Nương náu ở bệnh viện

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG - SONG ANH 29/10/2018 03:10

Lòng chẳng đặng đừng, họ buộc phải lấy bệnh viện làm nhà. Có những lúc, đôi chân chẳng thể nhấc nổi nhưng họ buộc phải chạy ngược chạy xuôi. Bởi nếu họ dừng lại, cơn đau của người thân đang ở trong căn phòng đầy máy móc kia càng nhân lên gấp bội...

VÉ SỐ - PHẬN NGƯỜI

Từ tờ mờ sáng, ông Anh bước liêu xiêu tìm về đại lý vé số để chọn cho mình những lốc số ưng ý. Bởi theo ông lý giải, muốn bán được nhiều cũng cần có những vé số với những dãy số “đẹp” hay không. Vậy nên, hoặc từ tờ mờ sáng, hoặc là ngay từ tối hôm trước ông đã phải có mặt ở đại lý để kịp chọn cho mình những tấm vé số “đẹp”.

Ông Huỳnh Ngọc Anh tranh thủ vuốt lại những tờ vé số cho ngay thẳng tranh thủ đi bán khi hết đợt trị liệu.
Ông Huỳnh Ngọc Anh tranh thủ vuốt lại những tờ vé số cho ngay thẳng tranh thủ đi bán khi hết đợt trị liệu.

Có lẽ cả Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam chẳng ai lạ gì với ông Huỳnh Ngọc Anh (45 tuổi, quê Tam Lãnh, Phú Ninh), bởi ông đã ở đây gần cả chục năm nay. Cách đây 13 năm, một cơn đau đã gần như cướp đi sự sống của ông. Nếu không nhờ vào sự kỳ diệu của y học, sự kiên trì của ông với từng đợt chữa trị, thì nay có thể ông đã không đi lại được. Không gia đình. Không nghề nghiệp. Cũng may có cái bảo hiểm y tế người nghèo nên ông không phải lo chi phí điều trị. Nhưng, như ông nói, tiếng nói khó nhọc phát ra chẳng còn tròn vành rõ chữ, rằng ông phải kiếm tiền để sinh hoạt. “Nói không có gia đình cũng không đúng. Vì còn có anh em, họ hàng. Chỉ là không có vợ con thôi. Nhưng anh em ai cũng còn có gia đình phải lo lắng, không thể giúp mình mãi, nên kiếm được đồng nào thì tốt chừng đó” - ông Anh chia sẻ.

Mỗi ngày, may mắn lắm ông mới bán được chừng 60 tờ vé số. Tiền lời thu được cũng đủ để ông trang trải cho những ngày dài ở bệnh viện. “Vì đi lại rất khó khăn nên chẳng dám nhận nhiều, chỉ áng chừng vừa đủ là được. Chủ yếu là đi quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và các quán sá gần đó chứ chẳng đi xa được. Nhiều khi, cơ bị căng cứng, đau đến mức không đi được nữa” - nói rồi miệng ông nhoẻn cười, hay đó là di chứng làm khuôn mặt ông biến dạng chẳng rõ. Chỉ biết rằng, đối với người đàn ông này, dường như đã chấp nhận số phận của mình vốn như vậy.

Hình ảnh người đàn ông nhỏ thó, chân tay co quắp, di chuyển từng bước khó nhọc, lâu lâu lại ngồi bệt xuống vệ đường để nắn bóp cơ chân đang căng cứng đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở đây. Có lẽ vì vậy, mà dù biết đó là trái với quy định của bệnh viện nhưng các y tá, bác sĩ điều trị cho ông cũng chỉ biết động viên mà thôi. Biết rằng để cho bệnh nhân ra ngoài khi đang điều trị tại bệnh viện là không đúng quy định. Bởi trong liệu trình điều trị, khi tự ý đi lại không có sự hướng dẫn của y bác sĩ có thể làm mất hiệu quả điều trị. Nhưng nếu không để họ mưu sinh thì lấy gì họ trang trải cuộc sống? Rồi cũng cố gắng động viên, dặn dò họ phải cẩn thận, không được quá sức, và đặc biệt là dù đi đâu cũng phải trở về bệnh vện đúng giờ điều trị.

Ở nơi này, ngoài ông Anh, còn rất nhiều người già không gia đình, người thân, hoặc có khi con cái ở rất xa, nghèo khó. Những người già nương nhau ở bệnh viện. Họ chỉ nhau chỗ nào bán cơm giá rẻ, chỗ nào cần người phụ việc để hàng ngày đi làm kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống.

CỔ TÍCH BUỒN THƯƠNG

Những người từng đưa con đến điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam chắc hẳn đã gặp qua một người đàn ông nhỏ thó chạy tới từng giường bệnh để hỏi có cần nhờ vả gì không. Khi điều trị xong, nếu có nhu cầu đi tắc xi về thì anh sẽ làm cầu nối liên hệ đặt xe, rồi phụ giúp đưa đồ đạc ra xe... Nhiều người thương tình thì cho 10.000 - 20.000 đồng gọi là cảm ơn. Số tiền đó, anh xếp cẩn thận, để riêng ra một túi. Đó là tiền mua sữa cho con.

Nụ cười của bé Tiên chính là động lực để anh Vĩnh tiếp tục chạy như con thoi trong bệnh viện, kiếm thêm thu nhập.
Nụ cười của bé Tiên chính là động lực để anh Vĩnh tiếp tục chạy như con thoi trong bệnh viện, kiếm thêm thu nhập.

Anh là Trần Quang Vĩnh (43 tuổi, trú tại phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ) đang nuôi con gái Trần Nguyễn Hoài Tiên nằm điều trị ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam mấy năm nay vì căn bệnh viêm não.

Đã hơn 5 năm anh Vĩnh theo con đi khắp các bệnh viện, từ Chợ Rẫy ở TP.Hồ Chí Minh rồi về Đà Nẵng. Khi gia đình đã khánh kiệt, anh đưa con về điều trị tại đây. Bé Hoài Tiên bây giờ 10 tuổi, thì đã có đến hơn nửa quỹ thời gian nằm ở các bệnh viện. Anh Vĩnh kể, ngày bé Tiên chuẩn bị đồng phục mới để vào lớp 1 thì bất chợt ngã bệnh. Đó là lần đầu tiên gia đình nghe đến bệnh viêm não. Mang Tiên đi từ Nam ra Bắc, từ bệnh viện công đến các cơ sở y học, nhưng đâu cũng lắc đầu. Không đầu hàng, gia đình quyết tâm phải cứu được cô con gái xinh đẹp này. Thế nhưng, mỗi ngày hy vọng càng trở nên mong manh hơn. “Giờ phổi của cháu đã hỏng hoàn toàn, không tự thở được mà phải có sự trợ giúp của máy. Mỗi lần ăn bột hay uống sữa đều phải bơm trực tiếp vào dạ dày...” - tiếng anh Vĩnh trượt dài, như quãng thời gian anh cùng con đi khắp các bệnh viện.

Hơn 5 năm theo con, dù mệt đến mấy, trước khi con bé bước vào giấc ngủ, anh Vĩnh vẫn ngồi lật từng trang truyện cổ tích đọc cho con nghe. Như cũng thầm mong một điều cổ tích sẽ đến với gia đình mình. Anh Vĩnh tâm sự rằng, điều đau đớn nhất, nhưng cũng hạnh phúc nhất của người làm cha là chứng kiến con mình lớn lên từng ngày, dù là trên giường bệnh.

Chi phí điều trị cho bé Tiên được miễn phí hoàn toàn. Nhưng tiền sữa, những chi phí xoay quanh đó là khá nhiều. Cứ 4 ngày hết một lon sữa bột để bơm vào cho bé, mỗi lon cũng ngót nghét hơn 200 nghìn đồng. Đó là loại sữa thấp nhất mà gia đình anh Vĩnh còn có thể duy trì. Vì vậy, người đàn ông đó cứ mỗi ngày đi quanh các phòng bệnh, ai nhờ gì kêu gì cũng làm, ai thương tình thì cho ít tiền. Có ngày được mấy chục nghìn đồng, cũng có ngày không được đồng nào… Ở nhà,  Tiên còn có người em đang học lớp 4 và một người anh trai. Người anh trai sau những ngày dài cô em gái mình nằm viện, đã phải nghỉ học đi làm công nhân may khi mới chỉ hơn 15 tuổi, để mong san sẻ gánh nặng cho cha mẹ mình.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam cho biết, cảm thông hoàn cảnh gia đình anh Vĩnh nên y bác sĩ bệnh viện đã cố gắng giúp bé bằng mọi cách, từ kêu gọi hỗ trợ ở các tổ chức xã hội, đến mỗi ngày cho bé cái này cái khác. “Bệnh viện còn kêu gọi đóng góp tự nguyện mỗi cán bộ 1 ngày lương để giúp cho hoàn cảnh gia đình cháu. Các y bác sĩ ở đây cũng tạo mọi điều kiện để anh Vĩnh có thể đi làm kiếm thêm thu nhập, mọi việc chăm sóc bé Tiên đều được y bác sĩ đảm bảo. Nếu có gì cần kíp gì mới gọi điện cho anh Vĩnh” - bác sĩ Thoại nói.

NẶNG NHƯ NÚI

Trong căn phòng đầy mùi clo (chất khử trùng), chúng tôi bắt gặp một hoàn cảnh thương tâm. Bé trai Hồ Văn Truy, năm nay 7 tuổi, người dân tộc Ca Dong (xã Trà Tập, Nam Trà My) đã mấy tháng nằm chữa trị tại khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi, cũng với căn bệnh viêm não. Người mẹ của em, chị Hồ Thị Tân, vừa xuống Tam Kỳ để thay ca cho con gái đầu của mình về chăm đứa em nhỏ 5 tuổi đang ở nhà. Mới 33 tuổi nhưng chị Tân đã trải qua 5 lần sinh nở, trong đó có 2 người con bị mất do bệnh tật. Giờ, đứa con này cũng chưa biết được số phận ra sao khi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Vốn sống ít, không thành thạo việc chăm sóc bệnh, người mẹ trẻ thực chất chỉ biết ngồi cạnh con, nhìn con vặn mình nặng nhọc.

Đối với chị Tân, đều có thể làm lúc này là luôn túc trực bên đứa con trai của mình.
Đối với chị Tân, đều có thể làm lúc này là luôn túc trực bên đứa con trai của mình.

Gia đình chị Tân chẳng ai có công việc ổn định. Chồng chị cũng chỉ biết bám vào cái nương, cái rẫy nay được mai mất. Để có tiền đưa con xuống bệnh viện chữa trị, gia đình chị hầu như đã bán sạch những gì bán được, vay mượn những ai có thể vay mượn. Cứ thế, gánh nặng kinh phí nối dài, bám riết. Chi phí điều trị được miễn phí, nhưng nội chuyện di chuyển, đi lại của chị xuống chăm con đã là cả một vấn đề. Chúng tôi hỏi: “Giờ nằm viện lâu ngày thế này chị tính sao? Có phương án nào không?”. Chị Tân chỉ biết lắc đầu. Có lẽ, giờ đối với chị, việc ở cạnh con khi đau ốm là điều duy nhất mà chị có thể làm.

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG - SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nương náu ở bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO