Ô nhiễm môi trường di sản - Bài cuối: Tìm cách làm sạch môi trường

LÊ QUÂN – VĨNH LỘC 29/07/2015 08:26

Liên tục tham vấn các tổ chức phi chính phủ, tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay làm sạch môi trường… là những bước đi khởi đầu cho hàng loạt hoạt động vì môi trường ở các khu vực di sản.

  • Ô nhiễm môi trường di sản - Bài 2: Thách thức Cù Lao Chàm
  • Ô nhiễm môi trường di sản - Bài 1: Phố cổ kêu cứu

Nhiều giải pháp cho phố cổ

Định kỳ 2 tuần/lần, các nhân viên của khách sạn Hoàng Gia Hội An tổ chức thu dọn vệ sinh rác thải đoạn từ cầu Xã Tang đến cửa sông Thu Bồn. Những bụi cỏ dại, rác tấp ven bờ hay trôi dập dềnh trên sông Hoài đều được các bạn trẻ nhanh chóng thu gom phân loại cho vào từng bao ni lông để mang đi tiêu hủy. Không những dọn dẹp vệ sinh trên bờ và dưới nước khu vực khách sạn, các bạn trẻ còn chèo thuyền ngược về hướng phố cổ để tiếp tục thu gom rác thải trên sông. Ông Tangi - Tổng Giám đốc Khách sạn Hoàng Gia Hội An cho biết, hoạt động thu dọn vệ sinh rác thải chỉ là một trong 7 hoạt động thường kỳ của Tập đoàn Accor được tổ chức hàng năm với tên gọi “Hành tinh 21” nhằm hướng tới trách nhiệm với xã hội. Định kỳ mỗi tháng, các khách sạn thuộc tập đoàn sẽ cùng họp với nhau để xây dựng kế hoạch, triển khai lần lượt từng hoạt động cụ thể. “Chúng tôi tổ chức hoạt động này để người dân thấy rằng, khách sạn không chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà còn quan tâm đến môi trường cũng như các lợi ích cộng đồng tại địa bàn đơn vị kinh doanh” - ông Tangi khẳng định. Kêu gọi ý thức hành động với các chương trình cụ thể nhằm từng bước cải thiện môi trường từ các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn phố cổ là bước đi đầu tiên của chính quyền TP.Hội An.

Các nhân viên của khách sạn Hoàng gia Hội An tổ chức vớt rác trên sông Hoài.
Các nhân viên của khách sạn Hoàng gia Hội An tổ chức vớt rác trên sông Hoài.

Mỗi ngày, Hội An có gần 70 tấn rác các loại thải ra. Nhiều chương trình lớn xử lý rác thải được triển khai tại địa phương này, trong đó phân loại rác tại nguồn đang áp dụng tại 13/13 xã, phường. Rác dễ phân hủy sau khi được phân loại sẽ chuyển đến một nhà máy để làm phân compost, còn rác khó phân hủy được chôn lấp tại bãi rác Cẩm Hà. Đại diện chính quyền TP. Hội An cho biết, hiện Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tại Cẩm Thanh và hệ thống này hiện nay trở thành mạng lưới chân rết nằm dưới hầu hết đường phố (nước thải sẽ theo các đường ống chảy về nhà máy và được nhà máy xử lý trước khi thải ra môi trường). Ngoài ra, tại Cẩm Hà cũng đang có một nhà máy xử lý rác thải và 20% rác thải dễ phân hủy sẽ được chế biến thành phân hữu cơ, số còn lại không phân hủy được thì hợp đồng đem chôn lấp ở nơi khác. “Nhưng về lâu dài cũng không ổn nên hiện nay thành phố đang hướng đến xây dựng một lò đốt tại Hội An để đốt rác không phân hủy, còn lại sẽ chôn lấp” - vị lãnh đạo này nói.

Mỹ Sơn xanh – sạch. Ảnh: L.Q
Mỹ Sơn xanh – sạch. Ảnh: L.Q

Đối với vấn đề Chùa Cầu, TP.Hội An dự kiến năm 2016 sẽ triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại khu vưc này với tổng kinh phí 243 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Đây là dự án do TP.Hội An vận động từ năm 2011 đến nay. Phòng TN-MT TP.Hội An cho biết, trong thời gian đợi nhà máy hoàn thành, Hội An xây dựng 2 hệ thống cống song song gồm thu nhận nước mưa và nước thải riêng biệt, yêu cầu các nhà hàng, khách sạn tại địa phương phải xử lý nước thải trước khi xả ra các kênh. “Không thể khống chế hoặc di dời các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ra khỏi phố vì ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế của thành phố. Nếu các cơ sở này đảm bảo về mặt an ninh trật tự, đảm bảo về mặt môi trường cũng như những vấn đề liên quan đến không gian đô thị… thì vẫn hoạt động được” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Phòng TN-MT Hội An nói. Ước tính mỗi khách sạn 3 sao chi phí cho việc xử lý nước thải theo phương pháp này mỗi tháng hết khoảng 10 triệu đồng.

Môi trường sạch từ Mỹ Sơn

Ông Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, thành công của Mỹ Sơn sau ngày được công nhận di sản văn hóa thế giới không chỉ phản ánh qua các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích mà còn thể hiện ở việc bảo vệ kiến trúc và cảnh quan sinh thái xung quanh như chống cháy rừng, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học, gìn giữ môi trường…, góp phần giúp Mỹ Sơn an toàn và đẹp hơn. Đặc biệt, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường di sản trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đã được triển khai từ rất sớm. Việc phối hợp giữa Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn với các ban, ngành địa phương, trong đó, chương trình giáo dục di sản trong trường học được dư luận đánh giá rất cao. Ngoài ra, việc biên soạn ra 2 bộ sách làm tài liệu nguồn cho giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 nghiên cứu, giảng dạy, kết quả đạt được khá tích cực trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và các thế hệ trẻ với di sản… “Cái được nhất của Mỹ Sơn những năm qua là ý thức bảo vệ di sản trong dân và các thế hệ học sinh được nâng lên rõ rệt, từ bảo vệ rừng, không đốn cây, lấy củi, bẫy chim thú đến thả trâu bò vào khu vực di tích đã được quán triệt đến các tầng lớp nhân dân sống xung quanh khu vực di sản và điều này đã góp phần làm cho Mỹ Sơn đẹp hơn, xanh hơn trong mắt khách” - ông Hoa nhìn nhận.

Không chỉ ở các khu vực di tích, tháp mà xa hơn, Mỹ Sơn đã phục hồi môi trường sinh thái, thảm thực vật, động vật xung quanh. Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, khoảng 300 triệu đồng đã được chi cho việc trồng mới rừng và các cây bản địa tại khu vực xung quanh di tích. Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết thêm, hiện nay Mỹ Sơn đã có đội phòng chống cháy rừng riêng với hơn 30 thành viên là đoàn viên thanh niên và lực lượng bảo vệ, mỗi ngày đều có 2 người được phân công đi tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện những hành vi phá rừng từ bên ngoài hoặc sự cố cháy rừng để có hướng xử lý. Hệ thống nhà vệ sinh tại Mỹ Sơn được xây dựng phân bố đều tại 3 khu vực chính là quầy vé, khu nhà đôi và khu di tích, ngoài ra các giỏ rác cũng được bố trí dọc mỗi lối đi và trên những tuyến đường vào khu vực tháp. Đặc biệt, môi trường du lịch Mỹ Sơn rất tốt, không có hiện tượng chèo kéo, tranh giành khách, vấn đề an ninh, an toàn cũng được đảm bảo… “Định hướng sắp tới của Mỹ Sơn vẫn xác định bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng cây xanh, bố trí không gian hợp lý để tạo ra những điểm nghỉ ngơi cho du khách. Ngoài ra, cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải, nâng cao ý thức của cán bộ viên chức cũng như du khách về gìn giữ môi trường trong khu vực tháp. Thứ đến là phát huy hệ thống bảo vệ để bảo đảm an toàn an ninh cho du khách, đồng thời tuyên truyền phát động phong trào bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của du khách khi đến tham quan Mỹ Sơn” - ông Hộ cho biết.

Vẫn biết kinh nghiệm gìn giữ môi trường từ Mỹ Sơn không thể mang áp dụng hoàn toàn với phố cổ Hội An, hay Cù Lao Chàm, nhưng hiện nay, với các tour “du lịch có trách nhiệm” - nghĩa là khám phá vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa, đồng thời không để lại những tác hại tiêu cực lên các điểm di sản, sẽ là điểm nhấn để dần dần hình thành nên thói quen gìn giữ môi trường ngay cả với người dân và du khách. Việc nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa, bảo tồn di sản cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ và tôn tạo môi trường tại các khu di sản. Điều này đã được UNESCO khuyến nghị khi phát triển kinh tế, khai thác du lịch tại các điểm là di sản văn hóa thế giới.

LÊ QUÂN – VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ô nhiễm môi trường di sản - Bài cuối: Tìm cách làm sạch môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO