Sau 2 năm triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các đơn vị tham gia vẫn gặp khó trong đào tạo, thu hút học viên.
Học nghề theo Nghị quyết 12 phần lớn là lao động dân tộc thiểu số. Ảnh: D.LỆ |
Nhiều rào cản
Sau 2 năm, cơ sở đào tạo tham gia và thực hiện Nghị quyết 12 nhiệt tình nhất phải kể đến Trường Trung cấp nghề thanh niên, dân tộc miền núi tỉnh. Áp dụng linh hoạt các phương pháp, nhà trường đào tạo được nhiều lao động nhất và quan trọng hơn là thuộc khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, lao động khu vực này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong quá trình đào tạo. Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề thanh niên, dân tộc miền núi tỉnh nhìn nhận, thực tế đào tạo cho thấy Nghị quyết 12 mang lại hiệu quả cao hơn đào tạo theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là do có sự ràng buộc lớn về tính pháp lý nên khép kín, có hiệu quả thực tế khi người học đi làm được thống kê cụ thể, rõ ràng. Trong 7 tháng đầu năm 2018, trường đã đào tạo được 437 lao động, chuyển biến tốt hơn năm 2017 vì truyền thông đã có tác động mạnh thông qua người thật việc thật nên tạo sự tin tưởng. Ông Quý cho biết, dù người học không nhiều nhưng đã học là đi làm việc tạo bước chuyển rất quan trọng đối với lao động miền núi. Trong thực tế thì khó khăn luôn hiển hiện, nhưng nhà trường phải cố gắng bám bản, bám lao động và gia đình họ để vận động sao cho hiệu quả. Thực tế đáng buồn là lao động sau khi có việc làm ổn định lại bỏ về để không phải ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bên cạnh đó, năm 2017 có 20 doanh nghiệp liên kết đào tạo, tuyển dụng, nhưng đến năm 2018 trường chọn lựa chỉ còn 4 doanh nghiệp vì họ làm hiệu quả hơn, tiếp nhận, ký kết hợp đồng và đóng BHXH cho lao động sau đào tạo tốt hơn.
Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam cho rằng, không thể thực hiện đạt như chỉ tiêu vì khi khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chưa xác nhận đúng, nên gây ra con số ảo, tỉnh căn cứ theo đó mà đưa ra chỉ tiêu đào tạo nên không hiệu quả. Ông Đôi nêu thêm một vài nguyên nhân: “Các cơ sở đào tạo nghề chưa tạo dựng được niềm tin cho lao động như doanh nghiệp nên họ chưa có sự tin tưởng. Như Công ty Panko chỉ thông báo trong 10 ngày tuyển được 600 lao động, trong khi ta vào cuộc quyết liệt nhưng không hiệu quả. Chưa kể chất lượng lao động sau đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế khiến doanh nghiệp không mặn mà; doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông, trường thì đào tạo công nhân kỹ thuật kiểu nửa vời, không đạt yêu cầu của doanh nghiệp khi họ kiểm tra tay nghề...”.
Ít và khó
Sau 2 năm thực hiện Quyết định 3577, toàn tỉnh đào tạo tổng cộng 2.210 người tham gia học nghề (trong đó 1.081 người là đồng bào dân tộc thiểu số); hoàn thành đào tạo 1.667 lao động (trong đó 839 người là dân tộc thiểu số). Số lao động cung ứng cho doanh nghiệp là 1.493 (trong đó có 786 người là dân tộc thiểu số), đã có 781 lao động được đóng BHXH. Trừ huyện Nông Sơn và TP.Tam Kỳ không đào tạo theo Quyết định 3577, các huyện còn lại đều tham gia vận động người dân đi học, đi làm theo cơ chế. 9 cơ sở dạy nghề và 2 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, chủ yếu là nghề may công nghiệp. |
Ông Huỳnh Công Hải - Hiệu phó trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam nhận định, ở đồng bằng doanh nghiệp phần lớn tự tuyển lao động, đào tạo và bố trí việc làm, trong khi đó việc kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp may mặc sử dụng lao động không đúng quy định của luật, trong khi đó doanh nghiệp FDI thì thực hiện rất tốt... Đối với nghề du lịch, định mức kinh phí đào tạo còn rất thấp nên khó đào tạo lao động đạt chất lượng và chỉ đào tạo cho các cơ sở nhỏ. Chưa kể, thực tế cơ sở nhỏ thường không đóng BHXH cho lao động nên trường không thanh toán được kinh phí đào tạo. Đây cũng là nguyên do nhà trường chỉ đào tạo theo Quyết định 1956, ít đào tạo theo Quyết định 3577 vì khó thanh toán kinh phí.
Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nếu đánh giá về mặt hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm thì Quyết định 3577 thực hiện hiệu quả. Nhưng do con số nhu cầu phía doanh nghiệp cung cấp không đúng thực tế, nên chỉ tiêu căn cứ theo đó cũng không thể đạt được. Trong quá trình thực hiện Quyết định 3577 đã phát sinh nhiều khó khăn, như số lượng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề và vào làm việc tại doanh nghiệp thấp so với yêu cầu tại Nghị quyết số 12. Tỷ lệ lao động nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp và được đóng BHXH không đạt so với quy định, chỉ đạt 45,09% so với tổng lao động hoàn thành khóa học (quy định là 80%). Người lao động là người dân tộc thiểu số đang học nghề hoặc đang làm việc tại doanh nghiệp bỏ về địa phương; lao động làm việc tại doanh nghiệp thiếu ổn định, bỏ việc, gây khó khăn trong việc theo dõi, quản lý lao động. Vì những khó khăn trên, ông Thùy cho rằng trong năm này, một số quy định sẽ được kiến nghị sửa đổi phù hợp, điều chỉnh chỉ tiêu sát đúng với nhu cầu thực của doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp và người lao động, cơ sở đào tạo, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
DIỄM LỆ