Người dân vùng cao ở Nam Trà My và Nam Giang lần đầu tiên được sử dụng nước máy, điều tưởng chừng như đơn giản lại quý như “vàng” đối với bà con nơi đây.
Đoàn viên thanh niên vận chuyển ống nhựa để lắp đặt đường ống dẫn nước. |
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Phần lớn dân cư ở huyện Nam Trà My là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trước đây người dân chủ yếu phải dùng nguồn nước tự chảy. Một công trình nước sạch với trị giá hơn 14 tỷ đồng được hoàn thành đưa vào sử dụng là một sự kiện trọng đại đối với người dân nơi đây. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2014 và đến tháng 7.2015 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình này phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân xã Trà Mai, 30 cơ quan, đơn vị và 6 trường học trên địa bàn trung tâm huyện. “Nguồn kinh phí xây dựng công trình được UBND tỉnh hỗ trợ. Hiện tại, Nam Trà My còn rất nhiều khó khăn, nhưng ưu tiên vẫn là đầu tư nước sạch, vấn đề rất bức thiết khi bước vào mùa mưa lũ. Đây là bước đầu tiên để từng bước đưa nước sạch vào cuộc sống, giúp người dân giảm bớt được bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét…” - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.
Nói đây là lần đầu tiên một công trình nước được xây dựng ở Nam Trà My thì chưa hẳn, bởi trước đó đã có nhiều công trình nước sạch được xây dựng từ những tổ chức phi chính phủ hay nguồn ngân sách huyện, tuy nhiên đều không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là địa hình hiểm trở, đường ống dẫn nước dài, hay bị đứt, tắc, thêm vào đó ý thức của người dân về việc giữ gìn công trình còn hạn chế. Chính vì vậy, để công trình nước sạch phát huy được hiệu quả, ông Bửu cho rằng điều đầu tiên phải tuyên truyền, vận động để người dân thấy được sự cần thiết của việc sử dụng nước sạch.
Để công trình nước sạch với tổng chiều dài đường ống hơn 7km và các công trình phụ trợ liên quan khác hoàn thành, người dân Nam Trà My đã tự nguyện hiến mặt bằng, đất đai để thi công công trình. Hơn ai hết, người dân đã thấy được sự cần thiết của việc sử dụng nước đảm bảo chất lượng. Bà Nguyễn Thị Ren (thôn 2, xã Trà Mai) nói: “Bao đời nay chúng tôi chủ yếu sử dụng nước từ khe suối đưa về. Nắng nóng thì nước nhỏ giọt, mưa thì đục ngầu, đầy đất cát, có khi cả tuần phải hứng nước mưa mà dùng. Nhiều lần cán bộ y tế về nói như thế là không tốt cho sức khỏe, biết đó nhưng cũng đành chịu. Giờ có nước máy rồi, mừng lắm. Chỉ cần xoay nút là có nước!”.
Công trình của thanh niên
Những ngày qua, bà con thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) vui mừng vì nước sạch được dẫn về tận bản. Từ đầu thôn đến cuối xóm, đâu đâu cũng nghe bà con phấn khởi, râm ran chuyện nước sạch về đến từng nhà…
Nước sạch đã về với người dân xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Ảnh: T.L |
Thôn Mực cách trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ 1km với 115 hộ dân là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu sử dụng nước trực tiếp tại các mạch nước tự nhiên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Vào mùa khô, người dân phải dành dụm, tích trữ từng can nước để dùng. Việc sử dụng nguồn nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh, lại gây nhiều trở ngại, bất tiện cho người dân. Bấy lâu nay, gia đình anh A Rất Then cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn vẫn phải đi bộ vài trăm mét để giặt giũ quần áo rồi gánh nước về nhà. Anh cho biết: “Nước ăn uống còn khan hiếm nên chuyện tắm giặt của gia đình chủ yếu được lấy từ con suối Điêng cạn đục này. Tắm giặt ở đầu nguồn thì còn sạch chứ dùng nước suối ở đoạn chảy qua thôn thì không đảm bảo đâu. Bởi thế mà người dân, nhất là các em nhỏ ở đây thường bị ngứa ngáy, mưng mủ ngoài da”.
Để đưa được nước sạch từ đầu nguồn tại Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ về với người dân thôn Mực dài gần 1km, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện đã huy động 70 thanh niên tham gia đào, đặt đường ống bằng nhựa chuyên dùng có đường kính 42mm với độ sâu 60cm, rộng 30cm dẫn nước về thôn. Tại trung tâm thôn Mực xây dựng 1 bể chứa nước lớn trên 17m3, từ đó các hộ có thể nối các đường ống dẫn về nhà để sinh hoạt. Anh Võ Thanh Luân - Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thị trấn Thạnh Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con trong 3 ngày. Có những ngày cùng các cô, các chú ở địa phương đào, lắp đặt đường ống tới 11 giờ, nắng như đổ lửa, bạn nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhưng nghĩ đến việc sớm đưa nguồn nước sạch về cho người dân dùng là chúng tôi lại hứng thú, hăng say làm việc”. Điều đáng mừng là hay tin có đoàn tình nguyện về giúp dân, Chi đoàn thôn Mực đã vận động đoàn viên thanh niên và người dân trong thôn cùng tham gia xây dựng công trình ý nghĩa này. Phó Bí thư Chi đoàn thôn Mực - A Rất Phơn tâm sự: “Các bạn ở xa đến giúp về chuyên môn kỹ thuật thì mình ở đây góp công, góp sức”.
Tổng kinh phí xây dựng công trình nước sạch này là 100 triệu đồng (chưa kể công lao động của các thanh niên), do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh vận động từ Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam thông qua chương trình “Một phút tiết kiệm - Triệu niềm vui”. Thôn Mực là địa phương đầu tiên được nhận tài trợ và triển khai công trình trong năm 2015. Đây cũng là công trình nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của tuổi trẻ huyện Nam Giang. Ông A Rất Thế phấn khởi: “Bây giờ có nước về tận nhà rồi, thôn chúng tôi sẽ họp lại, thành lập tổ bảo vệ, khai thác. Đồng thời sẽ tuyên truyền, vận động bà con phải bảo vệ nguồn nước, công trình”.
TUỆ LÂM - TẤN SỸ - THIÊN NGÂN