Trời nhá nhem tối cũng vừa lúc má đạp chiếc xe cọc cạch về tới sân. Má gạt chân chống, dựng chiếc xe ngay đầu hè rồi ra rửa tay chân ngoài ảng nước. Nghe tiếng nước chảy, bà nội ngồi trên giường nói vọng ra:
- Đứa nào về đấy, coi đi cột lại con trâu kẻo tối nay nó đứt mũi ăn hết lúa nhà người ta.
- Con cột rồi má.
Má trả lời nhưng vẫn không nhìn vào trong nhà. Là má nói thế cho nội yên tâm chứ dễ chừng cả chục năm nay nhà tôi có nuôi con trâu nào đâu. Chuồng trâu cũng đã phá từ lâu, trên cái nền cũ trồng mấy cây bưởi da xanh đã cho vài mùa quả.
Bà nội đưa tay với lấy cái bọc quấn vài lớp ni lông nhàu nhĩ để nơi đầu giường, lấy ra một tờ thuốc lá sậm màu rồi quấn lại. Bà châm lửa, bập vài đường, không gian đặc sệt thứ mùi hăng nồng từ khói thuốc. Má đang lui cui nấu cơm dưới bếp. Bà nội lại cứ nói vọng xuống chuyện con trâu Bỉnh cứ hay phá chuồng, bứt dây nửa đêm đi ăn lúa.
Nội tôi hơn 80 tuổi. Tóc bà bạc cả, mắt kém, tay run. Má thường đợi nội ngủ, lén giấu cái bọc thuốc lá nội để đầu giường. Má nói với nội, già rồi, hút thuốc lá hại phổi. Thuốc nội hút không phải loại đầu lọc được đóng gói kỹ mà những lá thuốc được phơi nguyên cành.
Mấy bà già làng tôi vẫn hay cất chái bếp rồi quấn hút. Má tôi nói ngày trước nội chạy chợ bán mắm, mùa mưa ngồi góc chợ lạnh lẽo, mấy bà ngoài chợ thường quấn thuốc hút cho ấm. Nội biết hút từ thời trẻ, đến già không bỏ được. Ngủ dậy nội lại đưa tay tìm thuốc lá, lại ngẩn ngẩn ngơ ngơ buồn cả ngày nên má đành để lại. Má nói, thôi ráng chiều cho nội bây vui!
Thỉnh thoảng tôi trên phố về, ngồi xuống giường xoa tay, bóp chân cho bà. Nội dòm dòm nói tôi đẹp trai, cao lớn. Nội nói mình có đứa cháu làm ăn trên thành phố mà ít về thăm nhà. Thằng cháu tên Thiên, bà hồi nhỏ ẵm bồng hay gọi cu Tí. Bà nắm tay tôi xoa xoa, bảo tôi chắc cũng trạc thằng Tí. Tôi cười mà nghe mắt cay cay.
Nội tôi hồi trẻ lấy chồng sớm, đẻ liền một hơi 5 đứa con trai. Ba tôi thứ ba. Nhà nghèo, con đông, mấy sào ruộng cạn xợt thắt thẻo dưới chân núi không đủ ăn đủ mặc cho con nên nội đi buôn mắm. Mấy thùng mắm cái, cá thính, cá cơm khô theo ghe dưới xuôi gửi lên, tinh mơ nội gánh ra chợ ngồi bán.
Gần trưa chợ tàn, nội gánh dạo bán quanh xóm, quanh làng. Đòn gánh của nội cong cong, ngay chỗ nội kê vai nhẵn thín, bóng loáng. Mùa mưa, trời mịt mù và lạnh ngắt, nội mặc áo mưa mỏng dính vẫn oằn lưng gánh mắm. Ông nội và mấy đứa con can, bà nói trời mưa người ta mới thèm mắm, thèm cá cơm khô, cá thính nhiều. Vậy là dù nắng hay mưa vẫn cứ thấy nội kẽo cà gánh mắm đi bán.
Hồi nội mới sinh chú Út, đi bán về trời mưa lớn đường ngập đến đầu gối. Sợ ướt hết cá mắm, nội đội thúng lên đầu, lội bì bõm trong nước. Hai tay giữ chặt, chân dò dẫm tìm đường đi. Bữa đó nội lỡ sụp hố, cá mắm ướt hết. Nội lấy cá thính ngấm nước nấu một nồi to đùng trên bếp. Cả nhà ăn lặc lè đến cả tháng mới hết.
Mắm thính làm từ cá chuồn, ướp muối rồi rải lên lớp bột bắp rang xay mịn. Ba nói, từ hồi nội bán mắm, cả nhà ăn mắm thính thường xuyên. Nội bắc nồi cơm lên bếp, cơm cạn rút củi, nội bỏ cái tô có đựng 2 con cá thính vào, đậy nắp lại chưng. Một khúc mắm thính nhỏ có thể ăn được mấy chén cơm. Ăn xong mấy đứa con múc nước uống ừng ực vì mặn.
Ba nói, hồi nhỏ nhà nghèo ăn mắm thính nhiều đến nỗi sợ tới tận bây giờ. Mà lạ là bà nội cứ vài bữa thấy má đi chợ là dặn mua cho nội ít cá thính về ăn cơm. Nội răng yếu, tới bữa ăn chỉ chừng nửa chén cơm.
Má sợ ăn cơm với cá thính không có chất lại chẳng tốt cho tuổi già nên về nói dối rằng nay người ta không còn bán mắm thính nữa, chỉ có cá tươi thôi, má ăn đỡ. Nội tôi buồn thiu, thấy tôi trên phố về, nội dặn khi nào lội chợ trên đó về nhớ tìm cho nội mấy con cá thính. Lâu quá không ăn, nội nhớ.
*
* *
Mùa này hay có những cơn mưa trái mùa. Lúa ngoài đồng đang căng hạt, cúi đầu thì mưa bất ngờ kéo tới. Cả cánh đồng ngã rạp. Những ngày mưa to, nội cứ nhấp nhổm không yên.
Có bữa nửa đêm trời nặng hạt, tiếng mưa quất ràn rạt lên mái ngói, gió thổi u u ngoài trời, nội ngồi dậy, la to kêu ông nội thức dậy, kiếm chỗ cao hơn mà trú coi chừng nước lớn. Mà ông nội tôi mất cũng mấy chục năm rồi!
Ba tôi giật mình ngồi dậy, dìu nội ngồi lên giường bảo nước đang rút chứ không có ngập tới nhà mình. Nghe vậy, nội mới yên tâm. Ba kể, ông nội mất cũng trong một đêm mưa gió bão bùng như vậy.
Bão về quét qua làng, mưa to như trút làm nước dâng lên nhanh, mấp mé sân rồi tráng nền nhà. Ông bà nội dắt đám con chạy tránh lũ trong đêm. Chẳng may ông nội sảy chân rơi vào dòng nước. Từ đó nội thành góa phụ, một mình gồng gánh nuôi 5 đứa con.
Tôi thường hay ngồi nghe nội kể những câu chuyện xa xăm, không đầu không cuối. Chuyện chú Năm đi chăn trâu nghịch ngợm nên bị té từ trên lưng trâu xuống gãy tay. Chuyện ba tôi leo cây trâm bị ong chích sưng mình. Chuyện ngày cưới của bác Hai, bà nội chơi lớn làm thịt một con bò, một con heo đãi khách.
Một bữa tôi ngồi, nội kéo tay tôi lên săm soi. Nội nói bây chạy xe đạp, té rách một đường dài phải đem ra nhà thương khâu lại. Hồi tôi 7 tuổi, theo bạn ra sông tắm suýt chết đuối.
Nội kể rành mạch, nhớ từng chi tiết nhỏ xíu của mấy đứa con đứa cháu như thể chuyện mới xảy ra hôm qua. Vậy mà có lúc nội lẫn lộn quá khứ với hiện tại, lúc nhớ lúc quên. Có lúc gọi tôi là Tí, có khi nội hỏi tôi là con cái nhà ai trong làng ghé chơi.
*
* *
Một bữa tôi đang làm, má hốt hoảng gọi lên bảo bà nội đi đâu mất rồi. Má đi chợ về thấy nhà cửa vắng ngắt. Bác Hai, chú Năm, chú Bốn cũng đang chạy đi tìm. Má hỏi láng giềng xung quanh cũng không ai thấy nội. Tôi bỏ việc, từ phố về nhà mất hơn hai tiếng đồng hồ. Lòng tôi như lửa đốt. Cả chục năm nay rồi, nội có đi đâu khỏi nhà?
Cả nhà rối như tơ vò. Con cháu, dâu rể đều lo lắng chạy đi tìm nội. Mọi người đã tìm hết chỗ nhà họ hàng quen, những chỗ nội có thể đi nhưng đều không thấy nội đâu. Má tôi chảy nước mắt, nói phải chi hồi sáng không đi chợ. Thím Năm nói có hồi nào má đi ra sông rồi sẩy chân. Chú Năm quay lại nạt thím, bảo cái miệng ăn mắm ăn muối nói tầm bậy…
Tôi điểm lại tất cả điểm nội có thể tới nhưng mọi người đều nói đã đi tìm. Tôi thoáng băn khoăn:
- Có khi nào nội ra chợ không? Mọi người tìm ngoài chợ chưa?
- Chưa. Mà nội ra chợ làm gì? Từ đây ra chợ cả chục cây số, sao nội bây đi được? - má tôi nói.
- Dạ, để con chạy ra thử…
Tôi chạy xe ra chợ. Chợ quê chỉ đông quãng sáng, buổi chiều thưa thớt. Vài ba người đàn bà ngồi bên lề đường bán cá sông. Mấy mẹt rau chiều chơ vơ, héo rũ. Mấy bọc ni lông xả ra đất bị gió thổi liêu xiêu. Khách ít, những người đàn bà tụm lại nói chuyện. Tôi dừng xe lại, hỏi họ có thấy một bà già cỡ 80 tuổi bị lẫn ở chợ sáng nay. Vài người lắc đầu.
Chợt một chị có vẻ đăm chiêu, bảo rằng hình như hồi sáng có thấy một bà già, có ngồi ở khu chợ cũ. Tôi biết đó là chỗ người ta bán mắm bán cá ngày xưa… Nội ngồi trên một cái sạp gỗ, chân cao chân thấp, nhìn ngó mông lung. Lòng tôi trút được gánh nặng. Nội nhìn tôi, cười hiền lành:
- Tí à con, nay nội nhớ chợ quá bây.
- Sao nội ra tận đây được? Cả nhà đi tìm nội sáng chừ đó.
- Ừ, nội nằm buồn, đột nhiên nhớ chợ. Nội ra đường rồi quá giang người ta ra đây. Chừ ngồi ở đây mà không có bà Tám, bà Bảy chạy chợ với nội ngày xưa. Nghe bảo họ chết hết rồi…
Tôi nắm tay nội, dắt ra cổng chợ. Nội đi chậm rãi, đôi mắt thường ngày mờ yếu nay tinh anh ngó nghiêng mọi thứ. Nội đưa tay chỉ, chỗ này hồi xưa bán rau, chỗ kia là sạp của bà Chín bán chè.
- Tí nè, chừ trong chợ chỗ nào bán mắm thính không con, lâu rồi không ăn nội nhớ.
- Nãy má con nói má nấu cháo gà rồi, nội nhịn đói cả ngày, về húp cháo cho khỏe đi nội.
Nghe tiếng nội thở dài, tôi đành hỏi khắp khu chợ, rồi cũng mua được cho nội mấy con cá chuồn thính. Về nhà, nội bảo cả nhà ăn cháo gà đi, bảo má tôi bắc cho nội miếng cơm, rồi đem chưng mấy con mắm thính.
Tay nội run run gắp miếng mắm thính bỏ vào chén, nội chậm rãi ăn từng miếng ngon lành. Nội nói nhờ mắm thính mà nội nuôi được 5 đứa con. Thỉnh thoảng chạy chợ cũng mua được cho sắp nhỏ miếng thịt, con cá biển.
Nhà đông miệng ăn thành thử miếng thịt, miếng cá cũng chẳng nhằm nhò gì nên phần nội vẫn là lưng chén cơm với miếng mắm. Nội ăn nhín nhín, ăn phần thính dính quanh con cá chứ cũng chẳng ăn tới phần thịt mắm.
Nội quên gì thì quên chứ mùi của con mắm thính sao mà nội quên được. Bây chê nó mặn, nó dở nhưng nhai kỹ với miếng cơm nóng mới thấy nó béo, nó thơm. Mấy chục năm rồi mà vị mắm người ta vẫn giữ được như những ngày cũ.
Nồi cháo gà bỏ dở, cả nhà ngồi ăn cơm với nội. Miếng mắm cá mặn quắn trong lưỡi, tôi nghe lòng dậy lên những ký ức xa xôi…