“Khi gần như tất cả chúng tôi đều đã trở thành F1 một cách bất đắc dĩ, mọi thứ buộc phải xoay xở theo kịch bản chưa từng có. Quá nhiều thứ chưa từng xảy ra đã… xảy ra, thành thử, phải tìm cách thích ứng nhanh nhất có thể, làm tốt nhất có thể. Rủi ro là thứ buộc phải chấp nhận” - ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (Phước Sơn) nói. Chưa đầy một tuần, ở xã chỉ vỏn vẹn nghìn dân này có đến 70 ca dương tính với Covid-19.
1. Những chốt chặn dựng lên suốt tuyến đường huyện từ xã Phước Đức đi các xã vùng cao của Phước Sơn, rất nhanh sau khi ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở huyện này được phát hiện.
Việc ra vào địa bàn được kiểm soát chặt chẽ, nhưng phía sau hàng rào chắn, rất nhiều áp lực hiển hiện. Bao ánh mắt lo ngại từ những ngôi nhà vùng cao ẩn hiện trong màn mưa núi mùa áp thấp.
Xã Phước Chánh, vốn dĩ được xem là “thị trấn” thu nhỏ của 5 xã vùng cao Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bỗng chốc hiu hắt, vắng lặng. Nơi ồn ã duy nhất, có lẽ là những điểm tiêm vắc xin cho người dân ở nhà cộng đồng.
Nguồn nhân lực được tăng cường giúp cho địa phương này đẩy nhanh hơn tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong toàn dân, sau khi dịch xuất hiện và có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh nói phương án phòng chống dịch đã được xây dựng từ rất sớm theo chỉ đạo của huyện, song khi dịch bùng phát, địa phương cũng ít nhiều gặp khó khăn.
“Tới thời điểm hiện tại, xã Phước Chánh có 83 trường hợp nhiễm Covid-19, con số F1 lên đến 549 người, đa số đang được cách ly tập trung (CLTT). Song song với việc lo các điều kiện thiết yếu cho khu cách ly, chúng tôi vừa tuyên truyền cho người dân tự giác chấp hành các yêu cầu khi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, vừa khuyến nghị đồng bào ở tại nhà, hạn chế di chuyển. Ngay cả đi thăm trâu, bò, lên nương rẫy cũng cực kỳ hạn chế” - ông Huy nói.
Chưa bao giờ vùng cao Phước Sơn xao xác với toan lo như lúc này. Hệ thống tuyên truyền từ cơ sở được kích hoạt, cán bộ đi từng thôn, phổ biến yêu cầu, đề nghị bà con chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Ông Huy kể: “Các bộ tuyên truyền phải biết cách giải thích giản dị để bà con hiểu, bình tĩnh hơn, rồi vận động bà con chấp hành yêu cầu xét nghiệm 3 ngày một lần và đi tiêm vắc xin theo quy định. Từ chỗ quen đi lại tự do, giao tiếp tự do, người dân nay đã ở nhà, tự theo dõi, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang thường xuyên.
Chúng tôi đã tiêm vắc xin cho tất cả người dân 5 thôn, đội ngũ y tế ngay tại xã cũng đã làm tốt việc lấy mẫu. Cái khó hiện tại là lực lượng tại chỗ hơi mỏng, chúng tôi đã kiến nghị huyện có sự quan tâm, hỗ trợ, cơ bản đã khống chế được F0 và đang theo dõi F1”.
2. Hậu quả của đợt mưa bão năm 2020 chưa kịp khắc phục, thêm những cơn mưa lớn vừa qua dội xuống lại tiếp tục làm cô lập xã Phước Lộc. Trong những ngày đường sá chưa thông, địa phương này lại ghi nhận ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng. Có tới 11 cán bộ xã, nhân viên y tế nằm trong số hơn 70 ca nhiễm bệnh.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết xã vừa phải triển khai phòng chống thiên tai, vừa tập trung lực lượng kiểm soát dịch bệnh, điều chưa từng có tiền lệ.
Xã đã phải cố gắng hết sức để đưa 276 trường hợp F1 về khu CLTT tại xã, bố trí cho 11 trường hợp khác cách ly tại nhà và chuyển 70 ca dương tính lên tuyến trên, không giữ lại tại địa phương.
“Trước khi có dịch, xã Phước Lộc có kế hoạch thành lập ban chỉ đạo, trung tâm chỉ huy, thành lập các tiểu ban hẳn hoi. Nhưng với tình cảnh cán bộ xã, bác sĩ của trung tâm y tế… bị nhiễm bệnh, lực lượng đã mỏng càng mỏng hơn.
Công tác chỉ đạo điều hành buộc phải cơ động hơn, làm thay việc cho những người đã được đưa đi điều trị hoặc cách ly. Xã cũng đã quán triệt cán bộ khi đi làm nhiệm vụ phải hạn chế tiếp xúc, tránh trở thành nguồn lây nhiễm cho người dân. Chúng tôi cũng cử lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ chở ca F1 từ thôn xa về trạm y tế để cách ly” - ông Thoại nói.
Mọi phương tiện đã được huy động để vận chuyển F0, khi có quá nhiều khó khăn, trở ngại về đường sá trong mùa mưa lũ.
Những “nguyên tắc” đôi khi chỉ còn là lý thuyết, khi yêu cầu được đặt ra là vận chuyển tất cả ca dương tính về trung tâm huyện để đưa đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên. Cơ quan chức năng phải xuyên đêm thông tuyến để đưa được F0 từ các xã Phước Chánh, Phước Lộc... ra ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn nói, có thời điểm lái xe của trung tâm không được nghỉ ngơi do phải liên tục thực hiện các chuyến vận chuyển ca bệnh.
Ông Hồ Văn Tối - người dân thôn 1 xã Phước Lộc, đã ở Khu CLTT của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc được 3 ngày.
Gia đình ông có cả thảy 4 người đang thực hiện cách ly tại đây. Đêm trước khi đi cách ly, cô con gái và cháu gái có xét nghiệm dương tính. Ông Tối, vợ và đứa cháu trai xét nghiệm âm tính.
Vậy là gia đình chia làm 2 ngả. Đứa cháu trai theo ông bà vào khu cách ly. Cháu gái theo mẹ về khu cách ly tạm thời ở Trạm Y tế để chờ xe đi điều trị.
Tối ngày 19, con gái và cháu ông Tối được lực lượng cán bộ xã chở bằng xe máy qua đoạn sạt lở. Ông Tối nói, những ngày mưa gió triền miên, nhà cửa không đảm bảo nên gia đình ông được đưa vào khu CLTT để đảm bảo an toàn.
Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc nói, trường trở thành khu CLTT trong một hoàn cảnh không ai ngờ đến.
Ở khu cách ly này, rất nhiều em nhỏ dưới 7 tuổi phải nhờ hàng xóm chăm sóc vì cha mẹ các em là F0. Không nhờ có bà con, thầy cô giáo tại trường không thể nào đảm đương hết.
F1 bây giờ, phải thay nhau chăm sóc các F1 khác và thắc thỏm đợi kết quả xét nghiệm. Cái khó là các em học sinh ở nhiều độ tuổi, từ mầm non đến lớp 9, buộc phải tiếp xúc gần nên việc giữ an toàn là rất khó.
“Có 3 giáo viên đã trở thành F0, nhiều giáo viên khác buộc phải gửi con cái cho người thân, ông bà để ở lại trường, vừa tự cách ly, vừa chăm lo cho học sinh của trường. Trong khi đó, chỉ có duy nhất tôi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin” - thầy Ngộ chia sẻ thêm.
3. Phước Công, Phước Lộc và Phước Chánh vẫn đang được ghi màu đỏ - cấp độ nguy cơ rất cao trên bản đánh giá cấp độ dịch toàn tỉnh. Đâu đó, người dân vẫn không dám ra khỏi nhà. Những ngày mưa lũ, sạt lở chực chờ ập đến các vùng khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung nói, khó khăn chưa bao giờ nhiều đến như vậy. Phải làm sao để bà con ở vùng phong tỏa cứng không thiếu cái ăn cái mặc, làm sao để F0 được đưa đi điều trị nhanh nhất nếu chẳng may các xã vùng cao này bị cô lập khi mưa gió xảy ra.
Liên tục những câu hỏi đặt ra để lãnh đạo địa phương phải cân đo đong đếm từng giải pháp. Ở cấp độ xã, từng nhóm nhiệm vụ cụ thể được nêu ra. Ai sẽ nhận lãnh phần đưa F0 ra khỏi địa bàn nếu chẳng may sạt lở gây chia cách? Ai sẽ đảm đương phần chăm sóc các F1 là trẻ em nếu cha mẹ các em là F0?
Ông Trung nói, tất cả hỗ trợ về phần lương thực thực phẩm, huyện dành hết cho các xã vùng cao. Cho nên cái ăn cái mặc trong thiên tai là điều không phải lo. Nhưng ý thức phòng dịch, sức khỏe trong cơn “bão dịch” này mới là điều đáng ngại.
Cho đến khi xảy ra dịch bệnh, lượng vắc xin mới được bắt đầu phân bổ số lượng hàng ngàn liều cho Phước Sơn. Phủ vắc xin là câu chuyện đầu tiên nghĩ đến sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
“Làm cách gì đi nữa thì cũng để bà con được tiêm vắc xin” – ông Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Từng tốp nhân viên y tế từ huyện đến xã và lực lượng tình nguyện chia nhau để đến từng bản làng tiêm vắc xin cho người dân. Ông Văn nhận định, cũng là một may mắn khi hầu hết số ca mắc của Phước Sơn đều ở thể nhẹ, không triệu chứng. Tất cả bệnh nhân Covid-19 của Phước Sơn đều khỏe mạnh ở khu điều trị.
F1 chăm lo cho F1. F1 phải vận chuyển F0 lúc chẳng đặng đừng. Những chuyến xe chở hàng hóa hỗ trợ bà con vẫn ngày đêm ra vào vùng “đỏ”. Ở Phước Sơn lúc này, mọi người phải nương nhau qua cơn dịch bệnh…