Hàng trăm câu chuyện về hành trình thoát nghèo từ nguồn tín dụng ưu đãi là minh chứng rõ nét nhất về nỗ lực trở thành điểm tựa cho người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Quảng Nam trong 10 năm nay.
Điểm tựa thoát nghèo
Dân nghèo trên Trà Linh (Nam Trà My) vẫn thường “kháo nhau” về “hiện tượng” Hồ Thái Ba (thôn 3) từ một người nghèo khó đã trở thành ông chủ của một trang trại trồng sâm Ngọc Linh với thu nhập bình quân 50 - 60 triệu đồng/năm từ những đồng vốn vay của NHCSXH. Không riêng anh Ba, danh sách những người hết nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ngày càng nhiều. Đó là Nguyễn Thị Quyên (thôn 1, Hiệp Thuận, Hiệp Đức), Võ Thị Hồng (Quý Phước, Bình Quý, Thăng Bình) vay vốn để phát triển chăn nuôi hay Cao Đình Thuận (Trà Tân, Bắc Trà My) đầu tư trang trại trồng rừng, chăn nuôi… Phần lớn những người “may mắn” này đều cho rằng, nguồn vốn vay không lớn, nhưng sự chia sẻ, tư vấn của nhân viên tín dụng, các hội, đoàn thể… đã giúp họ tự tin hơn vào sự lựa chọn, trở thành động lực nuôi ước mơ sản xuất, để thấy mình không còn phải đơn độc, bươn chải, vật lộn với mưu sinh.
Người dân Trà Linh vay vốn trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: T.PHONG |
“Khi người nghèo có một điểm tựa vững vàng về nguồn vốn, kiến thức và niềm tin, họ sẽ nhanh chóng vượt thoát đói nghèo” . Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm |
Thu nhập của những người nghèo “trên đỉnh mù sương” Trà Linh xa xôi kia hay những vùng nông thôn khác chưa đủ để họ trở thành những “đại gia”, nhưng đồng vốn NHCSXH đã tạo dựng nên điểm tựa cho dân nghèo khát vọng đổi đời. Theo thống kê của NHCSXH Quảng Nam, tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt 4.105 tỷ đồng, tổng doanh số thu nợ 1.450 tỷ đồng. Đến ngày 31.12.2012, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 2.858 tỷ đồng, tăng 2.655 tỷ đồng (gấp gần 14 lần so với tổng dư nợ bàn giao ban đầu chỉ 203 tỷ đồng). Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ nợ quá hạn (tính cả nợ khoanh) chỉ chiếm 0,49%, thấp hơn nhiều so với 10 năm trước (7%). Theo một thống kê khác, đã có gần 400 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH trong vòng 10 năm qua. Dư nợ bình quân một hộ tăng 5 lần (từ 3,5 triệu đồng/hộ lên gần 18 triệu đồng/hộ). Gần 63/200 nghìn hộ vay vốn để thoát nghèo. Nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng cũng giải quyết việc làm cho 21.000 lao động, 1.912 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, gần 90 nghìn học sinh, sinh viên có điều kiện ăn học, 70.611 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng ở nông thôn, 15.918 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây nhà ở và khoảng 16.000ha rừng được trồng từ vốn vay chương trình phát triển ngành lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới.
Kết nối chính sách
Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam khẳng định, vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã thật sự trở thành “phao cứu sinh” cho người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế. Trong 10 năm hoạt động, NHCSXH là công cụ tài chính tích cực để địa phương đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Con số hộ nghèo giảm từ 2,5 - 3% mỗi năm ở Quảng Nam có đóng góp không nhỏ từ đồng vốn của ngân hàng. “Ngân hàng sẽ phấn đấu đảm bảo nhu cầu tín dụng ưu đãi đến 100% hộ nghèo và chính sách có nhu cầu vốn (và đủ điều kiện) tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 8 - 12%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%” - ông Dinh nói. |
Hiện nay, NHCSXH tỉnh trở thành đơn vị có quy mô hoạt động ở vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước và là đơn vị có dư nợ cho vay cao nhất khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Mô hình 1 hội sở tỉnh, 17 phòng giao dịch tại các huyện, thành phố, 244 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và trên 4.425 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các thôn, bản đã giúp cho NHCSXH tỉnh thực hiện tốt chủ trương công khai hóa, dân chủ hóa và xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước. Hệ thống tiết kiệm và vay vốn trải rộng với hơn 4.500 thành viên từ các hội phụ nữ, nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên ở cấp thôn tham gia không chỉ là cánh tay nối dài của ngân hàng trong quá trình quản lý nguồn vốn mà còn góp phần hình thành các tổ chức tự quản, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tạo công bằng xã hội trong việc thực hiện chính sách cho vay hộ nghèo. Dân vùng sâu, vùng xa thụ hưởng nguồn vốn có thêm điều kiện để thay đổi tư duy về kinh tế, cách thức tổ chức sản xuất, tiết kiệm chi tiêu, tăng hiệu quả vốn vay, tăng thu nhập và thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Tại cuộc làm việc với NHCSXH Quảng Nam hồi cuối năm 2012, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, Quảng Nam đã kết nối được chính sách đến người dân rộng khắp và hiệu quả, công tác tín dụng an toàn, đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đồng vốn, NHCSXH Quảng Nam cần tăng cường phổ biến chính sách tín dụng cho người dân, rà soát chính xác đối tượng, nhu cầu vay vốn để điều hòa vốn sát thực tế, kiện toàn mạng lưới tín dụng đến tận cơ sở và hoàn thiện chế độ thống kê, phân tích số liệu hiệu quả vốn vay… “Khi người nghèo có một điểm tựa vững vàng về nguồn vốn, kiến thức và niềm tin, họ sẽ nhanh chóng vượt thoát đói nghèo” - ông Đàm nói. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Quảng Nam, Trần Minh Cả, tín dụng chính sách là giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, NHCSXH Quảng Nam cần huy động mọi nguồn lực để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn. Cũng theo ông Cả, thời gian tới ngân hàng cần chú trọng đầu tư tín dụng vào miền núi, khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn..., đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả và thực hiện thông tin tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt các chế độ chính sách tín dụng của Nhà nước.
Tùy Phong