Nước thải của Công ty Panko được xử lý như thế nào?

P.V 10/10/2018 04:00

Tin liên quan

  • Dân lo ô nhiễm, cơ quan quản lý chờ thử nghiệm hệ thống quan trắc tự động

(QNO) - Trước dư luận việc nhà máy xử lý nước thải của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp này đã công bố quy trình xử lý nước thải của nhà máy.

Bể sinh học hiếu khí Ảnh: T.Q
Bể sinh học hiếu khí. Ảnh: T.Q

Thu gom nước thải, tách rác

Nước thải công nghiệp từ các phân xưởng sản xuất của nhà máy tại Khu công nghiệp Tam Thăng theo ống dẫn chảy tự nhiên về trạm bơm số 1 của nhà máy xử lý nước thải Panko. Nước thải sinh hoạt từ các nhà máy cũng theo ống dẫn chảy tự nhiên về trạm bơm số 2. Trước khi vào trạm bơm số 1, số 2, nước thải đi qua song chắn rác theo kiểu trục vít. Rác được tách khỏi dòng nước thải sẽ tự trượt xuống hộp chứa rác và sẽ được xử lý theo quy định.

Tiếp theo đó, nước thải công nghiệp từ trạm bơm số 1 được luân phiên bơm lên bể chứa kết hợp cân bằng nước thải 1. Nước thải sinh hoạt từ trạm bơm số 2 được luân phiên bơm lên bể chứa kết hợp cân bằng nước thải 2. Trước khi vào bể cân bằng, cả hai loại nước thải đều đi qua thiết bị lọc rác tinh để tách các chất rắn có kích thước lớn hơn 1mm. Rác được tách khỏi dòng nước thải sẽ tự trượt xuống hộp chứa rác và sẽ được công nhân đem đi đổ ở nơi quy định.

Cân bằng nước thải và làm nguội

Để hòa trộn đều nước thải công nghiệp trong bể cân bằng (tránh quá trình lên men yếm khí gây mùi hôi), không khí được đưa vào bể cân bằng từ máy thổi khí nổi. Sau đó nước thải công nghiệp được bơm luân phiên lên tháp giải nhiệt. Tại đây, dòng nước thải và không khí sẽ chuyển động ngược chiều và xảy ra quá trình trao đổi nhiệt để giảm nhiệt độ nước thải. Nước thải phải được giảm nhiệt độ xuống mức 28 - 32 độ C để đảm bảo cho quá trình xử lý hóa học và xử lý sinh học trong các công đoạn tiếp theo đạt hiệu quả. Từ bể cân bằng số 2, nước thải sinh hoạt được bơm sang bể trộn.

Xử lý hóa lý bằng quá trình keo tụ/tạo bông và lắng

Quy trình này chỉ áp dụng đối với nước thải công nghiệp. Sau khi giảm nhiệt độ tại tháp giải nhiệt, nước thải công nghiệp tự chảy qua bể đông tụ 1 trước khi lần lượt chảy qua bể keo tụ 1, bể khử màu 1 và bể bông tụ 1.

Bể cân bằng nước thải công nghiệp. Ảnh: T.Q
Bể cân bằng nước thải công nghiệp. Ảnh: T.Q

Sau khi trung hòa/keo tụ và bông tụ, nước thải chảy sang bể lắng sơ bộ 1. Tại bể lắng sơ bộ 1, các chất lơ lửng đã được keo tụ sẽ lắng xuống đáy bể được gọi là bùn hóa lý và được gom về các bể nén bùn.

Xử lý sinh học bằng công nghệ AEROTEN 

Quá trình xử lý sinh học bằng công nghệ AEROTEN được thực hiện trong hệ thống bể AEROTEN được chia làm nhiều ngăn. Mỗi ngăn bể AEROTEN được lắp đặt 1 máy thổi khí nổi.

Tại bể AEROTEN không khí được thổi vào từ máy thổi khí nổi bề mặt để cung cấp ô xy cho quá trình xử lý sinh học. Quá trình xử lý hiếu khí có sử dụng bùn hoạt tính với sự tham gia của các vi khuẩn hiếu khí sống lơ lửng. Các chất hữu có hại cho môi trường sẽ được các vi khuẩn hiếu khí chuyển thành các dạng vô cơ (CO2, H2O) vô hại. Đồng thời quá trình nitrát hóa và hấp thụ phốt pho tự do cũng diễn ra trong giai đoạn này.

Bể khử trùng. Ảnh: T.Q
Bể khử trùng. Ảnh: T.Q

Trong quá trình xử lý sinh học hiếu khí, một lượng lớn bùn hoạt tính (biomass) được sinh ra sẽ được lắng lại khi nước thải chảy qua bể lắng bậc 2. Bùn hoạt tính sinh ra tại bể AEROTEN sẽ được thu gom về hố thu ở đáy bể lắng. Tại đây phần lớn bùn hoạt tính sẽ được bơm bùn hồi lưu bơm trở về bể AEROTEN. Phần bùn dư sinh ra sẽ được bơm bùn dư bơm về bể nén bùn.

Xử lý hóa lý bậc 2 bằng quá trình keo tụ/tạo bông và lắng

Từ bể lắng bậc 2, nước thải theo ống dẫn tiếp tục chảy sang hệ thống xử lý hóa lý bậc 2 gồm cụm bể: bể trung hòa 2, bể keo tụ 2, bể khử màu 2 và bể bông tụ 2 B.

Sau khi trung hòa/keo tụ và bông tụ, nước thải chảy sang bể lắng bậc 3. Tại bể lắng bậc 3, các chất lơ lửng đã được keo tụ sẽ lắng xuống đáy bể được gọi là bùn hóa lý và được gom về các bể nén bùn.

Khử trùng

Tại bể khử trùng, dung dịch chất khử trùng (NaOCl) được châm vào với liều lượng nhất định. Tại bể này, lắp đặt 1 máy bơm chìm để bơm tuần hoàn nước thải về hộp chứa các đầu dò (SENSOR) đặt trong tủ quan trắc đầu ra. Hệ thống giám sát tự động nước thải đầu ra quan sát các chỉ tiêu như: pH, COD, DO, SS, lưu lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư. 

Các kết quả giám sát sẽ được hiển thị trên màn hình đặt trong tủ quan trắc. Đồng thời các kết quả này cũng được hiển thị trên SCADA để người vận hành có thể theo dõi hiệu quả xử lý của toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, nếu cần thiết, các kết quả quan trắc này cũng có thể được truyền (tín hiệu không dây) về Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường).

: Trạm quan trắc online. Ảnh: T.Q
Trạm quan trắc online. Ảnh: T.Q

Nước thải sau khi qua ngăn chứa các đầu dò trong tủ quan trắc tự động sẽ được quay về trạm bơm số 2 để tái xử lý. Nước thải sau khi qua bể khử trùng sẽ chảy ra hồ sinh học trước khi thoát ra môi trường. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, QCVN 40:2011/BTNMT.

Xử lý bùn

Cuối cùng là quy trình xử lý bùn. Rác sinh ra từ các thiết bị tách rác được chứa trong sọt chứa và hàng ngày mang đi đổ ở những nơi quy định.

: Cửa xả nước thải. Ảnh: T.Q
Cửa xả nước thải. Ảnh: T.Q

Toàn bộ lượng bùn hóa lý và bùn hiếu khí dư được bơm về bể nén bùn. Bùn sau khi được nén đến nồng độ 20.000 - 25.000mg/l tại bể nén bùn sẽ được đưa vào máy ép bùn băng tải để làm khô bằng bơm bùn trục vít. Bùn nén được bơm lên máy ép bùn trộn với hoá chất dùng trong xử lý bùn (C.polymer) được đưa vào từ thiết bị pha chế và tiêu thụ bằng bơm định lượng trục vít trước khi đi vào băng tải để tách nước.

Sau khi tách nước bằng máy ép bùn băng tải, bùn khô được bơm sang silo chứa bùn và định kỳ được vận chuyển đi xử lý. Trong quá trình xử lý toàn bộ nước dư từ máy ép bùn băng tải, bể nén bùn đều được đưa quay về trạm bơm 1 để tái xử lý.

P.V

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước thải của Công ty Panko được xử lý như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO