Nhà khảo cổ học người Ý - Federico Barocco cười thật tươi và mở đầu câu chuyện cùng chúng tôi như thế khi nói về mối nhân duyên Việt Nam… Với anh, mỗi mảnh vỡ được tìm thấy sâu trong lòng đất, chính là mảnh ghép trong bức tranh đa diện của văn hóa vùng miền.
Hơn 15 năm, bước chân Rico rải khắp các tỉnh thành Việt Nam. Nhưng lâu nhất, sâu bền nhất, phải nói đến Mỹ Sơn, Khương Mỹ, Chiên Đàn, và bây giờ là Hội An. Rico - tên thân thuộc bạn bè Việt Nam gọi anh, đã chọn ở hẳn tại phố cổ, mở một nhà hàng Tây, đưa đón con đến trường và vẫn tiếp tục công việc khảo cổ, bảo tồn.
Nối dài giấc mơ thơ ấu
Rico khá sõi tiếng Việt. Anh có thể nói chuyện hàng giờ bằng tiếng Việt về nhiều chủ đề, nói say sưa và rất ít khi phải dùng kim từ điển. Tuy nhiên, khi đụng đến câu chuyện về khảo cổ học và bảo tồn, anh chia sẻ phải sử dụng tiếng Anh mới có thể diễn đạt hết mọi ý của mình. Và trong câu chuyện của Rico, lúc nào cũng thấp thoáng ý tứ về một sự trân trọng với những di tích. Năm 27 tuổi, sau khi đã hoàn tất công việc khảo cổ tại Lào, Myanmar, Rico lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Anh tham gia vào dự án trùng tu nhóm tháp G tại Mỹ Sơn do Quỹ Lerici của Ý đảm nhiệm. Những vết tích thời gian hằn trong lòng tháp cổ, như cái cách Rico diễn đạt, không hiểu sao, lại trở nên màu nhiệm với anh. Anh nghĩ về căn nhà ở thành Roma, nơi Rico đã nuôi nấng giấc mơ khám phá quá khứ từ những đền đài, di tích cổ.
Federico Barocco (Rico) hào hứng trao đổi về câu chuyện bảo tồn di tích ở Hội An. Ảnh: S.ANH |
“Ở Roma, nhà tôi ngay cạnh một di tích. Ngày nhỏ tôi hay chui vào bên trong di tích, để tìm gì thì không nhớ rõ. Nhưng rất thích cái cảm giác sờ vào mỗi mảnh vỡ, mỗi viên đá, viên gạch cổ” - Rico nói. Chính cảm giác thời thơ ấu đó đã duy trì và nuôi lớn đam mê bảo tồn di tích của Rico. Anh theo học chuyên ngành khảo cổ học Đông Á ở giảng đường Đại học Rome (Ý), sau đó theo học chuyên ngành Lịch sử Viễn Đông và Khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Và bây giờ, Rico ngồi ở “Phố Chợ”, nơi anh chọn là không gian để biểu hiện mọi suy tư về cuộc sống mình, kể người nghe về những chuyến hành trình, những cảm xúc trong mỗi lần anh đến với các địa phương có di tích. Bazar, trong tiếng Anh có nghĩa là chợ ở phương Đông. Rico nói, phố chợ Hội An có đủ mọi âm sắc của một chốn đông người, nhưng lại không xô bồ, hỗn tạp. Và cũng như mọi người nước ngoài khác khi chọn dừng chân lâu dài ở Hội An, sự tĩnh tại, lắng dịu của vùng đất này đã níu giữ họ. Với Rico, điều đó càng cần hơn. Bởi theo anh, sự trầm tĩnh của phố cổ phải đến từ một bề dày văn hóa, và cái kiểu cổ kính này, “là một sự tôn trọng với di tích”.
Nhân duyên với Việt Nam
Đã từng ở Mỹ Sơn trong suốt từ năm 2003 đến năm 2013, sau khi nhóm tháp G hoàn tất trùng tu và đưa vào tham quan, mọi ngõ ngách, mọi đền đài của vùng thung lũng nhỏ, Rico đều thân thuộc. “Các di tích kiến trúc và điêu khắc ở Mỹ Sơn mang một vẻ đẹp thẩm mỹ đặc biệt, phản ánh sự giao thoa đa dạng giữa các nền văn hóa. Các đền tháp ở đó đều có một cuộc sống riêng, với những tập tục lễ nghi riêng, và chắc chắn còn rất nhiều bí ẩn tại thung lũng này” - Rico chia sẻ suy nghĩ. Chính mỗi sự huyền bí từ các đền đài, hiện vật, là tác nhân khiến anh không ngừng say mê, mỗi khi về lại Mỹ Sơn. Cũng từ vùng đất thánh này, nhân duyên Việt Nam đã khởi đi trong lòng Rico. Từ những ẩn chỉ văn hóa Chăm, lần theo dấu tích, anh tìm hiểu về sự tiếp nối của nền văn hóa này ở phố cổ Hội An. Và có lẽ, yêu Hội An tự khi nào không biết...
Rico nói, phố chợ Hội An có đủ mọi âm sắc của một chốn đông người, nhưng lại không xô bồ, hỗn tạp. Và cũng như mọi người nước ngoài khác khi chọn dừng chân lâu dài ở Hội An, sự tĩnh tại, lắng dịu của vùng đất này đã níu giữ họ. Với Rico, điều đó càng cần hơn. Bởi theo anh, sự trầm tĩnh của phố cổ phải đến từ một bề dày văn hóa, và cái kiểu cổ kính này, “là một sự tôn trọng với di tích”. |
Rico về Pháp, đưa cả gia đình nhỏ sang Việt Nam. Vợ anh, một Việt kiều Pháp, đồng ý trở về, vì thấu hiểu lòng yêu nghề của Rico. Và trong mối lưu tâm về những di tích cổ ở Việt Nam, Rico nói, người Việt hình như không thích đồ cổ cho lắm. “Họ cứ thích gạch mới, nhà to, hoành tráng. Suy nghĩ này nếu áp vào bảo tồn di tích thì sẽ hỏng hết” - Rico nói. Riêng với bảo tồn, trùng tu di tích, anh cho rằng, tốt nhất là nên giữ nguyên trạng di tích, phải cố sức làm sao cho nó càng gần với nguyên thể, càng tốt. Mỗi di tích chứa cả một kho tàng văn hóa bí ẩn mà càng khám phá, càng thấy thú vị. Nên Rico cũng như những cộng sự trong ngành khảo cổ học, bảo tồn, trân quý đến từng mảnh vỡ. Anh nói với tôi, người dân Việt Nam biết Rico nhiều hơn cả ở đất nước anh. “Báo chí các bạn chính là kênh tiếp cận cho tôi với nhiều người. Từ đây tôi nghĩ, chính báo chí của bạn sẽ phải làm sao để người dân Việt Nam thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của di tích. Mọi người cần phải chung tay để gìn giữ di tích đang còn tồn tại” - Rico chia sẻ.
Bắt đầu năm 2016 này, Quỹ Lerici sẽ hợp tác cùng tỉnh Quảng Nam mở Trung tâm Giáo dục dạy nghề về trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa. Sẽ có những khóa đào tạo cụ thể cho các cán bộ trùng tu, công nhân lành nghề trong lĩnh vực này và cán bộ quản lý tại các khu di tích. Điều này sẽ nâng cao chất lượng phục chế và năng lực bảo tồn của các cơ quan liên quan ở Việt Nam, cũng như nâng cấp các di chỉ khảo cổ ở Quảng Nam. Federico Barocco sẽ trở thành “thầy giáo” tại trung tâm này. Anh đang rất háo hức cho dự án này. Bởi như Rico nói, điều quan trọng nhất sau khi thực hiện bảo tồn trùng tu di tích, chính là sự truyền đạt kinh nghiệm, tri thức cho thế hệ tiếp nối. “Có một thế hệ tiếp nối tốt công việc khảo cổ, trùng tu của chúng tôi, nghĩa là di tích được gìn giữ dài lâu hơn” - Rico nói.
SONG ANH