Bỏ học giữa chừng khá nhiều vẫn là bài toán khó đối với ngành GD-ĐT. Giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng này?
Giảm tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ học. Ảnh: X.P |
Bỏ học nhiều
Năm học 2017 - 2018, Trường THPT Núi Thành có 26 học sinh (HS) bỏ học giữa chừng. Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng nhà trường, phần lớn trường hợp bỏ học tập trung ở khối lớp 10 và nguyên nhân là học lực kém, không theo kịp chương trình. Ngoài ra, nhiều HS do gia đình thiếu sự quan tâm, mặc cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm liên lạc nhắc nhở, động viên song không có kết quả. “Dù vậy, với tổng số 1.700 HS thì số lượng bỏ học giữa chừng của trường vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ và so với những năm trước đó giảm hơn nhiều” - thầy Thiện nói.
Đợt tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019 vừa qua, cả tỉnh có hơn 1.000 HS không đăng ký xét tuyển. Theo Sở GD-ĐT, có nhiều lý do để các em không tiếp tục theo học lớp 10 công lập như chọn học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc nghề xã hội. |
Nếu nhìn vào một trường học, con số HS bỏ học không nhiều, nhưng nhìn rộng ra cả tỉnh, số lượng bỏ học khá lớn, thậm chí có thể nói là đáng báo động. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học vừa qua, toàn tỉnh có tổng cộng 1.666 HS bỏ học; trong đó tập trung nhiều nhất là ở bậc THPT với 1.124 trường hợp, bậc THCS 483 trường hợp. Nếu như tỷ lệ bỏ học THCS là 0,56% - trong ngưỡng cho phép - thì tỷ lệ 2,25% ở THPT so với những năm trước có giảm, song vẫn còn khá nhiều. Theo các nhà quản lý giáo dục, điều này sẽ gây khó khăn cho các trường học trong công tác xây dựng trường chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là chưa kể, với con số hơn 1.600 HS nghỉ học giữa chừng, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đã lãng phí đến hơn 6 tỷ đồng, không kể đến nguồn kinh phí của gia đình chi phí cho con em đi học.
Kinh tế gia đình hiện nay không còn đóng vai trò chính đối với việc học của con em; bởi bên cạnh nhà trường, có khá nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các cấp hội khuyến học luôn sẵn sàng đồng hành với học trò nghèo. “Không để trường hợp nào phải bỏ học giữa chừng vì nghèo” không còn là khẩu hiệu mà thực tế đã chứng minh, thể hiện qua con số mỗi năm có hàng trăm nghìn HS được tiếp sức. Cụ thể gần nhất như năm 2017, cả tỉnh có hơn 195.000 HS được cấp học bổng với số tiền lên tới hơn 48 tỷ đồng thông qua các cấp hội khuyến học. Vậy câu hỏi được đặt ra là vì sao tình trạng HS bỏ học giữa chừng vẫn chưa giảm, khi mà nguyên nhân nghèo khó gần như không còn? Các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, có nhiều lý do của tình trạng bỏ học hiện nay nhưng nguyên nhân chính là vì học không nổi dẫn đến lười biếng, không muốn đi học nữa.
Cải tiến tuyển sinh
Dẫn chứng cụ thể tại ngôi trường của mình, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện cho biết, tuyển sinh năm học 2017 - 2018, trường có 21 HS trong danh sách trúng tuyển nhưng không nhập học. Sau đó trường được tuyển bổ sung song vẫn không đủ chỉ tiêu vì chỉ có thêm 14 HS đi học. Còn năm nay, khi chỉ tiêu tuyển sinh giảm xuống còn 85% (năm trước 90%), đến nay chỉ có 3 trương hợp. Thầy Thiện nói: “Việc bỏ học liên quan rất lớn đến công tác tuyển sinh vì chủ yếu diễn ra ở các HS lên lớp 10. Trước đây, tỷ lệ tuyển vào lớp 10 là 95% nên có rất nhiều HS không ra lớp do không có nhu cầu học lên lớp 10. Đó là chưa kể, chỉ tiêu tuyển sinh quá cao nên những HS học lực yếu kém vẫn được vào lớp 10. Cuối cùng, các em tiếp thu kiến thức không kịp, dẫn đến chán học rồi bỏ học. Năm nay khi giảm chỉ tiêu tuyển sinh xuống 85%, trường hợp HS bỏ học đã đỡ hơn rất nhiều”. Thầy Thiện cũng tán thành với phương án tổ chức thi tuyển lớp 10 kể từ năm học 2018 - 2019 theo hướng tiếp tục giảm chỉ tiêu và cho rằng “chỉ có tổ chức thi tuyển HS mới cố gắng học để thi và không bỏ học giữa chừng”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho biết, từ năm 2012 thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo phương thức xét tuyển kết hợp phân tuyến với tỷ lệ tuyển sinh hàng năm từ 95% đối với đồng bằng và 100% miền núi. Kế hoạch từ năm học 2019 - 2020 sở sẽ tham mưu cho tỉnh thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập bằng phương thức thi tuyển kết hợp với phân tuyến tuyển sinh theo tỷ lệ hợp lý. Đồng thời giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh xuống còn 70% vào năm 2025 để thực hiện phân luồng HS sau THCS theo Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị và Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, thi tuyển đầu vào, giảm chỉ tiêu để đẩy mạnh phân luồng cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng HS bỏ học giữa chừng.
XUÂN PHÚ