Phái nữ xỏ giày…

AN NHƯ 13/03/2015 13:47

Mới bắt đầu tháng 3 mà thời tiết khá nóng, thậm chí oi bức vào thời điểm sau 11 giờ trưa và 14 giờ chiều. Nhiều khán giả tìm chỗ có bóng cây hoặc dùng dù, áo khoác để che mát nhưng vẫn than “nóng quá”. Vậy mà trên nền sân xi măng Trung tâm TD-TT và Trung tâm Văn hóa TP.Tam Kỳ, các nữ vận động viên tại giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam năm 2015 vẫn xông xáo thi đấu như không có chuyện gì xảy ra. Bên ngoài sân, một vài quý ông rỉ tai nhau: “Tội nghiệp mấy cô bé da trắng trẻo kia quá, nắng nôi thế này “cháy” da mất!”. Điều gì khiến cho những cô gái xinh tươi kia bình thường “che đậy” khá kỹ nhưng hôm nay bất chấp nắng nóng xỏ giày ra sân chơi bóng nếu không phải là vì tinh thần thể thao?

Phái nữ chơi thể thao, nhất là những môn đòi hỏi sức mạnh như bóng chuyền rất hay bị chấn thương khi thi đấu. Nhưng đáng trân trọng ở chỗ, vượt qua sự đau đớn của chấn thương, họ vẫn nhiệt tình ra sân cống hiến. Chẳng hạn như trong trận bán kết gặp đội Quế Sơn, Nguyễn Thị Lệ Mỹ của đội huyện Thăng Bình bị lật cổ chân sau pha nhảy lên đập bóng. Nhìn cô ôm chân đau đớn trên sân, nhiều người nghĩ vận động viên mang áo số 5 này sẽ ngồi ngoài làm khán giả cho đến hết giải. Tuy nhiên, sau ít phút được đồng đội chườm đá cho bớt đau, cô xung phong trở lại sân trong tiếng vỗ tay động viên rần rần của khán giả. Chân không thể mang giày được nữa, và cũng chẳng còn xông xáo như trước nhưng sự có mặt của Lệ Mỹ đã giúp cho đội nhà thi đấu tự tin để thắng ngược Quế Sơn. Đến trận chung kết với đội Tam Kỳ, cô cũng nén đau chân để xung trận cùng với các đồng đội. Điều gì khiến cho các cô gái chân yếu tay mềm như Lệ Mỹ sẵn sàng ra sân nếu chẳng phải niềm đam mê với trái bóng và tinh thần hết mình vì đồng đội, vì đội bóng quê nhà?

Bất chấp nắng nóng, các cô gái Bắc Trà My vẫn nở nụ cười rạng rỡ sau khi giành chiến thắng.Ảnh: AN NHI
Bất chấp nắng nóng, các cô gái Bắc Trà My vẫn nở nụ cười rạng rỡ sau khi giành chiến thắng.Ảnh: AN NHI

Để có mặt tại TP.Tam Kỳ 3 ngày tham gia giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam năm 2015 thì từ trước đó, các cô gái phải trải qua nhiều ngày tập luyện. Còn trước đó nữa, họ cũng hiện diện trong đội hình của xã, phường, thị trấn dự giải cấp huyện, thành phố tổ chức. Nói tóm lại, để trở thành vận động viên đội tuyển của huyện hoặc thành phố, các chị em phải trải qua một thời gian tập luyện, thi đấu dài ngày. Điều đó cũng có nghĩa, chị em phải tạm gác công việc gia đình, thậm chí nhiều chị cậy nhờ cha mẹ hoặc chồng đưa đón, chăm sóc con cái. Tôi có nghe câu chuyện về nữ vận động viên của một địa phương vì quá đam mê chơi bóng chuyền dẫn đến hai lần bất thành trong việc sinh con. Câu chuyện không biết chính xác không nhưng điều này cho thấy, chưa nói đến thể thao đỉnh cao, chỉ với thể thao phong trào thôi mà phái nữ cũng sẽ chịu nhiều áp lực từ sức khỏe cho đến gia đình và hy sinh, đánh đổi nhiều thứ.

Vì thế, khi chị em xỏ giày ra sân, cả xã hội cần trân trọng những nỗ lực vượt khó của họ. Và mong rằng, phái nữ sẽ có thêm nhiều cơ hội để thi đấu thể thao chứ không chỉ “đến hẹn lại lên” vào dịp 8.3 hoặc 20.10 như những năm qua.

AN NHƯ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phái nữ xỏ giày…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO