo miếng cơm manh áo mà không giám sát được hành vi sai trái của con mình. Mấy hôm nay tôi cũng không thể đi làm mà lo ở nhà giữ con vì sợ điều chi đó bậy bạ xảy ra với cháu…”.

Những giọt nước mắt và lời ăn  năn của người cha còn khá trẻ này đã muộn vì với vi phạm của em V., nhà trường vẫn giữ nguyên quyết định. Mức kỷ luật bị đuổi học 1 năm với cô bé mới 14 tuổi này là khá nặng bởi không chỉ bị chậm trễ 1 năm học mà còn là ở tâm lý của em trong thời gian tới. Có thể đó là hậu quả từ nhận thức non trẻ, suy nghĩ nông cạn và hành vi nông nỗi của một học trò lớp 8 nhưng giá như gia đình quan tâm đến con cái hơn, nhất là sau vụ việc đầu tiên, có lẽ sự việc đau buồn này đã không thể xảy ra. Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt bởi phần lớn  những em HS hư hỏng, nhiều lần vi phạm kỷ luật lâu nay đều do gia đình thiếu sự quan tâm, gần như khoán trắng cho nhà trường. Lần đầu tiên tại trường THCS Lý Tự Trọng và cũng có lẽ lần đầu trên địa bàn tỉnh xảy ra trường hợp HS bị kỷ luật do phát tán tài liệu xuyên tạc với lời lẽ thiếu văn hóa trên mạng. Trong thời đại thông tin, nhà  trường, phụ huynh đều khuyến khích HS tận dụng lợi ích của Internet để phục vụ vào việc học tập, lĩnh hội kiến thức và phát triển năng khiếu. Thế nhưng, nếu thiếu  sự quan tâm hướng dẫn và quản lý của thầy cô, gia đình thì tác hại của Internet mang lại cũng không hề nhỏ.

Xuân Phú

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mắt người cha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO