(Xuân Đinh Dậu)- Quảng Nam đã đạt được những thành quả lớn sau 20 năm tái lập tỉnh. Vậy thử hình dung rằng cũng bằng ngần ấy thời gian, tới năm 2035, bức tranh kinh tế Quảng Nam sẽ thế nào, tầm vóc ra sao và cách gì để đạt sự thịnh vượng?
Lấy cái mốc 2035 là có một lý do làm định đề so chiếu với mục tiêu của đất nước. Một khát vọng đã được định hình trong “Báo cáo Tổng quan Việt Nam năm 2035” với mục tiêu “Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”. Đến khi đó, tròn 60 năm thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ là đất nước công nghiệp hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn. Muốn hiện thực hóa khát vọng ấy, từ bây giờ đất nước phải tiến hành cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên 3 trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Quảng Nam cần có nền kinh tế xanh. TRONG ẢNH: Làng Triêm Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG |
Sẽ không có vùng đất nào, tỉnh thành nào đứng ngoài cuộc, đứng bên lề những khát vọng phát triển theo hướng ấy. Dĩ nhiên, Quảng Nam không là ngoại lệ nhưng cần có lối đi sáng tạo trên cơ sở đặc thù, nhất là trong phát triển kinh tế.
Bức tranh đa cực, đa trung tâm
Những năm đầu sau tái lập tỉnh, kinh tế Quảng Nam rất chông chênh khi nghiêng về cực bắc. Trung tâm công nghiệp khi đó dồn lên vai Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, chiếm khoảng 70% giá trị công nghiệp của tỉnh. Phía nam là cát trắng, phía tây đói ăn “đứt bữa” liên miên. Sau 20 năm, câu chuyện đã khác khi hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai mà hạt nhân là Khu phức hợp sản xuất lắp ráp ô tô Trường Hải ở cực nam. Thaco giờ đây góp hơn nửa nguồn thu ngân sách của tỉnh. Một khát vọng hình thành trung tâm cơ khí ô tô mang tầm khu vực ASEAN đã và đang được tiếp lửa với sự hợp tác quốc tế qua các hãng ô tô của Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Dịch vụ logistics cũng đã đặt nền móng với việc hình thành cảng Tam Hiệp, nối cảng Tam Quang, Kỳ Hà, có thể đón tàu 2 vạn tấn trở lên, và việc nâng cấp sân bay Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển hàng hóa quốc tế...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, các địa phương của Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh chỉ có thể tăng nhanh năng suất, có tính đến tổn hại về môi trường; tạo dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ. Phát huy những thành tựu về công bằng và hòa nhập xã hội đòi hỏi phải quan tâm đến những đối tượng thiệt thòi cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của một xã hội trung lưu và dân số đang già đi. Thêm vào đó, quản trị nhà nước phải trở nên hiện đại, minh bạch và dựa trên nền tảng thượng tôn pháp luật. |
Cực bắc vẫn phát triển công nghiệp và hình thành chuỗi đô thị nối kết Hội An, thị xã Điện Bàn với Đà Nẵng. Trung tâm du lịch với trục Hội An - Mỹ Sơn vẫn đóng vai trò hạt nhân nhưng bắt đầu mở rộng ra ngoại vi di sản, tiến vào phía nam với “dự án tỷ đô” về khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, các làng du lịch cộng đồng, các bãi biển Tam Thanh, bãi Rạng... Vùng đông nam của tỉnh sẽ là trọng điểm, điểm nhấn cho bức tranh kinh tế Quảng Nam 20 năm tới khi hình thành trung tâm khí điện đạm, trung tâm cơ khí ô tô, trung tâm dệt may, và trung tâm du lịch sinh thái - du lịch biển.
Điểm nghẽn có thể còn nhiều là ở cực tây, với địa hình phức tạp khó thu hút đầu tư, dân cư còn nghèo. Những năm trước đây, tỉnh đã đầu tư hình thành trung tâm năng lượng với hệ thống thủy điện bậc thang. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả về cung ứng năng lượng thì việc phát triển thủy điện cũng gây nhiều hệ lụy cho tài nguyên rừng và tác động không tốt đến sinh thái, môi trường. Gần đây đã có sự thức nhận và tìm lối mở khác bền vững hơn cho miền núi là xác lập mục tiêu hình thành trung tâm dược liệu lớn nhất vùng Nam Trung Bộ. Theo đó, ưu tiên phát triển 6 loại cây dược liệu sẵn có trong tự nhiên (gồm giảo cổ lam Nam Trà My; ba kích Tây Giang và Đông Giang; đảng sâm Tây Giang và Nam Trà My; sa nhân Phú Ninh, Phước Sơn, Nam Trà My; đương quy Nam Trà My và lan kim tuyến tập trung ở Phước Sơn, Nam Trà My). Xác định 2 khu vực đầu tư ở tiểu vùng núi cao với tổng diện tích trồng 133.156ha và tiểu vùng trung du rộng 31.805ha. Dĩ nhiên, không thể không lấy cây sâm Ngọc Linh làm hạt nhân cho thương hiệu của trung tâm dược liệu này. Một đề án Sâm Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt với mức đầu tư dự kiến lên đến 9 nghìn tỷ đồng, hình thành vương quốc sâm quý giá.
Vẽ nên bức tranh kinh tế đa cực, đa trung tâm là để nhìn thấy toàn cục và toàn diện cho sự phát triển hài hòa. Tuy nhiên, lựa chọn nào là hướng đột phá vẫn cần thiết đặt ra vừa cụ thể, vừa tổng thể trong hành trình đầu tư, làm sao giảm sự phân cách giữa các vùng để không quá chênh lệch khiến thế đứng chông chênh.
Những rào cản, thách thức
Muốn phát triển phải nhận diện những thách thức để tìm cách vượt qua. Từ đây đến 2035, Quảng Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản nảy sinh từ điều kiện khách quan lẫn chủ quan.
Đầu tiên là biến đổi khí hậu và hệ lụy của tăng trưởng công nghiệp tác động đến môi trường. Thiên tai ngày càng khó lường và khốc liệt sẽ làm cho đời sống nhân dân, nhất là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, ven biển và vùng núi dễ bị tổn thương. Xây dựng các nhà máy nhiều hơn cũng đặt ra vấn đề kiểm soát chất thải, khí thải và nạn ô nhiễm môi trường chung quanh các khu công nghiệp, các đô thị.
Tiếp đến là thách thức ở ngay chính lực lượng lao động. Hộ nghèo theo tiêu chí hiện nay cơ bản xóa hết, thành phần trung lưu xuất hiện nhiều hơn, sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn từ thu nhập nhờ việc làm. Khi đó, mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động sẽ có biến động trong khi lao động giá rẻ không còn lợi thế; vấn đề ổn định an sinh xã hội cũng sẽ đặt ra khi tăng tỷ lệ dân số già. Nếu đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người ở Quảng Nam khoảng 80 triệu đồng, thì phải đạt hơn gấp bốn vào năm 2035 mới chạm đến mức thu nhập trung bình cao. (Lúc đó, Việt Nam ít nhất phải đạt GDP bình quân đầu người khoảng 15 nghìn USD; nền kinh tế với quy mô 200 tỷ USD hiện nay sẽ đạt khoảng gần một nghìn tỷ USD vào năm 2035 và hơn nửa số dân dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng 15USD/ngày).
Sự chuyển dịch nhờ công nghiệp đến ngưỡng nhường bước cho phát triển của dịch vụ. Sản xuất khi đó phụ thuộc lớn vào việc tạo ra chuỗi giá trị gia tăng và mức độ hàm lượng chất xám trong hàng hóa. Để phát triển bền vững, không hẳn là mức độ tăng trưởng với chỉ số GRDP năm sau cao hơn năm trước mà ở chất lượng tăng trưởng với một nền kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao để có công nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.
Thay lời kết
Việc hình thành các trung tâm sản xuất và dịch vụ chỉ là một tiền đề. Cần hơn cả là loại hình trung tâm mở cho sự sáng tạo và đem lại cơ hội làm giàu cho mọi tầng lớp xã hội.
Viễn cảnh của Quảng Nam năm 2035 nói riêng hay Việt Nam nói chung đều là ước vọng. Làm thế nào để đạt đến đó cần rất nhiều yếu tố, từ hoạch định con đường phát triển đến một hệ thống các giải pháp khả thi.
Một ước mơ về dáng xuân Quảng Nam cho 20 năm tới sẽ bắt đầu từ khát vọng hôm nay.
ĐĂNG QUANG