Phản hồi từ thực tiễn

14/05/2018 09:44

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết hết sức quan trọng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ; trong đó, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả gắn với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đang đặt ra. Trước đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và Hội nghị Trung ương 7 kết thúc hồi cuối tuần qua cũng đã thông qua nghị quyết về chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Như vậy, có thể thấy công tác xây dựng Đảng hiện nay đã thể hiện tính toàn diện, dựa trên 3 trụ cột chính: công tác xây dựng Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy; công tác cán bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các nghị quyết, nhiều ý kiến từ cơ sở cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn gặp phải, đồng thời khẳng định dù gặp khó nhưng địa phương sẽ quyết tâm thực hiện bằng được, chỉ mong có thêm chính sách phù hợp để việc thực hiện nghị quyết thuận lợi hơn.

Sáng 12.5, tại thủ đô Hà Nội, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) bế mạc, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Hội nghị đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết quan trọng: Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; về cải cách chính sách tiền lương; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Ảnh: Trí Dũng
Sáng 12.5, tại thủ đô Hà Nội, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) bế mạc, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Hội nghị đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết quan trọng: Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; về cải cách chính sách tiền lương; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Ảnh: Trí Dũng

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Lê Văn Dũng: Không thể chần chừ

“Đối với Quảng Nam, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ nhằm hướng đến tinh giản biên chế là việc làm thường xuyên trong nhiều nhiệm kỳ qua. Có thể kể đến như việc sắp xếp lại các ban quản lý; giải thể Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Trung tâm Nguồn nhân lực chất lượng cao, rồi giải thể các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - dạy nghề cấp huyện, hay sáp nhập các trạm - trại của ngành nông nghiệp... Tính đến nay, tỉnh đã giải thể 21 đơn vị, hợp nhất 18 đơn vị, chuyển giao chức năng nhiệm vụ 38 đơn vị. Việc sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan bước đầu đã thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, đảm bảo quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Và từ khi các Nghị quyết Trung ương số 18 và 19 (khóa XII) được ban hành, với chủ trương, quan điểm và những giải pháp rõ ràng, cụ thể thì việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy dễ dàng hơn.

Quảng Nam quyết tâm thực hiện đúng, hiệu quả tinh thần của các nghị quyết này, chắc chắn sẽ tinh gọn được tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo đề án vị trí việc làm, phát huy được hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cũng cần nói thêm, Đề án vị trí việc làm là cơ sở quan trọng nhất để sắp xếp vị trí việc làm, nếu cơ quan, đơn vị nào xây dựng đề án rành mạch, cụ thể, xác định được vị trí việc làm thật chi tiết thì sẽ bố trí được cán bộ, công chức hơp lý hơn; thông qua đó giảm được biên chế, phát huy tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của chính cơ quan, đơn vị đó. Không thể chần chừ được nữa, các cấp, các ngành phải quyết liệt thực hiện nhằm hướng đến việc tinh giản 10% biên chế đúng như lộ trình đã đặt ra”. NGUYÊN ĐOAN (ghi)

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Nguyễn Văn Lúa: Quyết tâm thực hiện nhưng vấp nhiều khó khăn

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Thành ủy Tam Kỳ đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng, cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đẩy mạnh cải cách hành chính. Đến nay, đội ngũ cán bộ thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong công tác tuyển dụng, Tam Kỳ ưu tiên lựa chọn, thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn đại học loại giỏi và sau đại học. Việc đánh giá cán bộ được xác định là khâu quan trọng nhất, ngoài thực hiện theo đúng quy định của cấp trên, Tam Kỳ chú trọng lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Trong những năm qua, TP.Tam Kỳ hết sức quan tâm, thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ đảm bảo đúng quy trình, khách quan, không có tiêu cực.

Tuy nhiên, công tác cán bộ của TP.Tam Kỳ vẫn còn những khó khăn nhất định, khi chất lượng không đồng đều; có nơi người đứng đầu chưa thể hiện tốt trách nhiệm nêu gương... Từ thực tiễn của địa phương, tôi cho rằng, với một đội ngũ cán bộ đã có nhưng bằng các cách làm như hiện nay thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới. Hiện nay, Tam Kỳ tập trung thực hiện các Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ngoài những công việc đã thực hiện từ rất sớm và quyết tâm thực hiện hiệu quả, đúng lộ trình đề ra, Tam Kỳ đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương. Tuy nhiên, do Đề án vị trí việc làm của Tam Kỳ chưa được tỉnh phê duyệt nên việc thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy đang gặp khó khăn. Mặt khác, Nghị quyết Trung ương 6 với những định hướng rất rõ nhưng chưa có các quy định về mặt pháp luật nhằm cụ thể hóa, đồng bộ hóa; các công việc được triển khai làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc thực hiện nghị quyết chưa thật sự mạnh mẽ. Ngoài ra, chính sách chưa đồng bộ, cởi mở để tạo điều kiện khuyến khích cán bộ nghỉ hưu trước tuổi... HÀN GIANG (ghi)

Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - Phạm Văn Đốc: Đảm bảo điều kiện thực hiện tinh gọn bộ máy

Xác định muốn tinh gọn bộ máy thì việc thực hiện các mặt, các bước của công tác cán bộ là hết sức quan trọng nên Huyện ủy Tiên Phước đã chỉ đạo và quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Về quy hoạch cán bộ, đảm bảo về độ tuổi, về tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ, hằng năm thường xuyên bổ sung và đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đủ năng lực phát triển. Về đào tạo, ngoài việc cử đi học các lớp do Trung ương, tỉnh tổ chức, huyện đã có Nghị quyết 05, ban hành Đề án 03 về đào tạo cán bộ. Trong 2 năm qua, Ban chỉ đạo đề án đã mở hàng chục lớp đào tạo và kết quả là chất lượng cán bộ, nhất là cấp xã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, những năm qua cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định nhất là đảm bảo đức độ, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác luân chuyển tuy thực hiện số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng, cán bộ được luân chuyển phát huy tốt năng lực, là những tấm gương sáng mọi mặt ở cơ sở và có chiều hướng, triển vọng phát triển tốt. Thời gian đến, khi thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, đội ngũ cán bộ huyện, xã hiện nay sẽ đủ sức cáng đáng nhiệm vụ được giao.

Huyện ủy Tiên Phước đã xây dựng các chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, trong đó tập trung thực hiện các Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. Ngoài những nhiệm vụ chung, những nội dung mà Tỉnh ủy chọn làm ở những nơi có điều kiện thì Tiên Phước đã đăng ký và quyết tâm thực hiện như Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra… Sáp nhập một số đơn vị công lập như Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng với Trung tâm Khai thác quỹ đất, Trung tâm Văn hóa với Đài truyền thanh; giải thể Phòng Y tế, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho Văn phòng Ủy ban; phối hợp với Sở Y tế để sáp nhập các cơ quan y tế trên địa bàn; sáp nhập, giải thể một số hội nghề nghiệp… Mọi thứ huyện đã sẵn sàng và đang triển khai thực hiện.

Về tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2020 huyện sẽ thực hiện tinh giản 10% theo đúng lộ trình. Nhìn chung, việc tinh giản không có trở ngại gì, chỉ vướng ở điều kiện để tinh giản theo Nghị định 108 (tức là không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm) là rất khó thực hiện, đề nghị Trung ương nghiên cứu lại quy định này. DIỄM LỆ (ghi)

Làm cho nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống

“Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. Coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ… Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp…

Để thực hiện có kết quả nghị quyết, tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được”.

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) ngày 12.5)

Bí thư Huyện ủy Nam Giang - Chơ Rum Nhiên: Chấp nhận loại dần cán bộ không đủ chuẩn

“Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác cán bộ gắn với tinh gọn bộ máy trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đối với các địa phương miền núi, trong quá trình thực hiện vẫn còn vướng nhiều mặt, nhất là trong việc rà soát lại chất lượng, cũng như tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ đảm bảo theo tinh thần của các Hội nghị Trung ương 6 và 7 (khóa XII). Liên quan đến vấn đề này, bên cạnh thực hiện việc rà soát toàn bộ công tác quy hoạch cán bộ, tới đây chúng tôi cũng sẽ có hướng đào tạo nhằm đáp ứng trình độ, năng lực và tiêu chuẩn cán bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng, bồi dưỡng hiện nay còn nảy sinh vấn đề bất cập do nhiều cán bộ miền núi sinh sau 1975 được đào tạo theo hình thức tại chức, trong khi theo quy định mới là phải chính quy, hoặc trình độ thạc sĩ. Do vậy, nếu áp dụng ngay theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy sẽ rất khó khăn cho công tác cán bộ ở miền núi, đặc biệt là cán bộ cấp xã hiện nay. Vì thế, đối với cán bộ sinh sau năm 1975 trình độ đại học tại chức, đề nghị nên giãn thời gian áp dụng để chúng tôi hoàn thiện việc nâng cấp trình độ chuyên môn sau đại học cho cán bộ cấp huyện và cả ở cấp xã, đáp ứng với chủ trương chung hiện nay. Và một điều nữa, dù khó nhưng chúng tôi cũng phải quyết tâm làm là chấp nhận với việc loại dần những cán bộ không đủ tiêu chuẩn về năng lực và chuyên môn theo quy định”.
ALĂNG NGƯỚC (ghi)

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên - Nguyễn Quang Mạnh: Còn vướng nhiều mặt

“Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, thời gian qua Ban Thường vụ Huyện ủy đã hợp đồng 90 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở các ban, ngành, mặt trận, hội đoàn thể của huyện và tuyển dụng 43 sinh viên theo Đề án 500 của tỉnh để đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho các xã, thị trấn. Cùng với việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý nhà nước từ huyện đến cơ sở được củng cố, sắp xếp một cách phù hợp, đúng quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay huyện đã sáp nhập 6 đơn vị sự nghiệp thành 3 cơ quan; sắp tới đây sẽ sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sáp nhập Trung tâm VH-TT với Đài Truyền thanh - truyền hình huyện… Về xây dựng đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế đến năm 2020, theo thống kê toàn huyện đã thực hiện tinh giản biên chế, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi cho 109 cán bộ, công chức, viên chức; chắc chắn đến năm 2020 đảm bảo tinh giản 10% biên chế.

Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về công tác cán bộ ở địa phương.
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về công tác cán bộ ở địa phương.

Cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, việc tinh giản biên chế hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc vì tiêu chuẩn, thủ tục quy định quá khắt khe từ Trung ương nhưng chưa được sửa đổi nên nhiều cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng xin nghỉ mà không được giải quyết. Do đó, tỉnh cần kiến nghị Trung ương điều chỉnh điều kiện hoặc quy định riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để các đồng chí này được nghỉ hưu và được hưởng chính sách theo quy định. Như thế chúng ta mới có thể trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được. Vì vậy, ngoài phần Trung ương hỗ trợ theo quy định, đề nghị tỉnh cho phép huyện hỗ trợ thêm theo một khung nhất định, phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương. Một vấn đề nữa, việc quy định tỷ lệ trong quy hoạch cấp ủy quá cao, còn mang tư tưởng để đào tạo và chuẩn hóa bằng cấp, nên tính khả thi trong công tác quy hoạch cấp ủy chưa cao. Đề nghị cấp trên nghiên cứu, xem xét lại những quy định trong khâu quy hoạch cán bộ để công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ đi vào chiều sâu”. NGUYỄN SỰ (ghi)

Bí thư Đảng ủy xã Quế Lưu (Hiệp Đức) - Nguyễn Tấn Nghiệp: Không thể tinh giản cán bộ bán chuyên trách khi họ làm việc hiệu quả

“Xã Quế Lưu hiện có 39 cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian qua, nhờ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ nên chất lượng của đội ngũ này từng bước được nâng cao. Trong đó có 16 người trình độ đại học, 17 người trình độ trung cấp; 1 người có trình độ cao cấp chính trị, 19 người có trình độ trung cấp chính trị. Nhờ nguồn nhân lực đảm bảo, xã thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đúng chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo vị trí việc làm để thực hiện tốt công việc được giao; kịp thời giải quyết hồ sơ, đơn thư, kiến nghị của công dân. Chúng tôi quyết tâm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý trường hợp sách nhiễu, vụ lợi trong thực thi công vụ…

Đối với các Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), trước mắt Quế Lưu sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập các hội đặc thù, tinh giảm một số người hoạt động không chuyên trách và không nhận thêm người mới mà bố trí cán bộ khác kiêm nhiệm. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó khăn, khi hầu hết người hoạt động không chuyên trách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm nên không có cơ sở để xét cho họ nghỉ việc, mặt khác những cán bộ này đều có tâm huyết, muốn tham gia làm việc tại địa phương”. VĂN SỰ (ghi)
Chủ tịch UBND xã Ga RY (Tây Giang) -   Zơrâm Nhưng: Vận động nghỉ hưu trước tuổi

“Thực hiện theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua địa phương đã tích cực triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả trong công tác nâng cao năng lực cán bộ, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc tinh giản cán bộ ở cấp sở sở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Mới đây, chúng tôi đã trực tiếp vận động nghỉ hưu trước tuổi đối với một số cán bộ sắp hết tuổi, không đảm bảo theo tiêu chuẩn mới, nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Cái khó lớn nhất là hầu hết cán bộ này đã có thời gian công tác lâu năm và có những cống hiến tích cực cho sự phát triển chung của địa phương. Nhưng đây là chủ trương chung, dù khó đến mấy chúng tôi cũng phải cố gắng thực hiện, sẽ tiếp tục vận động.

Liên quan đến chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, thời gian qua địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay theo lộ trình cụ thể, đảm bảo các vấn đề về chuyên môn và năng lực trong công tác”. ĐĂNG NGUYÊN (ghi)

Bí thư Đảng ủy xã A Ting (Đông Giang) - Pơloong Chiến: xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ

“Thời gian qua chúng tôi luôn chú trọng và triển khai có hiệu quả công tác cán bộ. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi và tồn tại khách quan lâu nay ở miền núi khiến mức độ hoàn thành công việc, sáng tạo trong chuyên môn, năng lực quản lý,... của cán bộ so với các địa phương đồng bằng vẫn còn nhiều hạn chế. Để giải quyết những khó khăn trên, bên cạnh tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn cho từng cán bộ, chúng tôi xây dựng kế hoạch phân công công việc phù hợp, rõ ràng và tạo điều kiện hết mức có thể giúp cán bộ địa phương có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với công tác quản lý, điều hành, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu vị trí công việc.

Hàng năm, căn cứ theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ mà chúng tôi có quyết định tiếp tục tuyển dụng, quy hoạch cán bộ. Riêng đối với người đã lớn tuổi, không đủ năng lực và tiêu chuẩn chuyên môn, chúng tôi vận động và cho nghỉ việc dần, đồng thời có kế hoạch tiếp nhận những cán bộ trẻ có đủ năng lực, tiêu chuẩn chuyên môn, đáp ứng yêu cầu”. ALĂNG NGƯỚC (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phản hồi từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO