Núp dịch và sống sạch…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 06/06/2021 15:14

(QNO) - Kể từ ngày 3.5 đến ngày 3.6 là tròn một tháng thành phố Đà Nẵng có những ca nhiễm Covid-19 từ vũ trường Tân Phương Đông, khu công nghiệp An Đồn và một vài khách sạn.

Nhiều khu vực nội thành buộc phải bị cô lập, giãn cách. Hệ thống phòng chống dịch từ năm ngoài đã được tái khởi động. Hàng trăm người nghi nhiễm được cách ly tại các bệnh viện. Người dân được khuyến cáo không ra đường nếu không cần thiết. Nghiêm cấm tắm biển và tụ tập đông người. Học sinh được nghỉ học. Các cửa hàng chỉ cho mua đem về; taxi, các phương tiện grab, xe ôm ngưng hoạt động, người dân được phát phiếu đi chợ 3 ngày một lần như đợt dịch Covid-19 năm 2020; các chốt kiểm soát khai báo y tế được dựng lên giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế…

 
Đỡ phải tụ tập nhậu, bù khú, tác giả bài viết tự thấy "đỡ hơn", dù... mắc dịch!

Xe đạp muôn năm…

Một sự thay đổi thấy rõ trong đời sống thị dân kể từ các đợt dịch năm ngoái đến năm nay vào những buổi sáng sớm. Dân Đà Nẵng đi biển từ 4 giờ sáng là chuyện không có gì để nói. Người ta ra biển bằng xe máy, ô tô. Xong lại tụ tập ở các tiệm ăn, quán cà phê tám chuyện là thường. Dịch, cấm ra biển, họ làm gì?

Họ vẫn tập thể dục, nhưng là đi bộ trên các lối phố và đi xe đạp. Nếu trước đây chỉ có những người tập xe đạp chuyên nghiệp ít ỏi, thì nay nhà nào cũng sắm mới vài chiếc, cả cho người lớn và trẻ con. Có những gia đình, cha mẹ và hai con lứa tuổi tiểu học, sáng nào cũng đạp xe dọc bờ sông, bờ biển và các phố lớn.

Các tiệm bán xe đạp thể thao và phụ tùng trên đường Trần Tế Xương cho biết doanh thu tăng đáng kể. Các tiệm sửa xe đạp ít ỏi nay cũng mở từ sáng sớm. Đứa cháu tôi là sinh viên, nghỉ học về quê rao bán lại chiếc xe đạp thể thao giá 2 triệu đồng, vừa rao trên facebook đã có nhiều người hỏi mua ngay. Không bớt một đồng. Anh bạn tôi là giảng viên đại học, có chiếc xe đạp bỏ kho nhiều năm, giờ cũng lấy ra tra dầu mỡ, nhờ tiệm chỉnh sửa và sáng nào cũng đạp 5-7 cây số quanh phố. Trên mục marketplace, việc rao bán xe đạp từ ba đến 5 triệu đồng mỗi chiếc, cả nhiều loại xe mới nhập có thể gấp gọn, xe đạp địa hình nhập khẩu từ Nhật, kèm phụ kiện cũng được rao bán nhan nhản. Người ít tiền cũng có thể mua các loại xe đạp cũ ngoại nhập đã qua tân trang, giá chỉ một triệu, có luôn!

Tôi trước đây có mấy bài viết ngợi ca việc quay lại đi xe đạp nhưng có lẽ không hiệu quả. Nay, giãn cách xã hội, hạn chế ra đường do Covid-19, phong trào xe đạp lại phát triển. Âu đó cũng là mặt tích cực, giúp rèn luyện thể chất và giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch ra môi trường! Hoan nghênh xe đạp!

Giảm nhậu, hết ồn!

Có một nhóm bạn tôi quen ở Đà Nẵng, từ nhiều năm nay, chiều nào sau giờ làm việc cũng ghé về một quán ở đầu đường T., khề khà đến tận 10 giờ đêm, mỗi người phải uống đến 6-8 lon bia mới về nhà. Một tháng nay, anh bạn trong nhóm ấy nói đã “rã đám”. Thôi thì uống ở nhà vài lon với vợ hoặc tối lại lên sân thượng “chơi” vài ly rượu thuốc nhìn cây cảnh cho rồi!

 
Nhiều người buôn bán rau củ vẫn kiếm sống hằng ngày trên phố...

Đám khác là viên chức trên dưới 40 ở cơ quan nhà nước, đêm nào cũng tụ tập ở các nhà hàng sang trọng đến tận khuya. Có khi vợ gọi năm lần bảy lượt mới về nhà. Nay cũng rút vào hoạt động bí mật và thu gọn trong vài người quen biết ở nhà riêng. Một anh nói với tôi, xong việc về nhà, nhờ vậy lại có cái hay là giúp con nhỏ ôn bài. “Cũng có cái hay chú ơi!” - bạn ấy nói.

Nhà tôi ở gần một nhà hàng ăn, kèm “hát cho nhau nghe”, trước đây tối nào cũng khổ sở vì tiếng ồn chát chúa, phải báo cảnh sát 113 hoặc công an phường mới dẹp yên, nay thì đã đóng cửa. Nghe cậu nhân viên ở đó nói, “Nhờ vậy mà khỏi mất lòng hàng xóm chú ạ!”.

Tôi thì… đỡ hơn thấy rõ. Trước dịch, cừ 5 giờ chiều mấy anh bạn thân đều gọi điện đến ngồi ở đâu đó, người góp 5-7 chục ngàn vào tiền bia, tiền mồi, lại tốn thêm chừng đó đi grab vì sợ đo nồng độ cồn. Từ năm ngoái đến nay, anh bạn bác sĩ đông y tặng cho vài thang thuốc “bổ gân cốt”, mua thêm chục lít rượu loại ngon về dầm. Chiều tối mở các chương trình thể thao, ngồi nhâm nhi trong phòng khách. Không được về quê mỗi cuối tuần để làm vườn và hít thở không khí thôn dã, cũng bức bách lắm. Nhưng nghe vợ nói, về trong nớ thì cũng lại nhậu! Lỡ ra F1, F2 lại gây khổ cho con cháu nhỏ. Thôi thì… cũng đành, ở nhà cho yên!

Vậy là tôi “vâng lệnh” ở nhà, cố vượt qua những cơn “tự kỷ” dễ gặp ở tuổi nghỉ hưu! Và mỗi sáng lại dành ra nửa giờ, dắt chiếc xe đạp ra phố, đạp quanh để lấy lại tinh thần!

Sống… sạch!

Mỗi sáng đạp xe quanh phố, dọc bờ sông vào lúc đèn đường chưa tắt, không tụ tập chén chú chén anh, tôi thấy rõ mình… "sống sạch” hơn trước đây nhiều lần.

Nhưng điều này mới quan trọng: mỗi buổi sáng đạp xe về nhà, tôi hay dừng lại ven đường mua rau củ và biết thêm nhiều chuyện…

Một chị ở Đại Lộc cách Đà Nẵng hơn 40 cây số, suốt mấy đợt dịch từ năm ngoái đến nay, sáng nào chị cũng chạy xe máy xuống gần Chợ Mới bán các loại rau đậu. Ban đầu, chị kể cứ đến trạm kiểm tra thì chạy lách vào xóm để tránh. Về sau thì đi liều, năn nỉ, riết rồi các chú cũng quen và cho đi. 3 giờ sáng dậy đi, 4 giờ tới Đà Nẵng. Bán xong trưa về. Chiều chạy quanh làng mua gom các thứ. Cũng kiếm được tiền chuẩn bị cho con thi đại học, chị nói. Trên các lề đường, từ mỗi sáng sớm, ta có thể bắt gặp nhiều phụ nữ bày bán các loại rau quả tươi xanh, có cả những chú gà quê đã làm thịt sẵn. Thỉnh thoảngnhững chiếc xe máy và những người đàn ông cũng từ các quận huyện xa chở củ quả ra phố.

“Mùa này nắng nóng, ruộng đồng chưa vào vụ, nên tranh thủ mua bán kiếm ít đồng…” - một anh trung niên nói. Các chị đi tập thể dục về thường ghé đến mua, khỏi vào chợ.

Trong đám bạn đạp xe thể dục buổi sáng của tôi, có anh khoe mình là “nông dân tầng thượng”, thỉnh thoảng lại mang theo ít rau muống, xà lách tặng người khác. Anh giảng viên đại học hôm qua khoe đã phá bỏ mấy chậu cây “vô tích sự”, chuyển qua giâm các loại giống ra vừa xin được.

Chỉ có dịch bệnh, tôi mới thấy giá trị của mấy chục mét vuông trên sân thượng mà trước đây chỉ là chỗ ngồi uống trà, ngắm trăng. Giờ thì rau và rau. Một chị khác thì khoe chồng chị đã đi mua các thùng nhựa, cắt đôi ra để gieo các loại rau cải và cả bầu, khổ qua đã ra trái…

“Mùa này, tất cả nước rửa nhà em đều được dùng để tưới rau!”, một chị khác khoe.

Vậy đó, một nếp sống sạch đang được hình thành trong các cư dân đô thị nhân những ngày núp dịch!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Núp dịch và sống sạch…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO