Ở Hội An hiện nay có nhiều thầy giáo thông thạo Hán Nôm và viết thư pháp khá đẹp, được nhiều người biết tiếng. Có thể kể như thầy giáo Huỳnh Dõng (ở Cẩm Châu), thầy Phạm Thúc (Minh An)… đọc thông viết thạo chữ Hán Nôm và thường tham gia các lễ hội trong trang phục ông đồ để trình diễn thư pháp, cho chữ.
Trong các ông đồ phố Hội, thầy Phạm Thúc (đã nghỉ hưu cách đây 3 năm) được cư dân phố cổ và nhiều du khách quốc tế biết đến do tham gia các tour du lịch với vai trò “ông đồ cho chữ”. Những bức thư pháp của thầy Phạm Thúc nhờ vậy đã theo chân các du khách xuất ngoại phương xa và được treo trang trọng ở các sảnh đường, phòng khách sang trọng tại nhiều nước trên thế giới. Ông là Phạm Thúc nhưng nhiều người vẫn gọi theo bút danh là Phạm Thúc Hồng - ghép tên người bạn đời gắn bó bao năm. Ở Hội An, lớp trẻ thích ông vì phục nét chữ “rồng bay phượng múa”, khoáng đạt. Người già tìm đến ông khi thì nhờ diễn giải những bức hoành phi, câu đối trong nhà, hay khi cần giúp dịch giải, diễn nghĩa các bản chữ Hán Nôm khắc trên những vật dụng cha ông để lại. Nhiều gia đình có các văn bia, văn tự Hán Nôm đều mang đến nhờ ông chú thích. Ngày nay, nhiều người thích làm nhà theo kiểu nhà cổ, nhà rường, hoặc các nhà hàng, khách sạn muốn có đôi câu đối treo lên cột, lại tìm đến nhờ ông cho chữ. Lúc ấy, ông phải vận dụng đến kiến thức đã học, cất công tìm hiểu kỹ về gia đình, doanh nghiệp để cho chủ nhân câu đối hay, phù hợp gia thế, hoàn cảnh. Ban quản lý các đình chùa, miếu mạo ở Hội An cũng thường tìm đến ông nhờ giúp đỡ những việc như thế.
Ông đồ Phạm Thúc Hồng và các tác phẩm của mình. Ảnh: HOÀNG DUY |
Du khách khi tìm đến ông đồ Phạm Thúc Hồng, không chỉ được thưởng lãm nét bút “rồng bay phượng múa” mà còn rất thích thú khi được ông giảng giải ý nghĩa tượng hình của từng chữ. Viết chữ “môn” - cửa, ông giải thích để người xem hình dung khi nhìn vào thấy rõ hai cánh cửa ở hai bên; chữ “mộc” - cây, thể hiện như một nét họa có đủ các phần, rồi ông chỉ đây là thân cây, này là cành cây, còn đây là rễ cây; còn chữ “điểu” - chim, thì có đầu, có cánh, có thân và chân con chim. Hay các chữ ghép như “an” - bình yên, gồm tập hợp chữ “miên” là mái nhà nằm ở trên và chữ “nữ” là người phụ nữ nằm dưới mái nhà, nghĩa là dưới mái nhà trong gia đình có người phụ nữ chăm lo thì có được sự bình yên, hạnh phúc; còn chữ “nguyệt” - mặt trăng ghép với chữ “môn” - cửa sẽ thành chữ “nhàn” - an nhàn, vì nhàn rỗi mới ngồi tựa cửa ngắm trăng…
Ông đồ Phạm Thúc Hồng còn được biết đến là tác giả của hàng chục đầu sách, trong đó có các tác phẩm biên dịch như “Văn học Hán Nôm trong di tích cổ Hội An”, “Miếu Quan Thánh Hội An” (chùa Ông), “Chùa Cầu Hội An - Cổ sự giao lưu văn hóa Việt - Nhật - Trung”, “Hội quán Phúc Kiến”, “Đình Tiền hiền Minh Hương”, “Di tích đền Sơn Phong”, “Hội quán, đền đài người Hoa tại Hội An”. Về khảo luận có “Tín ngưỡng dân gian - Xưa và nay”, “Thể thức văn cúng, liễn, hoành phi thờ thần”, “Thể thức gia phả, bài vị, văn cúng, liễn, hoành phi thờ tổ tiên”. Thư pháp có “Vận bút, bố cục thư pháp chữ Hán, chữ Việt” cùng một số tác phẩm truyện, thơ như “Độc hành ca”, “Tịnh tâm quy từ”, “Quảng Nam cần vương chí”... Các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rất thích các tác phẩm của ông vì giúp họ hiểu tường tận các di tích, lễ nghi truyền thống. Các hướng dẫn viên du lịch cũng tìm đọc sách ông để bổ sung kiến thức phục vụ cho việc giới thiệu điểm đến, di tích ở phố cổ.
Điều đáng nói là thầy Phạm Thúc tuy giỏi chữ Hán nhưng thực ra ông chỉ mới tự học từ năm 1985. Ông kể, hồi còn nhỏ, nhà thờ tộc Phạm Văn bên cạnh nhà ông nội (tại khối Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam) có rất nhiều hoành phi, câu đối… hàng ngày đập vào mắt, gây cho ông niềm ham mê tìm hiểu. Và ông đau đáu mong ước có dịp sẽ tìm hiểu, nghiên cứu đến tận gốc rễ của vấn đề. Đến khi đã tích lũy được vốn kiến thức về văn hóa cũng như xã hội, ông mới quyết định tự mình nghiên cứu và học chữ Hán. Chữ Hán đã khó học, mà tự học lại càng khó. Thế nhưng, với niềm say mê và quyết tâm học hỏi, ông từng bước kiên trì để đi đến thành công. Học từ từng chữ đơn giản đến những cụm từ phức hợp. Học từ 100 đến 200 từ nhưng chữ nào phải thuộc lòng chữ đó. Rồi học các bộ của 214 bộ chữ, học cách cấu tạo tượng thanh, tượng hình của chữ Hán. Kiến tha lâu đầy tổ, có công mài sắt có ngày nên kim, cuối cùng, thầy Phạm Thúc đã thành công. Những năm 1990, ông theo học lớp đại học tại chức và có dịp được học tập bài bản với khóa luận tốt nghiệp về đề tài Hán Nôm được đánh giá cao. Từ đó ông càng dày công đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu bộ môn mình yêu thích.
Trong những ngày tháng Ba, tháng Tư lịch sử này, du khách đến với phố cổ Hội An không thể không dừng chân trước hình ảnh ông đồ Phạm Thúc Hồng bày mực tàu, giấy đỏ, trang trọng tặng người yêu thích thư pháp những nét chữ “rồng bay phượng múa” với các chữ Tâm, Nhẫn, Hỷ, Vượng, Mã đáo thành công…
HOÀNG DUY