Phát huy tính sáng tạo của học sinh

THIÊN THU 02/01/2020 13:31

Áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” đối với bậc học tiểu học, cô Đặng Thị Quyên - giáo viên Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ (huyện Nông Sơn) cho biết, khi dạy bài “Trao đổi chất ở người” (Khoa học lớp 4), giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, học sinh là người chủ động trong học tập như thảo luận, hợp tác với bạn, khám phá, thử nghiệm. Từ đó học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo cũng như năng lực quan sát, thực hành. Ở bài “Cây con mọc lên từ hạt” (Khoa học lớp 5), giáo viên yêu cầu học sinh sưu tầm các loại hạt, học sinh có thể làm thí nghiệm, mô tả bằng hình vẽ hoặc bằng ngôn ngữ rồi đưa ra kết luận, học sinh kiểm chứng xem giả thuyết, dự đoán, tưởng tượng của mình có đúng không.

Là giáo viên dạy môn Vật lý cấp THCS, cô Đào Thị Hồng Vân cho rằng, khi giảng bài “Gương cầu lõm” (Vật lý 7), người dạy cần sử dụng phương pháp tích hợp liên môn giúp phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp ở học sinh bao gồm cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội. “Trong quá trình giảng dạy, tôi không cung cấp kiến thức có sẵn mà định hướng, khích lệ, hỗ trợ học sinh tự lực khám phá, đặt học sinh vào những tình huống cụ thể để các em trực tiếp quan sát, thảo luận, phát hiện những điều mới mẻ rồi giải quyết vấn đề theo cách suy nghĩ riêng của mình” - cô Vân nói.

Bên cạnh dạy học chính khóa, việc tổ chức các cuộc thi khơi dậy tư duy, kỹ năng sáng tạo của học sinh cũng được các trường học ở Nông Sơn chú trọng. Nguyễn Văn Đợi - học sinh Trường THCS Phan Châu Trinh chia sẻ: “Trong quá trình triển khai ý tưởng mô hình sản phẩm sáng tạo “Thiết bị lau bảng thông minh” trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng em đã gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô giáo và việc kết hợp nghiên cứu thực tế, sáng chế với vận dụng kiến thức liên môn vào nghiên cứu, chúng em đã hình thành ý tưởng thiết kế chiếc khăn lau bảng có thể hút hết bụi phấn khi lau để tạo môi trường không khí trong lành, thông thoáng, nâng cao hiệu quả dạy học”. Hay như cuộc thi “Đọc sách vì tương lai” giúp học sinh tiếp cận với những cuốn sách hay, khám phá vẻ đẹp nội dung bên trong, tìm hiểu nghệ thuật của tác phẩm để làm giàu thêm tri thức cho chính mình. 

Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khóa như trò chơi lớn, sắm vai nhân vật yêu thích, cắm trại, tham quan dã ngoại…, học sinh nhập vai các nhân vật, tình huống cụ thể, chủ động tìm hiểu, chiếm lĩnh kiến thức và thỏa sức sáng tạo trong khi diễn. Đặc biệt, phương pháp đóng vai không chỉ giúp học sinh khắc sâu kiến thức mà còn có cơ hội trải nghiệm cũng như hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, diễn đạt cảm xúc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy tính sáng tạo của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO