Mới đây, UBND TP. Hội An đã phê duyệt đề tài khoa học “Đánh giá tiềm năng, đề xuất giải pháp quản lý và khai thác bền vững một số loài thực vật trong món ăn rau rừng và dùng làm “lá uống” tại Cù Lao Chàm”.
Khảo sát rau rừng và lá uống tại Cù Lao Chàm. |
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế, đề tài sẽ tiến hành định danh khoa học các loài thực vật trong món ăn rau rừng và lá lao tại Cù Lao Chàm; đánh giá trữ lượng, vùng phân bố và đặc điểm phân bố của chúng. Đặc biệt, đề tài cũng sẽ phân tích, xác định thành phần và hàm lượng một số hoạt chất quan trọng, các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm, chất dinh dưỡng của các loài thực vật phổ biến trong thành phần “lá lao” và rau rừng. Rau rừng được xem là “đặc sản” của Cù Lao Chàm (Hội An), luôn xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng trên đảo. Theo tiến sĩ Phạm Thị Kim Thoa (Đại học Đà Nẵng), rau rừng tại Cù Lao Chàm bước đầu ghi nhận được 43 loài, thuộc 30 họ; được phân bố khá rộng và đa dạng, trong đó, tập trung nhiều nhất ở chân núi, bìa rừng, rừng; phù hợp với sự phát triển các loại rau là cây bụi (với 24/43 loài chiếm 55,81%). Ở các môi trường sống khác như bãi đất hoang, dọc lối đi, ven khu dân cư... phần lớn là các loài thân thảo, ưa sáng (với 13 loài chiếm 27,91%). Ở môi trường sống ven suối, bờ mương, đồng ruộng, vùng đất ẩm ướt (với 5 loài chiếm 11,63%), ít nhất là tại vườn nhà (với 2 loài chiếm 4,65%). Cây lá thuốc Cù Lao Chàm, hay còn gọi là lá lao, từ lâu cũng đã được sử dụng thay chè uống, có giá trị như những vị thuốc nam giúp giải nhiệt, “ăn ngon, ngủ tốt” và cũng được xem là một “đặc sản” của Cù Lao Chàm. Hiện nay, lá lao được các hộ khai thác để sử dụng và bán cho du khách. Lá lao còn được nấu và cho vào chai để bán cho du khách qua đường, các nhà hàng thì nấu nước thay chè cho du khách giải khát…
Theo ông Nguyễn Vinh, thôn Bãi Làng, hiện có gần 20 hộ chuyên khai thác rau rừng và lá rừng, mức độ và số lượng khai thác của các hộ cũng khác nhau. Chính sự khai thác chưa hợp lý của người dân trên đảo đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài rau rừng, lá rừng, một số loài quý được khai thác thường xuyên nên cũng giảm sản lượng và đặc biệt tạo nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên trên đảo. Đối với lá lao, việc thu hái, sơ chế theo kinh nghiệm cũng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc bảo quản chưa đảm bảo quy trình nên sản phẩm không giữ được lâu và dễ bị nhiễm mốc; sản phẩm cũng chưa có đối chứng khoa học về đặc điểm sinh học, giá trị sử dụng của từng loài. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, tiếp thị, kinh doanh đối với các loài thực vật này còn đơn giản, hiệu quả thấp, thiếu độ tin cậy do thiếu thông tin về cơ sở khoa học...
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, đề tài cũng nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và khai thác bền vững một số loài rau rừng và lá lao tại Cù Lao Chàm; trong đó chú trọng công tác thông tin, quảng bá món ăn rau rừng, lá lao thông qua việc xây dựng mẫu mã bao bì, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm; biên soạn sách ảnh và dựng phim tư liệu về một số loài thực vật trong món ăn rau rừng và lá lao.
Cù Lao Chàm đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách. Biết khai thác, phát huy một cách khoa học các giá trị của những đặc sản ở đây sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nâng cao thu nhập cho người dân xã đảo.
QUANG HUY