Các trạm BOT trên cả nước vốn đã trở thành những mâu thuẫn triền miên giữa người dân - doanh nghiệp và Bộ GTVT. Không cần kể lại những vụ điển hình về phản ứng của người dân được đẩy lên đỉnh điểm tại các trạm BOT, buộc phải xả trạm. Trong khi hệ lụy và cả những dích dắc trong nội bộ của chủ đầu tư BOT, rồi vốn vay ngân hàng, và cả cơ quan chủ quản điều hành vẫn chưa được giải quyết rốt ráo - ít ra là mang lại sự minh bạch thông tin từ các trạm BOT, thì lại có tin Bộ GTVT trình phương án tăng phí qua trạm.
Với phương án này, đến hết năm 2019, sẽ có 37 dự án BOT phải tăng phí theo lộ trình, đến năm 2021 sẽ có thêm 12 dự án tăng phí. Theo phân tích của Bộ GTVT, một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu là do lưu lượng thấp hơn so với dự báo. Do kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương không đúng như dự báo ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm. Như vậy, lỗi này đâu phải thuộc về dân mà bắt dân phải chia sớt gánh nặng? Trong danh sách mới được kê, thì Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam cũng nằm trong các trạm BOT có doanh thu sụt giảm do lưu lượng xe thấp hơn thực tế như trạm. Một số trạm khác như BOT hầm Đèo Cả, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 38, tuyến tránh TP.Phủ Lý, Quốc lộ 5. Một nguyên nhân nữa, theo Bộ GTVT, là do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm. Hai nguyên nhân mà Bộ GTVT đưa ra đó, có vẻ như tự đá nhau chan chát, và chẳng thuyết phục để người dân thuận tình mà bỏ thêm vài chục nghìn tiền phí qua trạm.
Lo vỡ phương án tài chính của doanh nghiệp dẫn đến phá sản, hoặc nhà nước phải bù vào. Trong 2 phương án đưa ra, Bộ chủ quản đang nghiêng về chọn phương án tăng theo lộ trình (12-18%) đã định, bởi nếu không tăng thì lấy phải ngân sách nhà nước (hiện tại là khoảng 3.000 tỷ đồng) bù vào để cứu doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng cần kiểm toán kỹ càng phương án thu chi của các trạm BOT, không phải doanh nghiệp cứ kêu lỗ là Bộ lại tính ngay tới phương án tăng phí. Đã thu bao nhiêu, thu trong thời gian bao lâu, bù trừ chi phí đầu tư bao nhiêu, vv… hoàn toàn người dân không được minh bạch thì sao dân có thể tin là lỗ? Trong lúc giá điện, giá xăng, viện phí và hàng trăm loại phí khác đều rục rịch tăng dù ít dù nhiều thì việc lấy ý kiến tăng phí qua trạm BOT, như đổ thêm dầu vào lửa. Bởi tiền từ ngân sách hay từ túi của dân thì cũng đều là tiền của dân cơ mà!
Sao không được nghĩ, trách nhiệm thuộc về ai khi lỗi không thuộc về người dân mà do sự yếu kém trong quản lý điều hành của các bộ ngành? Ví như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn rất lớn: mức vốn đầu tư được phê duyệt năm 2008 là 552 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc (419 triệu USD), phần còn lại là vốn đối ứng trong nước. Đến năm 2016, Bộ GTVT điều chỉnh tăng vốn lên 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, tương đương 40% tổng mức đầu tư ban đầu), trong đó phần vốn vay của Trung Quốc 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD). Bao nhiêu dự án đội vốn như vậy, đã làm tăng thêm nợ công mà Chính phủ đang kêu gọi người dân chung tay cùng Chính phủ trả nợ?
Từ chuyện tăng phí BOT ngó sang chuyện tăng tuổi nghỉ hưu mà Quốc hội đang bàn luận và gây nhiều tranh cãi. Cách thức đưa 2 phương án: 1. tăng ít; 2. tăng nhiều; sau đó là chọn phương án tăng ít này thoạt nhìn thì có vẻ dễ nghe, có vẻ là lựa chọn tối ưu, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với nguyện vọng chung. Tóm lại là thể nào cũng tăng. Sao không có một phương án nữa: không tăng? Phương án ấy làm dân lao động hưởng lương đỡ oằn lưng hơn.