Vụ đông xuân năm nay, nông dân tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Duy Xuyên thất thu vì giống ớt dỏm. Thêm vào đó, doanh nghiệp lại không thực hiện đúng cam kết ban đầu.
Ngồi lựa số ớt mủn lẫn lộn trong mớ ớt tươi vừa mới hái để chở đi bán cho tư thương, ông Huỳnh Hùng (thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu) nói: “Tôi cố vớt vát để kiếm ít tiền trả nợ cho đại lý phân bón. Tất cả đều do loại giống kém chất lượng mà ra”. Theo ông Hùng, được sự khuyến khích của địa phương và Công ty MTV Tín Lộc trực tiếp đến cấp phát giống, cam kết bao tiêu sản phẩm nên bà con đầu tư trồng ớt đại trà trên diện tích lớn. Ban đầu, các giống ớt có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc này phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe. Thế nhưng không rõ bị bệnh gì mà cây ớt đang tươi tốt bỗng chết hàng loạt, có ruộng ớt chết đến 70 - 80%. Một sào ớt thu hoạch chỉ đạt 600 - 700kg; trong khi đó, giống ớt Ấn Độ cho năng suất tới 1,3 - 1,5 tấn/sào. Giá ớt đầu vụ khoảng 5.000 đồng/kg thì hiện loại ớt đẹp nhất chỉ có giá 3.000 đồng/kg mà đầu ra vẫn khó khăn. Nhiều hộ lâm nợ nần vì tiền bán ớt không đủ trả tiền giống, tiền phân, chăm sóc, thu hoạch… Ông Hùng trồng 3 sào ớt Hoa Sen, đến nay chỉ mới thu hoạch được hơn 1 tấn, giá thị trường khoảng 3 - 4 triệu đồng/tấn, trong khi chi phí đã 6 triệu đồng. “Trước đó, Công ty MTV Tín Lộc đã trực tiếp đầu tư giống cho bà con, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá sàn 5.000 đồng/kg tươi. Tuy nhiên, công ty này chỉ thu mua lứa đầu, vừa thu hồi đủ tiền giống thì biệt tăm. Không có đầu ra, nhiều hộ chở ớt chỗ này chỗ khác để bán gỡ gạc, bị tư thương ép giá đủ kiểu. Trong khi các loại ớt truyền thống phơi khô, bán với giá cao thì giống ớt Trung Quốc và ớt lai Hàn Quốc này nếu phơi khô sẽ bị mất màu, không ai mua” - ông Hùng nói.
Một vụ ớt thất thu. Ảnh: H.LIÊN |
Dọc cánh đồng thôn Lệ Bắc tới Lệ Nam, nhiều ruộng ớt chín đỏ cây nhưng không thấy người thu hoạch. Bên cạnh nhiều hộ trồng với diện tích nhỏ như ông Nguyễn Giới, Huỳnh Hùng, có hộ ôm số nợ lên đến vài chục triệu đồng vì ớt dỏm. Ông Hồ Đức Quyền (thôn Lệ Nam) cho biết: “Năm ngoái chỉ với 6 sào ớt, gia đình tôi thu được 80 triệu đồng thì năm nay trồng đến 1,2ha ớt (3 sào Hoa Sen, 9 sào Chánh Phong), hiện chúng tôi chỉ mới thu được hơn 15 triệu đồng. Công ty không thu mua, tôi phải hái ớt chở đi bán khắp nơi vớt vát, chứ chậm trễ vài hôm, ớt này sẽ bị mủn dần”. Theo ông Quyền, người dân thôn Lệ Nam chủ yếu trồng ớt Hoa Sen với diện tích khoảng 15ha. Trong khi đó, bà con Lệ Bắc trồng đến 50ha gồm nhiều giống: Chánh Phong, 417, Hoa Sen, ớt lai Hàn Quốc. Trong đó, diện tích trồng hợp đồng với Công ty MTV Tín Lộc là 13,5ha. Ông Hồ Văn Huệ - Trưởng thôn Lệ Bắc cho biết: “Giống ớt 417 hầu như không chịu được điều kiện khí hậu nên chết từ 50-70%, một số giống ớt còn lại trụ được nhưng trận mưa đá vừa rồi tiếp tục gây hại diện tích không nhỏ. Cùng với đó, giá thị trường xuống quá thấp, công ty không thu mua, bà con thua lỗ nặng. Sự việc này địa phương đã báo cáo lên UBND xã để tìm hướng tháo gỡ”.
Người dân tại nhiều địa phương thuộc huyện Duy Xuyên như Duy Trinh, Duy Tân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ông Võ Đình Đoàn - Trưởng thôn Thu Bồn Tây (xã Duy Tân), cả thôn có khoảng 15 hộ trồng ớt lai Hàn Quốc trên diện tích 1,5ha. Ước tính, mỗi sào ớt chỉ cho thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng. Ớt chết hàng loạt, giá cả xuống thấp chưa nói, việc thu mua chụp giựt của công ty khiến bà con nản lòng. “Có khi hái ớt để chín quá lứa nhưng vẫn không thấy người của công ty đâu, phải bán tháo ra thị trường với giá rẻ” - ông Đoàn nói. Ông Trần Văn Diêu - Trưởng thôn Thu Bồn Đông thông tin thêm: “Chúng tôi được người của một doanh nghiệp ở Duy Xuyên giới thiệu nhiều loại giống cho năng suất cao, chủ yếu là giống xuất xứ từ Trung Quốc và ớt lai Hàn Quốc. Tôi bèn ươm trồng trên một sào đất của gia đình, số ớt giống ươm còn lại, tôi chia cho bà con xung quanh trồng. Cả thôn có khoảng 50 hộ trồng với diện tích khoảng 7ha. Với tình hình này, cứ mỗi héc ta ớt, nông dân bị thiệt hại gần chục triệu đồng”.
Một số cánh đồng ớt dần trở thành cánh đồng hoang, những ruộng ớt đang kỳ thu hoạch không mấy ai buồn chăm sóc, nhiều gia đình nông dân bỗng chốc biến thành con nợ là thực tế tại nhiều địa phương thuộc Duy Xuyên. Hậu quả nông dân gánh chịu nhưng chưa thấy ngành chức năng lên tiếng. Đây là bài học nhãn tiền về khâu quản lý, kiểm soát nguồn giống mới, giống trôi nổi. Chính việc khuyến khích dân trồng giống mới chưa qua hội thảo và khảo nghiệm của địa phương là kẽ hở để không ít tư thương lợi dụng sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, cấp phát giống ớt Trung Quốc được nhập qua đường tiểu ngạch, đầy rủi ro, đẩy nông dân vào cảnh khốn khó.
Hoàng Liên