Nương theo cách mạng công nghệ

TRỊNH DŨNG 18/10/2017 12:43

“Cơn gió mới” của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã bắt đầu thâm nhập. Sức nóng cạnh tranh, yêu cầu thay đổi để tương thích đã khiến nhiều doanh nghiệp bối rối. Kết nối thương giới thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cùng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội là điều chính quyền, cơ quan quản lý Quảng Nam đang thực hiện.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4” do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 12.10.2017.
Các đại biểu tham dự diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4” do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 12.10.2017.

Làn gió mới

Hai diễn giả thuyết trình về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động tới công cuộc đổi mới tại Việt Nam trước khoảng 200 doanh nhân đại diện cho hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Nam. PGS-TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia giới thiệu bản chất cuộc cách mạng công nghệ mới này chưa từng có trong lịch sử nhân loại, dựa trên nền công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, tác động trực tiếp đến các nền sản xuất. Doanh nghiệp buộc phải thích nghi với hàng loạt vấn đề như thiết kế, tiếp thị, cung cấp sản phẩm dịch vụ. Không phải diễn giải bằng những lý thuyết khô cứng, cách truyền dẫn của chuyên gia trẻ tuổi này thông qua hình ảnh món mỳ Quảng đã hấp dẫn người nghe. Đó là chuyện đưa thương hiệu đặc sản Quảng Nam đi xa thông qua việc áp dụng công nghệ trên các website, “sàn” thương mại điện tử để người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm. Họ có thể đặt hàng từ Hà Nội hay đâu đó trên thế giới một bát mỳ Quảng chỉ qua một tin nhắn. Chính công nghệ đã hỗ trợ cho người sản xuất đến người tiêu dùng rất nhanh. Nó có thể xóa ranh giới vùng miền và làm cho thế giới ngày càng phẳng hơn. Các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi giá trị khác biệt cho sản phẩm, lựa chọn phương thức sản xuất, kinh doanh, định vị rõ sản phẩm…

Có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức từ cuộc cách mạng này, tuy nhiên doanh nghiệp không nên sợ hãi và tiếp cận nó bằng chính năng lực của doanh nghiệp. Tự mỗi doanh nghiệp thức nhận vị trí, năng lực để chọn con đường nương theo sóng phát triển. TS. Phạm Thế Hùng - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thổi luồng sinh khí mới khi truyền đạt về tinh thần doanh nghiệp của người Do Thái bằng con đường tri thức của một nền giáo dục khai phóng và đọc sách để hình thành nên nền tảng văn hóa doanh nghiệp, thay đổi tư duy quản trị.

Những bài giảng của 2 diễn giả đã được thương giới Quảng Nam đón nhận một cách nồng nhiệt. Những cuốn sách phân tích, bình luận, nhận định về cuộc cách mạng công nghệ mới, khởi nghiệp hay văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân của TS. Phạm Thế Hùng giới thiệu đã nhanh chóng được bán hết chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ cho các doanh nhân đất Quảng. Đó là hình ảnh sinh động được nhìn thấy tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do UBND tỉnh mở lần đầu tiên tại Quảng Nam vào ngày 12.10.2017. Nhiều doanh nhân cho biết họ đã từng nghe về cuộc cách mạng này trên báo chí, truyền thông, nhưng đây mới là lần đầu tiên hiểu sâu hơn về làn gió mới này. Nhưng để làm thế nào thích ứng vẫn là câu chuyện đau đầu không chỉ của các nhà quản lý và cả doanh nghiệp.

Truyền lửa cho doanh nghiệp

“Đổi mới, sáng tạo” vốn xa lạ từ 5 hay 10 năm trước, giờ thuật ngữ này đã trở thành gần như là câu cửa miệng, diễn ngôn của doanh nhân và nhà làm chính sách. Không ít doanh nghiệp thay vì đầu cơ ngắn hạn đã thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dựa trên sự đổi mới năng lực công nghệ và tư duy quản trị. Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói làn sóng công nghệ lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất và cạnh tranh. Nó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn, tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, mở ra cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp chính là yêu cầu đổi mới công nghệ, khoa học trong sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Thông qua diễn đàn (và sẽ mở thêm nhiều diễn đàn khác), sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để thích ứng kịp thời với cuộc cách mạng này. Ông Thanh khuyến cáo doanh nghiệp cần điềm tĩnh đón nhận, xác định chiến lược, xây dựng phương án hành động cụ thể, cập nhật liên tục kiến thức về công nghệ, trang bị đầy đủ nguồn lực về vốn, tài chính và nâng cao tay nghề nguồn nhân lực. Chính quyền cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế phát triển, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, khuyến khích sự sáng tạo, phát triển cho mỗi doanh nghiệp.

Chính quyền đã tìm cách truyền lửa cho doanh nghiệp, song điều đó chưa đủ. Thực tế doanh nghiệp Quảng Nam vẫn còn yếu và thiếu. Theo kết quả khảo sát của Sở KH&ĐT, hiện Quảng Nam không có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp đơn thuần chỉ là thành lập loại hình doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh. Đa số doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực yếu, bị động đổi mới công nghệ, khó có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu khả năng cạnh tranh. Việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chỉ chiếm 0,56% trong GDP. Nghiên cứu mới đây của Bộ KH&CN đã chỉ ra rằng hầu hết ngành công nghiệp chủ lực Quảng Nam chỉ đạt ở mức trung bình. Dư nợ tín dụng cho khoa học công nghệ “nhỏ giọt”. Không có doanh nghiệp nào đăng ký tham gia đổi mới công nghệ. Không ít doanh nghiệp đành phải bằng lòng với những gì mình đang có. Bởi vậy, ngoài nỗ lực hỗ trợ của chính quyền, để đủ sức vượt sóng trước ngưỡng cửa hội nhập này thì phải dựa vào chính khả năng của doanh nghiệp!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nương theo cách mạng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO