Ôm một mối mơ...

ĐÌNH QUÂN 03/10/2017 12:25

Học trò thường ao ước là làm sao cho mau đến Tết Trung thu.

Rước đèn ông sao. Ảnh: internet
Rước đèn ông sao. Ảnh: internet

Nhớ hồi tiểu học tôi thường đạt điểm cao về môn thủ công. Đề bài thầy ra thường là để học sinh tự chọn. Ví dụ một kiểu ra đề: Các em hãy nắn (bằng chất liệu đất sét hoặc bằng sáp)  con vật  mà em yêu thích nhất. Hình khối được nặn ra bất kỳ là con vật gì. Đến kỳ nộp bài bạn nào cũng nôn nao chờ xem mình được thầy cho bao nhiêu điểm. Trong giờ thủ công thầy còn tỉ mỉ bình luận từng “tác phẩm”, như thằng Long làm con chó mà mới thoáng nhìn không thể biết là con vật gì. Thầy giáo cũng “bí” bèn “giới thiệu” ra lớp làm cả lớp cười rân. Đến con trâu của tôi nặn bằng sáp đỏ (trộn với tro bếp) làm cả lớp một phen “lác” mắt!

Nhớ mỗi mùa trung thu về là chúng tôi được thầy cho làm thủ công những chiếc lồng đèn, sau được thầy đánh giá độ “công phu” và cho điểm vào sổ. Đúng vào đêm trăng tròn các bạn tập trung về lớp của mình; trên tay mỗi bạn không quên dung dăng chiếc lồng đèn xinh xắn, ngộ nghĩnh… Sung sướng nhất là được nhận phần quà bánh trung thu, xong chúng tôi xúm xít ngồi chờ lúc trăng lên là thầy cho phép được thắp nến trong những chiếc lồng đèn. Thế rồi cuộc rước đèn đêm rằm đi khắp sân trường,  rồi chúng tôi xếp thành những hàng dài trật tự  bước ra phố phường…

Trung thu là mùa háo hức của tuổi thơ. Để tôn sắc màu rực rỡ cho đêm hội trăng rằm phải nói công đoạn làm lồng đèn là quan trọng nhất. Ngoài những chiếc lồng đèn “phức tạp” mang những hình dạng con cá, thiên nga… thì kiểu làm trái bí, bánh ú, ngôi sao có phần dễ hơn. Hồi ấy, thực hiện kiểu lồng đèn ngôi sao là sở trường của tôi. Tôi cũng bày cho thằng Long, thằng Hùng gần nhà từng chi tiết. Đầu tiên phải biết chọn những thanh tre (hay trúc, trảy) suôn thẳng. Hồi ấy tôi thường chọn trúc vì ruột cây mỏng, lóng dài, thân thẳng để làm khung sườn. Trúc dễ chẻ và dễ vót. Khi lựa ra 10 thanh trúc đúng chuẩn thì bắt đầu chuốt vót sao cho thật trơn nhẵn. Sau đó cột dây nhợ hay dây kẽm vào ở hai đầu để thành 5 cặp, đặt trên nền nhà dóng đều thành ngôi sao năm cánh rồi buộc chặt lại các mối khớp nối với nhau. Xong, luồn 5 cây nống vào cặp ô đối xứng có hình ngũ giác (có thể đóng đinh gút để định vị). Lúc này hình khối ngôi sao sẽ hiện ra rất rõ nét. Đến phần “mặc áo” cho lồng đèn, công đoạn này cực kỳ khéo léo. Ngày ấy có giấy dầu nhưng để nến hắt sáng lung linh phải sử dụng giấy gương trong suốt. Giấy gương có màu xanh, vàng, đỏ… chỉ cần dán sao cho thật hài hòa. Lợp giấy gương xong, chúng ta chạy đường viền để không lộ khung sườn. Khi hồ dán khô, phun sơ nước, đem phơi nắng sẽ căng mặt giấy gương rất đẹp. (Có thể vẽ thêm những gì bạn thích bằng màu nước vào những ô trống của thân lồng đèn, khi thắp nến sẽ tạo nên nhiều sắc màu). Rồi buộc 4 tua rua nhiều màu vào 4 đỉnh cạnh. Đỉnh cao nhất buộc sợi kẽm  nhỏ để móc vào que cầm…

Đêm trăng rằm chúng tôi hát vang bài Thằng Cuội của Lê Thương: “Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ…”.

Giấc mơ thường không có thật nhưng nó là mạch nguồn bồi đắp trong tâm hồn tôi những ngày thơ bé. Gió mát đêm thanh, trăng tròn nguyệt bạch một thời đã đánh thức “chàng tuổi nhỏ” đi qua miền thương nhớ lung linh bóng trăng tròn.

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ôm một mối mơ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO