Như một nghịch lý, nhưng là điều bạn có thể bắt gặp đây đó: trong nhịp sống ồn ào ở phố, nhiều thị dân vẫn thèm thuồng được tận hưởng không khí cũng như cách sinh hoạt ở làng quê.
Hụt hẫng ở phố
Vừa rồi, có thông tin về chợ truyền thống ở nhiều đô thị ngắc ngoải vì không cạnh tranh được với các siêu thị hay chuỗi hệ thống bán lẻ. Chợ quê ở thành thị thì có thể bị “lép vế” nhưng nông sản, hàng hóa xuất xứ từ quê thì vẫn “đắt” khách như tôm tươi. Hỏi chuyện bà Trần Thị Thuận, chủ hộ làm mắm lâu năm ở làng mắm Hà Quảng (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) về kênh tiêu thụ, bà Thuận bộc bạch: “Hàng chuyển đi các thành phố bán sỉ thì tất nhiên rồi. Nhưng thi thoảng khách đi theo chiều Đà Nẵng - Hội An và ngược lại khi ngang qua đây nghe mùi mắm là ghé vô hỏi mua mấy lít để dành ra phố ăn”.
Nói thêm về ăn uống, đợt rồi Đà Nẵng bị nhiễm mặn nặng, gần chục hộ trong một tổ dân phố ở quận Ngũ Hành Sơn túm tụm bàn nhau khoan nước để sinh hoạt vì chờ è cổ mấy ngày không thấy nước thủy cục về. Một người đàn ông trung niên nói: “Điện thoại về quê nói nước không có tắm mà chẳng ai tin. Ở quê nhiều khi dùng nước tưới cây cối trong vườn, đôi hồi bỏ quên để chảy lênh láng nghĩ mà sướng”.
Đợt rồi, đô thị cổ Hội An rộ lên câu chuyện phát triển du lịch không rác thải nhựa, hướng đến du lịch xanh, du lịch dựa vào tài nguyên bản địa. Nhưng theo ông Phan Xuân An - Chủ tịch Công ty Du lịch Tân Hồng - du ngoạn Việt nhìn nhận: “Cả khu vực nội đô đi đâu cũng nắng chang chang, du lịch xanh mà thiếu cây xanh, chẳng thấy bóng chim chóc. Nếu có nhiều cây tán rộng và cao để nghỉ chân tạm trong mùa hè oi bức thì khách thấy cũng sướng như đang ở làng quê sinh thái nào đó rồi”.
Thế là bỗng chốc một ngày thị dân nhận ra, họ đã tốn hàng chục năm để bê tông hóa, nâng cấp nhà cửa nhưng cuối cùng lại thèm bóng mát và tiếng lích rích của chim chóc. Có vợ chồng ông cụ đi xa quê lâu ngày trở về phố Hội thăm thú muốn tìm ăn chén tàu hủ mà “đỏ mắt” tìm quán không ra, té ra ở đây lâu nay nhiều quán ăn đã lẳng lặng đổi hết tên món tàu hủ thành… tàu phớ để du khách dễ nhận biết và nghe cũng “sang chảnh” hơn!
“Giá trị” của làng
Tại hội nghị khởi nghiệp nông nghiệp trong khuôn khổ một sự kiện khởi nghiệp vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng, ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Agricare, cố vấn cao cấp chương trình khởi nghiệp quốc gia chia sẻ, khởi nghiệp nông nghiệp đang có cơ hội rất lớn bởi xu hướng thị dân ở phố hiện nay không những tìm về vùng nông thôn hoặc ven đô để mua nông sản mà còn muốn mua quyền sở hữu nó. Ở Đồng Tháp, có hợp tác xã nọ ăn nên, làm ra nhờ việc bán quyền sở hữu… cây xoài. Khi có quyền sở hữu, từ trên phố thị dân sẽ nắm hết được thông tin, hình ảnh về sinh trưởng, thu hoạch và sản phẩm của nó qua việc tương tác hàng ngày với hợp tác xã.
Theo lời bà Trần Việt Thúy - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ lữ hành Pacific World: “Khách hàng sẵn sàng trả 700 đến 1.000 USD/tour du lịch đến Hội An miễn là sản phẩm phải có tính “eco - sinh thái”. Chẳng thế mà đợt rồi các giải pháp đề xuất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Cẩm Kim từ doanh nghiệp đều ưu tiên đến việc trồng tre, trồng chuối thậm chí nuôi chim, động vật cảnh để phục vụ sở thích của khách. Và rồi ở những nơi nhập nhằng giữa phố và làng, người dân cũng lờ mờ nhận ra một vài thứ rất dân dã họ thụ hưởng lại là giấc mơ xa xỉ của người thành thị.
Ngày qua ngày, lại thêm những vùng quê chuyển mình theo cơn lốc đô thị hóa. Ở đó không còn những tán cây già, không còn tiếng chim lảnh lót và trong những căn nhà bề thế, sang trọng đôi lần họ lại bất chợt thèm thuồng một chút dư vị quê nhà.