"Paris – Tên em trong gió cuốn"

NGUYỄN THOẠI VY 09/07/2017 08:41

“Paris – Tên em trong gió cuốn” - thi tập của Nguyễn Hữu Hồng Minh không chỉ có chữ nghĩa đơn thuần. Đó là ngôn ngữ của trái tim ẩn dưới hệ thống thi ảnh và cấu trúc thơ trùng điệp, sáng tạo.

 Tác giả tập thơ  “Paris, tên em trong gió cuốn” (NXB Hội Nhà văn, 2016).Ảnh: N.T.V
Tác giả tập thơ “Paris, tên em trong gió cuốn” (NXB Hội Nhà văn, 2016).Ảnh: N.T.V

Trong suốt tập thơ, không có bài nào chỉ ngắn gọn năm ba dòng. Cảm xúc chính là thứ dẫn dắt mạch thơ, ý thơ để thi hứng viên thành. Và nhờ đó, thi sĩ bắc một nhịp cầu đến người đọc thông qua những suy niệm về thơ, về cuộc đời; về lẽ được - mất, cho - nhận; về hành trình tìm kiếm hạnh phúc trong khổ đau… Hãy bắt đầu giải mã thi tập bằng bài thơ cùng tên “Paris – Tên em trong gió cuốn”. Thi phẩm có những câu thơ được tạo tác bằng sự cộng hưởng giữa thi ca và âm nhạc. Đây là thế mạnh của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

“Em, không thể hình dung một câu thơ sẽ viết về em
Chỉ nghe được những ngón tay rì rầm tỏ tình trên bàn phím
Những phím êm lướt nhẹ say rượu
Những ngón nhấn lả lơi rải từng nốt dương cầm”.

“Em” ngắt ra bởi dấu phẩy như nốt lặng trong bản hợp âm dang dở của hạnh phúc. Bóng dáng ấy vừa hiện hữu vừa mơ hồ như giai - điệu - thơ nghiêng ngả xô vào nhau kiểu trong thơ có nhạc. Nói cách khác, thi ca và giai điệu lảo đảo quyện vào nhau như người say chân nam đá chân chiêu. Người đọc thật khó hình dung ra thi ảnh - chữ - điệu - nhịp líu ríu bám vào nhau để đứng vững, trước khi mặc cho dòng Seine thao túng:

“Sông Seine một dòng trôi
Mang hồn thơ Apollinaire đã chết
Sắc vóc gấm hoa của kinh thành Paris”.

Trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thường trực cảm giác rơi vỡ mất mát. Đó là sự ám gợi bị xô đẩy bởi thi ảnh và nhịp điệu dằn xóc. Chẳng phải đơn thuần là nỗi buồn rã rượi không địa chỉ như cánh thư không đến được tay người nhận; không chỉ là xót xa đóng cặn hoen rỉ mà “căn phòng chật” còn là biểu tượng cho nỗi đau khổ ngột ngạt tù túng, những hành lang tối đen ẩm thấp trong thi phẩm “Không còn tiếng nói”. Bài thơ như một cuộc chất vấn vô ngôn trong những đêm trắng liêu xiêu cô độc:

“Có ngày nào bỗng dưng
Buồn len túi áo
Một lá thư gửi không người nhận
Anh cánh buồm xiêu gió
Từ nay lưu lạc trắng đại dương
Đến em
Cũng chẳng biết tâm hồn anh ở đâu ?”.

                        (Không còn tiếng nói)

Những câu thơ cuốn người đọc bay theo cánh diều cảm xúc mà sợi dây lại “đang ở trong tay ai đó”. Có khi mạch dự cảm như cánh buồm no gió trôi thẳng ra đại dương mênh mông cõi người, đẩy hồn thơ lạc lối trong mê cung nội tại, đến nỗi “chẳng biết tâm hồn anh ở đâu?”. Trong chuyến hành hương về miền đất hứa tình yêu, đôi khi, hạnh phúc bị thất lạc trên sân ga cuộc đời, hoặc thi thoảng ngủ quên trong các mẫu tự biếng lười ăn năn: “Và trong bóng tối/ Đôi khi mỏi mệt ta rút lui” (Về các mẫu tự).

Thi hứng của tác giả có lúc được nhìn qua lăng kính của tâm trạng rạn vỡ: “Có điều gì trong anh vỡ ra/ Vết thương mơ được giải cứu/ Ai có thể giải thoát anh ngoài chữ nghĩa ?/ … / Anh là chú hề không bao giờ biết cười/ Là hàng binh chưa bao giờ thắng trận/ Lăn theo vết xích đổ ngày tháng…” (Trở lại). Trong cảm thức chia lìa, bài thơ “Tay chơi Hy Lạp” lại là những chuyến đi ngược xuôi vô định:

“Lại đến, đi những chân trời không định trước
Đêm nay Sài Gòn, trưa mai Hà Nội
Lên đường!
Nhói lòng ta những ga khắc khoải
Đổ bóng xuống trang văn tiếng còi xé giữa chừng”.

Sự cách điệu trong mấy câu trên khiến nhịp thơ nảy lên đánh thức ngộ giác như “tiếng còi xé” giật mình, làm nhói lòng kẻ ra đi ở tư thế chủ động “đổ bóng xuống trang văn”. Có sự hoán đổi từ thính giác (tiếng còi) sang thị giác (đổ bóng) ở câu cuối, khiến hồn thơ ngả bóng u hoài trên những trang bản thảo dở dang: “Chữ nghĩa, thánh địa cuối cùng/ Dựng lên và sụp đổ…”.

Tùy góc độ tiếp cận, có những bài thơ trong tập “Paris – Tên em trong gió cuốn” ngả dần về phía tượng trưng, siêu thực với thi ảnh sáng tạo: Trái cam cảm giác – vỏ - lửa nhiệt đới – Mặt trời ngủ đông – Trái mùa hè - bỏng, là những cách tiếp cận khác nhau về trái cam – nỗi đau. Sự phi lý tính được đẩy lên cao độ ở những câu tiếp nối: “Tôi sẽ ăn quả cam hay quả cam ăn tôi?/ Cả hai/ Bổ trái như bổ đôi ký ức”. Ở góc độ biện chứng ngược, mấy câu thơ đưa người đọc từ hiện sinh lùi về ý niệm cổ truyền. Tư duy khải thị “bổ đôi ký ức” kiểu phương Tây nhường bước cho triết thuyết Lão Trang của phương Đông: Tôi ăn cam hay cam ăn tôi. Vì thế, người cảm thụ dẫu có minh triết đến mấy cũng không khỏi vấp vào chỉ dụ liên văn bản (intertext) trùng điệp trong thi phẩm này.

NGUYỄN THOẠI VY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Paris – Tên em trong gió cuốn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO