Thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ đắt tiền đã đẩy nhiều người vào rừng đào bới gốc cây quý có hình thù đẹp. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ trá hình ra đời tại các huyện miền núi đã tiếp tay cho trào lưu phá rừng tận gốc.
“Hết nạc vạc đến xương”
Các nhà máy thủy điện, công trình khai khoáng, xây dựng ra đời nhấn chìm hàng nghìn héc ta rừng tự nhiên xuống lòng hồ. Trước đây, cây rừng thường khai thác chỉ lấy thân gỗ, còn bây giờ cây bị đào cả gốc lẫn rễ. Tôi theo chân một nhóm người dân ở xã Phước Đức (Phước Sơn) vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đào bới gốc, rễ cây quý có hình thù, kiểu dáng lạ. V., một thành viên trong nhóm sưu tầm gỗ rừng tiết lộ, thợ sơn tràng săn lùng gốc cây có khi rong ruổi vài ba ngày. Gặp “hàng” ưng ý sẽ làm dấu, sau đó thuê trâu, cửu vạn vào vận chuyển ra bìa rừng tập kết, chờ xe tải đến chở đi bán cho cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. “Mấy năm nay, gu của dân chơi hàng độc là cây xá xị. Một gốc cây xá xị có hình thù đẹp, trọng lượng hàng trăm ký đôi khi bán hơn chục triệu đồng” - V. cho biết.
Gần tết, nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ ở Phước Sơn tranh thủ làm việc cả ban đêm. Ảnh: HỮU PHÚC |
Để moi tận rễ cây theo ý muốn, mặt bằng xung quanh khu vực gần như bị giải phóng sạch, cây rừng bị triệt hạ ngổn ngang. Gặp những vị trí giao thông thuận lợi, đối tượng săn lùng còn đưa cả xe múc vào cày nát rừng. Mười năm trước, ở miền núi của tỉnh rộ lên phong trào tận diệt gỗ trắc thối, có thời điểm “sốt” đến mức mỗi ký bán được hàng triệu đồng. Bây giờ gỗ trắc bị tuyệt chủng, người dân lại đổ xô vào rừng, men theo suối, sông để đào bới gốc cẩm lai, giổi, xá xị... về bán cho các xưởng mỹ nghệ. Theo các đối tượng chuyên “nghề rừng”, gốc xá xị có mùi thơm dễ chịu, ở núi rừng Phước Sơn nhiều vô kể. Loại gỗ này bền chắc, phù hợp với trang trí nội thất cao cấp. Mỗi mét khối có giá hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể tận dụng lấy tinh dầu từ vỏ, rễ cho mục đích chữa bệnh.
Tượng gỗ có giá 35 triệu đồng tại Cơ sở gỗ mỹ nghệ Bảo Nam. |
Lợi nhuận cao từ kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ khiến nhiều gia đình ở miền sơn cước phất lên rất nhanh, tậu được ô tô, xây nhà cao tầng. Trong những chuyến thâm nhập rừng phòng hộ Sông Tranh, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hay rừng đầu nguồn Đắc Mi, chúng tôi rất ngạc nhiên vì ngoài lượng gỗ cưa xẻ thành phách nằm gối đầu, nhiều gốc to đùng, với hình dạng xù xì đã bị bứng lên. Gốc rễ cây sau khi được moi lên, giới săn lùng lấy điện thoại ra chụp rồi chuyển ảnh về thỏa thuận giá cả với các cơ sở mua bán. Những vạt rừng trước đây bị phá tan hoang còn trơ trọi lại gốc rễ giờ trở thành miếng mồi béo bở cho đối tượng sưu tầm đồ gỗ mỹ nghệ. “Hết nạc vạc đến xương”, đó là câu nói cửa miệng của đội quân chuyên tìm gốc, rễ cây. Một cán bộ kiểm lâm tiết lộ rằng, trong các chuyến tuần tra, truy quét ở các khu rừng già, lạ lùng là trong khi gỗ còn ngổn ngang chưa đưa ra ngoài hiện trường thì những gốc cây đã biến mất. Vì một gốc rễ đẹp đôi khi còn có giá trị kinh tế gấp bội lần khối lượng gỗ. Không ít nương rẫy của đồng bào cũng bị xới tung để tận thu gốc rễ cây rừng.
Tận diệt kiểu mới
Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi chặt phá, đào gốc cây rừng Trước tình trạng vào rừng săn lùng gỗ quý hiếm, ngày 29.12.2015, UBND huyện Phước Sơn có công văn (số 708/UBND-KT) tăng cường kiểm tra, xử lý về hành vi chặt phá, đào gốc, rễ cây rừng tự nhiên trái phép. Theo đó, địa phương nghiêm cấm tổ chức, cá nhân khai thác, thu mua gốc rễ, gia công, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chế biến từ gốc, rễ cây rừng tự nhiên trái phép. Kiên quyết thu hồi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các loại giấy phép đã cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gia công, chế biến, kinh doanh gốc, rễ cây rừng tự nhiên mà không có nguồn gốc lâm sản hợp pháp. Văn bản này cũng lưu ý một số địa bàn “nóng” như các xã Phước Đức, Phước Năng, Phước Mỹ và thị trấn Khâm Đức. UBND huyện Phước Sơn giao Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh phối hợp với Đội quản lý thị trường số 9, chính quyền các xã, thị trấn, chủ rừng thống kê toàn bộ các cơ sở kinh doanh, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ, các tụ điểm thu mua gốc, rễ cây rừng tự nhiên trên địa bàn... |
Thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ đắt tiền nở rộ trong những năm gần đây. Năm nào hội chợ xuân tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, hàng gỗ mỹ nghệ cũng chiếm không gian lớn. Tết đến xuân về, những món hàng độc, lạ này càng hút hàng. Con đường Hồ Chí Minh qua các xã Phước Hòa, hay thị trấn Khâm Đức vào ban đêm lung linh ánh điện, không khí lao động khẩn trương tại các cơ sở sản xuất, gia công đồ gỗ mỹ nghệ để kịp mùa bán tết.
Hai cơ sở kinh doanh đồ gỗ cao cấp tại xã Phước Hòa của ông chủ với biệt danh “S. râu” dù hơn 9 giờ tối vẫn chát chúa tiếng đục đẽo, gia công các sản phẩm từ gỗ. Sát công xưởng với cả chục người thợ đang tỉ mỉ đẽo tiện gỗ là “tệ xá” bày bán các sản phẩm như lục bình, phản ghép, tượng thần tiên, tượng linh vật, bộ bàn ghế từ gốc, rễ cây. Hỏi mua một bộ phản xoan đào dày hơn 20cm, rộng gần 1m, ông chủ hét giá hơn 60 triệu đồng. Một tượng Phật bằng gỗ cao 1,5m chào bán với giá 35 triệu đồng. Khoe đồ gỗ đắt tiền đã thành trào lưu của các đại gia lắm của nhiều tiền. Trong cơ sở của “S. râu” bày bán nhiều bàn ghế, trường kỷ, linh vật, tượng thần tiên, lục bình... làm bằng đủ chủng loại gỗ quý hiếm. Hỏi nguồn nguyên liệu đầu vào lấy từ đâu, “S. râu” chìa ra cái văn bản, hợp đồng mua bán gỗ tận thu với chủ đầu tư nhà máy thủy điện. Nhưng trong công xưởng đồng thời là nơi kinh doanh đồ gỗ cao cấp của “S. râu”, ai dám chắc chỉ lấy từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp tận thu ở lòng hồ thủy điện (?). Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn thừa nhận, phần lớn các cơ sở gỗ mỹ nghệ cao cấp mọc lên đều tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc, tiếp tay cho phá rừng. Năm 2015, đơn vị tịch thu gần 3m3 gốc rễ cây, chủ yếu cây xá xị. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nhỏ bé so với thực trạng săn lùng gốc gỗ quý hiện nay.
Chỉ tính riêng một đoạn đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Khâm Đức kéo dài vài trăm mét, có ít nhất 4 cơ sở, xưởng sản xuất, kinh doanh gỗ mỹ nghệ. Một số điểm kinh doanh quy mô lớn như Mỹ nghệ Anh Tuấn, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Bảo Nam. Ở thị trấn Khâm Đức đã bắt đầu xuất hiện “chợ” mua bán gốc cây rừng tự nhiên. Núp bóng hình thức kinh doanh, nhiều cơ sở mỹ nghệ đã tiêu thụ, hợp thức hóa gỗ lậu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “hàng độc” này đi khắp nơi qua hai con đường. Một, người mua được chủ xuất chứng từ hóa đơn về xuất xứ sản phẩm, đương nhiên giá rất cao; hai là người mua phải tự lo liệu vận chuyển, đối phó với lực lượng chức năng. Theo chính quyền huyện Phước Sơn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ ở các huyện miền núi mọc lên là hình thức phá rừng kiểu mới. Nếu không sớm ngăn chặn, tương lai nhiều loài gỗ quý sẽ bị tuyệt chủng. Ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định, tình trạng chặt phá, đào gốc rễ cây để làm hàng thủ công mỹ nghệ thời gian qua xảy ra khá phức tạp và chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại tài nguyên, phá vỡ môi trường sinh thái của rừng, đặc biệt cây xá xị.
Phóng sự: HỮU PHÚC