Gần 70 tuổi, mù cả hai mắt, sức khỏe phần nào suy yếu nhưng ông Võ Tấn Phước (xã Phú Thọ, Quế Sơn) vẫn cần mẫn dò đường bán dạo tăm tre, chổi đót khiến nhiều người cảm phục.
Mỗi ngày ông Phước đi bộ hàng chục cây số rao bán tăm tre, chổi đót. Ảnh D.T |
Dưới cơn mưa chiều, ông Phước vẫn miệt mài lê bước trên các nẻo đường rao bán tăm tre, chổi đót. Mỗi khi có người hỏi mua, ông lại vui mừng cảm ơn rối rít. Mười mấy năm qua, hình ảnh ông vác chổi đi bán dạo đã trở nên thân quen với người dân huyện Quế Sơn. Ông Phước cho biết, ông bị mù từ nhỏ, cha mẹ đều mất sớm nên ông được Trung tâm bảo trợ xã hội Hội An cưu mang. Ở đây, ông quyết tâm theo học nghề đan lát để có thể tự nuôi sống bản thân mình. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, tâm tính hiền hậu nên ông được nhiều người quý mến. Năm 34 tuổi, cuộc đời may mắn hơn khi ông gặp và nên duyên vợ chồng với bà Vũ Thị Chạ, người ở cùng trung tâm bảo trợ, kém ông hai tuổi. Bà Chạ cũng là người bất hạnh khi chân bị cụt, đi đứng khó khăn. Sau khi cưới, vợ chồng ông dắt nhau về quê tìm kế sinh nhai. Hai mảnh đời kém may mắn gặp nhau nhưng cuộc sống rất hạnh phúc, chia ngọt sẻ bùi. Một năm sau, bà Chạ sinh hạ đứa con gái kháu khỉnh, niềm vui của ông Phước lại đan xen với nỗi lo về kinh tế gia đình. “Lúc đó, cuộc sống gia đình tôi còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đứa con gái đầu lòng chính là động lực để tôi nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ thạo nghề đan lát, cả ngày lẫn đêm tôi dồn sức làm các sản phẩm thủ công như rổ, nong, nia, thúng mủng, quạt giấy để bán kiếm tiền. Còn vợ tôi bị khuyết tật nhưng vẫn cố gắng nuôi bò và một ít gà để có thêm thu nhập. Từ đó mà kinh tế gia đình cũng dần ổn định, có điều kiện chăm lo cho đứa con gái ăn học đến nơi đến chốn” - ông Phước tâm sự.
Khi sức khỏe yếu dần, nghề đan lát cũng không còn phát triển mạnh, ông Phước chuyển sang nhận chổi đót, tăm tre từ Hội Người mù huyện Quế Sơn đem đi bán. Ông chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đi bộ hàng chục cây số, việc bị sụp hố ga hay vấp ngã là chuyện bình thường. Trước đây tôi đã từng lặn lội ra tận Đà Nẵng, rồi bắt xe lên Hiệp Đức, Nông Sơn để bán dạo, bây giờ chỉ bán ở trong huyện. Hiện mỗi ngày tôi bán được khoảng 20 cây chổi đót, gần 10 hộp tăm tre với thu nhập khoảng 100 nghìn đồng. Tuy gặp không ít khó khăn khi đi bán dạo nhưng còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục mưu sinh với nghề này”.
Ông Lê Văn Trí - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Quế Sơn nói: “Là người mù nhưng ông Võ Tấn Phước rất siêng năng, nhiệt huyết, không quản ngại khổ nhọc nên được nhiều người cảm mến và thường mua tăm tre, chổi đót giúp ông. Trước đây, ông cũng là người trực tiếp hướng dẫn, giúp nhiều người khiếm thị học nghề đan lát, làm tăm tre, chổi đót để có nguồn thu nhập trang trải đời sống. Nghị lực của ông Phước là tấm gương được nhiều hội viên người mù của huyện noi theo”.
DUY THÁI