Những năm tháng làm lính tình nguyện ở vùng Đông Bắc Campuchia đã giúp tôi hiểu thêm về xứ sở cây thốt nốt khi ph’liêng savai chợt đến chợt qua lúc chuyển mùa. Bởi sau những cơn mưa xoài là lễ “tắm Phật”, là Tết Chôl ch’năm th’mây với tục té nước, buộc chỉ cổ tay và những đêm romvông với tiếng đàn tôrô, tiếng trống sikô bập bùng mời gọi…
Hằng năm, vào đầu tháng 4, ở Campuchia có những cơn mưa bất chợt báo hiệu mùa khô sắp kết thúc và mùa mưa sắp bắt đầu. Người Kh’mer gọi đó là ph’liêng savai - mưa xoài.
Ở xứ sở Chùa Tháp, phum sóc nơi đồng bằng hay miền núi cũng đều có bốn loài cây trồng làm nên bản sắc làng quê của người Kh’mer: thốt nốt, xoài, me và dừa. Qua lại các phum sóc dọc dài mạn bắc sông Mê Kông, từ Ốs M’re - khu vực giáp ranh Krachê, đến Khum Puôn - ngoại vi thị xã Stung Treng, tôi rất đỗi mừng vui khi đi công tác được tắm mưa xoài.
Nó ập tới một cách đầy ngẫu hứng. Mưa ập xuống bất ngờ và ngưng tạnh đột ngột. Trời hửng nắng, không khí dịu lại, mát lành. Được tắm “mưa xoài”, được sải bước dọc theo đường phum, bao mệt nhọc trong tôi không còn nữa. Đi công tác ngang qua phum Kós Sầmpia vào mùa xoài chín cây, Me Thậu trông thấy tôi, vừa cười hiền vừa ngoắt tay gọi: “Kôn ơi! Chôl hốp savai…” (Con ơi! Vào ăn xoài…).
Qua lại Kós Sầmpia, tôi thường hay ghé thăm anh Ngô Văn Huy và Võ Đăng Mỹ được đơn vị tôi biệt phái sang Đội công tác xã làm chuyên gia giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng, giúp dân xây dựng cuộc sống mới hồi sinh sau thảm họa diệt chủng do Kh’mer Đỏ gây ra.
Nhà Me Thậu ở cạnh nhà Đội công tác xã, tôi tới chơi rồi quen thân với cả gia đình. Me coi tôi như con trong nhà, có món gì ngon cũng dành lại để phần. Me bảo, ph’liêng savai không chỉ giúp xoài đơm hoa kết trái, mà còn là những cơn mưa báo hiệu mùa mưa sắp chính thức bắt đầu.
Với người Kh’mer, trong thời gian chờ đợi mùa mưa thay thế mùa khô, có bao công việc cần làm trước khi mọi người mọi nhà hân hoan vui đón Tết Chôl ch’năm th’mây với lễ hội té nước vào trung tuần tháng 4 hằng năm.
Khi ph’liêng savai báo hiệu mùa khô sắp kết thúc cũng là lúc người Kh’mer bận rộn chuẩn bị đón năm mới với Tết Chôl ch’năm th’mây. Ra phum X’re Kaxan chơi, hỏi chuyện Tà Kanh, tôi mới biết dân phum đang tất bật sắm sanh lễ vật đội lên chùa làm lễ “tắm Phật” cùng với các nhà sư.
Đàn bà con gái xay giã thóc gạo tẻ, thóc gạo nếp gói bánh trái và… nấu rượu, chuẩn bị đón Tết Chôl ch’năm th’mây. Đàn ông con trai chèo thuyền giăng câu thả lưới trên sông Mê Kông, kiếm cá đem về chế biến các món ăn truyền thống.
Và còn một thứ nữa cực kỳ quan trọng, dù giàu có hay nghèo khó, nhà nào cũng không thể thiếu trong ba ngày tết mừng năm mới, đó là tích trữ nước ở các chum ghè, xô chậu với ca nhựa, gáo dừa đặt cạnh cầu thang nhà sàn để té nước khách đến chơi nhà ướt như chuột lột.
“Theo quan niệm của người Kh’mer, ai được té nước ướt hết từ đầu đến chân, người đó sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm mới” - Tà Kanh bảo với tôi. Đóng quân nơi cánh rừng săng lẻ bên bờ sông Mê Kông, tôi có diễm phúc được mấy lần vui Tết Chôl ch’năm th’mây với dân phum X’re Kaxan.
Hơn bốn mươi năm trôi qua, bây giờ, mỗi khi mùa hạ sang, nhìn những cơn mưa dông nơi quê nhà lại khiến tôi bồi hồi nhớ những cơn mưa xoài ở đất nước Chùa Tháp…