Phải lòng với Hội An

SONG ANH 03/01/2015 10:57

Kobayashi Akiko, Ando Katsuhiro và GS-TS. Kikuchi Seiichi, ba người Nhật, tuy đã rời Hội An khá lâu, nhưng tình yêu di sản – “mối lương duyên Việt – Nhật” vẫn còn khá sâu đậm trong mỗi người.

Khá bất ngờ khi gặp lại Kobayashi Akiko tại làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), người tình nguyện viên JICA chúng tôi đã gặp cách đây khá lâu tại Hội An. Cô gái này bây giờ đã rành rọt tiếng Việt, hơn nữa, lại trở thành người con dâu của xứ Huế. Khi dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam” kết thúc, Akiko – trong vai trò Điều phối viên của dự án, hoàn toàn có thể về nước để tiếp tục những công việc mới. Nhưng tình yêu quá lớn đối với con người và mảnh đất miền Trung đã níu cô gái bé nhỏ này ở lại. “Hội An là nơi đầu tiên Akiko đặt chân tới làm việc tại Việt Nam. Quãng thời gian ở đây, cùng con người Hội An nồng hậu, khiến mình rất yêu quý vùng đất này. Khi thời gian làm tình nguyện viên cho JICA tại Hội An kết thúc, mình xin tiếp tục được tham gia các dự án khác của JICA tại Việt Nam, và bén duyên với Huế” - Akiko chia sẻ. Quãng thời gian làm việc tại làng cổ Phước Tích, với các hoạt động bảo tồn cũng như hướng dẫn, hỗ trợ người dân làng cổ phát triển cuộc sống thông qua chính không gian của mình. Cũng như làng gốm Thanh Hà, phố cổ Hội An, người dân làng Phước Tích coi Akiko như một người con của làng. Chọn ở hẳn tại Huế, cùng dựng mái ấm với một người con trai xứ Huế, thi thoảng Akiko cùng chồng ghé thăm Phước Tích. Cũng có khi, cặp vợ chồng này lại cùng nhau đưa một đoàn khách đến thăm Hội An. Dù là nơi nào, Akiko cũng được người dân chào đón như một người nhà. Tình cảm ấy, không phải ai cũng có được.

Ando Katsuhiro (trái) cùng cộng sự trong một lần thực hiện trùng tu nhà cổ tại Hội An. Ảnh: S.ANH
Ando Katsuhiro (trái) cùng cộng sự trong một lần thực hiện trùng tu nhà cổ tại Hội An. Ảnh: S.ANH

Năm 2011, cuốn “Nghiên cứu đô thị cổ Hội An” của một nhà khảo cổ học người Nhật chấp bút viết nên, ra mắt tại Việt Nam. Ba năm học tiếng Việt và 17 năm nghiên cứu về Đô thị cổ Hội An, GS-TS. Kikuchi Seiichi là một cái tên quen thuộc với giới khảo cổ học Việt Nam. Nhưng đặc biệt hơn hết, theo ông chia sẻ ở cuộc gặp gỡ vào đầu năm 2014 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, chính người dân Hội An với tình cảm phong phú và ấm áp đã tạo một mối dây liên kết để ông cảm nhận về một đất nước giàu tính nhân văn như Việt Nam. Trong cuốn “Nghiên cứu đô thị cổ Hội An” dày hơn 300 trang, GS. Kikuchi Seiichi cho rằng, để nghiên cứu Hội An, cần phải mở rộng tầm nhìn ra thế giới. “Từ thời đại tiền sử, Hội An đã giao lưu với rất nhiều vùng đất. Người ta cũng xác nhận trong các tài liệu khảo cổ học rằng thời Chămpa cũng giao lưu với Tây Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Tôi nghĩ nếu đào sâu nghiên cứu khu vực Hội An thì sẽ lý giải được khởi nguồn của Chămpa” - ông nói. Từ góc độ khảo cổ, vị trí trung tâm cảng thị Hội An xưa và mối dây liên hệ kinh tế, văn hóa, lịch sử… giữa Hội An với các vùng lân cận, đủ để hình thành nên một di sản của sự “hội văn, hội nhân, hội thủy”. GS. Kikuchi Seiichi chia sẻ, tại Nhật hiện nay vẫn còn lưu lại những lá thư của người Nhật sống ở Hội An vào thế kỷ 17 và những ghi chép về người Nhật lưu vong sống ở Hội An vào thế kỷ 18, ngoài ra còn có những bức tranh vẽ cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong, mà người Nhật gọi là Kochi Koku (Giao Chỉ quốc). Ở tuổi 60, nhà khoa học này vẫn đang miệt mài dịch và nghiên cứu những tài liệu liên quan tới mối bang giao Việt - Nhật, với hy vọng làm sáng rõ những ân tình, gắn kết văn hóa giữa hai đất nước thuở xa xưa.

Bản đồ cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong, mà người Nhật gọi là Kochi Koku (Giao Chỉ quốc) do GS. Kikuchi Seiichi cung cấp.
Bản đồ cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong, mà người Nhật gọi là Kochi Koku (Giao Chỉ quốc) do GS. Kikuchi Seiichi cung cấp.

Riêng với kiến trúc sư Ando Katsuhiro, mỗi viên ngói cổ trên các mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi ở Hội An, là mỗi viên ngọc quý. Chủ nhân các ngôi nhà cổ nằm trong dự án bảo tồn, trùng tu của JICA vẫn còn nhớ như in hình ảnh một anh chàng kiến trúc sư mắt kính, “mặt trẻ măng”, khá nghiêm khắc mỗi khi nhóm bắt tay vào trùng tu một ngôi nhà cổ. “Tôi vẫn còn nhớ khi JICA cùng Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức trùng tu nhà thờ tộc Trương của gia đình, anh chàng này không cho phép thợ leo lên mái nhà dỡ ngói, buộc mua chuối cây về để trên rãnh mái, sau đó đóng ván cốp-pha lên trên thân chuối, đi trên đó mới không làm vỡ ngói. Từ Nagumo, Ando, các chuyên gia của JICA, họ quý từng viên ngói”, anh Trương Bách Tường, hậu duệ tộc Trương – ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi được UNESCO vinh danh bằng “Giải thưởng Công trạng” do tổ chức này trao tặng, chia sẻ. Năm 2001, Ando lần đầu tiên đặt chân đến Hội An, tham gia các dự án trùng tu nhà cổ tại đây. Nụ cười hiền hậu của người dân, sự tĩnh lặng của một đô thị cổ ven sông, tiếng gọi “Ando ơi!”, mỗi lần anh về phố cổ, chỉ vậy thôi đủ khiến Ando yêu Hội An. Anh nói, sống và làm việc gần 13 năm, qua hơn 40 tỉnh thành, nơi anh nhớ nhất, nơi mỗi lần anh đến giống như sự trở về quen thuộc, vẫn là Hội An.  Phải lòng với kiến trúc cổ ở Hội An, Ando hiện đã làm việc tại Hà Nội, mỗi khi có dịp, vẫn trở về phố cổ, thong dong trên những con phố.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, nguyên tắc trùng tu của những người bạn Nhật rất phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện di sản của Hội An, với những phương pháp hoàn toàn mới lạ và tôn trọng tuyệt đối yếu tố gốc. Chính những phương pháp này đã giúp Hội An gìn giữ tốt hơn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Mối lương duyên Nhật – Việt tự ngàn xưa, hiện nay vẫn còn được gìn giữ thông qua những cuộc trao đổi văn hóa, kinh tế giữa hai đất nước. Trong câu chuyện ghép nối với những người Nhật từng làm việc tại Hội An, không chỉ có GS. Kikuchi Seiichi, Akiko hay Ando, rất nhiều những chuyên gia đầu ngành khác, vẫn đang dành mối quan tâm rất lớn cho Hội An, Mỹ Sơn và các di sản văn hóa khác trên khắp đất nước. Linh hồn của di sản, ngoài những giá trị vật chất đang biểu hiện, còn là tài nguyên nhân văn, với mối dây liên hệ giữa con người và di sản. Những người đã rời Hội An, nhưng tình yêu dành cho nơi này vẫn còn nồng đượm, chia sẻ rằng, để giữ gìn di sản văn hóa Hội An cần phải có sự giúp đỡ và thấu hiểu của những người sống và sinh hoạt tại nơi này. Di sản sẽ tồn tại muôn đời, nếu để nó trở thành một nơi hội tụ và kết nối thế hệ…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phải lòng với Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO