(VHQN) - Chẳng phải là nơi sinh ra, lớn lên nhưng trong câu chuyện của anh, đất nước Lào hiện lên lại thân thuộc nhường nào.
Anh Đinh Lê Đệ (quê Quảng Nam) nhớ mãi lần đầu đến với bà con các bản vùng sâu của tỉnh Sê Kông (Lào). Trong chuyến đi đó, dù thời gian không nhiều, nhưng được tiếp xúc, khám chữa bệnh cho bà con dân bản, được thưởng thức món ăn đặc trưng của người Lào, được buộc chỉ cổ tay, được nghe những bài ca lăm-tơi với điệu múa lăm-vông tha thiết, mượt mà - anh mong được đến đất nước Triệu Voi nhiều lần hơn thế nữa.
Rồi hơn 5 năm sau, anh xung phong trong đoàn công tác làm nhiệm vụ trên đất bạn. Đơn vị đóng ở huyện PakSong, tỉnh Champasack - tỉnh lớn thứ hai của Lào, chỉ sau thủ đô Viêng Chăn.
Ở đó, anh đã gặp rất nhiều người mẹ Lào. Họ là những người trước đây đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che hoặc trực tiếp chiến đấu cùng chiến hào với bộ đội Việt Nam. Họ không còn minh mẫn như xưa, nhưng khi nhắc đến hai chữ Việt Nam - ánh mắt tràn yêu thương.
Anh được nghe câu chuyện về mẹ Kanchia - người mẹ trẻ mới 18 tuổi, đang nuôi đứa con đầu lòng mà dám vượt qua sự ngại ngùng, xấu hổ, những rào cản kiêng kỵ của phong tục, tập quán của dân tộc, để nhường sữa cứu sống bộ đội tình nguyện Việt Nam. Một câu chuyện đặc biệt, có lẽ chỉ có trong quan hệ giữa hai nước Lào - Việt Nam.
Ở đó, anh được gặp anh bộ đội Việt Nam, thời chống Mỹ bị thương, đi lạc, được gia đình người Lào cưu mang, cứu chữa lành vết thương bằng cỏ cây từ núi rừng Trường Sơn. Đất nước giải phóng, anh trở lại chốn xưa để tạ ơn gia đình và người con gái năm xưa đã giúp anh thoát qua cửa tử, rồi nguyện sống chết với đất này.
Người cựu chiến binh đó đã bao năm lặn lội khắp các bản làng vùng biên cùng với bà con các bộ tộc Lào góp công tìm mộ. Bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm, nhưng hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại đất bạn vẫn chưa về đất Mẹ.
Ở huyện PakSong - tỉnh Champasack có tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam. Đây là một trong bốn tượng đài được xây dựng trên đất nước Lào để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ Việt Nam - Lào đã hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giải phóng hai dân tộc. Những cây chăm-pa được các lãnh đạo hai nước trồng đã vươn cành đơm hoa.
Cô Khamsouk Vongsavanh (từng là sinh viên Trường Đại học Quảng Nam) chia sẻ, thành ngữ Việt Nam có câu “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhân dân các bộ tộc Lào gọi Việt Nam là “bankay huonkhieng” (bản kề, nhà cạnh), giống như trong bài thơ “Hai anh em sinh đôi” của nhà thơ Lào Vilay Keomany “Anh ở bên kia, tôi ở bên này/ Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ”.
“Cám ơn đất nước Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi được học tập, về phục vụ đất nước Lào. Chúng tôi thường đến thắp hương, dâng hoa ở Đài tưởng niệm - đó là tượng đài vĩnh cửu trong lòng người dân Lào và Việt Nam”. Anh bảo câu nói đó của cô Khamsouk mà anh gặp ở tượng đài, đã khiến anh xúc động khôn nguôi.
Học ngôn ngữ Lào, anh hiểu những chùa chiền tôn nghiêm có hầu hết ở các bản làng làm nên tính cách người Lào - đủng đỉnh như những đàn voi - biểu tượng của vương quốc Vạn Tượng, trân quý tình bạn, trọng chữ tín, nhân hậu, trung thực.
Thành phố Pakse thủ phủ của tỉnh Champasak có nghĩa là “thành phố cửa sông” vì nằm trong sự bao bọc của hai con sông Sê Pôn và Mê Kông. Ở Pakse, có nhiều thế hệ người Việt Nam sinh sống lâu đời, nếp sinh hoạt gần giống như người Lào. Họ cũng hồn nhiên như cỏ cây, chân chất, bao dung, vui vẻ…
Trong không gian sinh hoạt gia đình người Việt, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ, họ răn dạy con cháu biết về cội nguồn dân tộc và duy trì nói tiếng Việt trong gia đình. Chung sống trong cộng đồng dân cư, luôn đoàn kết và hết lòng cưu mang, giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn.
Ở nơi anh đóng quân, phần lớn là người dân tộc thiểu số La Vên, Tà Ôi, Nha Hớn. Ở đó nhiều đời nay sống theo tập quán du canh du cư, có nơi chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp. Và nghèo. “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, các anh đã vận động người dân chăn nuôi, tăng gia sản xuất, xây dựng nếp sống mới...
Ở đó, anh cùng đồng đội đào tạo lực lượng cán bộ nòng cốt ở địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh xá, đường sá, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân. Ở đó, các anh tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thu thập thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Ở đó, là tình cảm sâu thêm theo từng mùa khô mùa mưa của đất bạn…