Phát huy vai trò nòng cốt

NHÃ PHƯƠNG 26/09/2018 04:44

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Quế Sơn đã vận động hội viên tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần tạo nên dấu ấn quan trọng trong tiến trình thực hiện mô hình nông thôn mới.   

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Quế Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Quế Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Nỗ lực phát triển kinh tế

Là địa phương có khu du lịch Suối Nước Mát - Đèo Le, có tuyến đường ĐT611 ngang qua nên hàng ngày thu hút nhiều du khách đến tham quan và thưởng thức món ăn đặc sản mang thương hiệu gà tre. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây HND xã Quế Long tích cực hỗ trợ nguồn vốn khuyến khích hội viên nhân rộng mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch HND xã Quế Long cho biết, xã hiện có hơn 70 mô hình này, quy mô thả nuôi của mỗi mô hình từ 100 - 500 con/lứa, cung cấp chủ yếu cho 12 quán kinh doanh gà tre Đèo Le. Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi gà thả vườn mang lại những kết quả đáng mừng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, điển hình như các hộ Phan Thị Tiền (thôn Xuân Quê 1), Trần Trung (thôn Xuân Quê 2), Nguyễn Văn Công và Lê Minh (thôn Lộc Thượng 1)… Bà Hạnh chia sẻ thêm: “Cùng với việc hình thành các mô hình chăn nuôi gà thả vườn, gà đẻ trứng, bò vỗ béo, heo thịt thì rất nhiều hộ dân còn chú trọng đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng gắn với việc xây dựng vùng chuyên canh cây hồ tiêu, mang về mức thu nhập 180 - 200 triệu đồng/năm/hộ, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương”.

Những năm qua, hội viên nông dân ở các nơi khác của Quế Sơn cũng tích cực thi đua lao động, sản xuất - kinh doanh. Ông Phạm Đình Bảy - Chủ tịch HND huyện Quế Sơn cho hay, từ năm 2013 đến nay đơn vị phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 242 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, mở 25 lớp dạy nghề trồng tiêu, chăn nuôi gà an toàn sinh học, trồng rau sạch, nuôi bò vỗ béo… cho hàng nghìn lượt nông dân. Ngoài ra, việc thường xuyên giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu, hội chợ... cũng đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản. Đặc biệt, các cấp hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 3.900 hộ nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ hiện nay là 94 tỷ đồng. Nhờ đó, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều gương điển hình vươn lên làm giàu với mức thu nhập hàng năm 200 - 300 triệu đồng/hộ. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Xuân Thành (Quế Long), hộ ông Nguyễn Thời (Quế Hiệp), hộ ông Trần Anh Hiệp (Quế Minh)… Ông Bảy nói: “Năm năm nay, HND huyện Quế Sơn đã giúp đỡ hơn 200 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đưa phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ngày càng lan tỏa trong cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2017 toàn huyện có 12.145 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp và qua bình xét có gần 6.000 hộ đạt danh hiệu này, tăng 11% so với chỉ tiêu đề ra”.

Nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới

Sau gần 3 năm cán đích nông thôn mới, xã Quế Xuân 1 không những giữ vững danh hiệu đạt được mà còn nâng tầm bộ 19 tiêu chí. Đặc biệt, địa phương tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Qua thống kê, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,36%, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện... Có thể khẳng định, thành quả đạt được đó có sự đóng góp không nhỏ của hội viên nông dân. Được biết, 5 năm qua hội viên nông dân của xã đã tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng nghìn ngày công đổ bê tông các trục đường giao thông nông thôn, tiêu biểu như các hộ Ngô Trung, Phạm Thị Yến, Lưu Văn Đông... Cạnh đó, HND xã Quế Xuân 1 phân công từng thành viên phụ trách công tác xây dựng vườn mẫu tại các khu dân cư kiểu mẫu. Nhờ vậy, nhiều hộ dân ý thức cao trong việc cải tạo nhà cửa, xây dựng cảnh quan vườn tược, chú trọng khâu vệ sinh môi trường, tạo nên những khu dân cư thông thoáng, sạch đẹp.

Tại xã Phú Thọ, HND làm nòng cốt trong việc thực hiện tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh. Bà Đinh Thị Phúc – Chủ tịch HND xã Phú Thọ cho hay, HND xã xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân tự quản như cổng an ninh trật tự, tuyến đường tự quản về an toàn giao thông, tiếng loa an ninh. Đồng thời đưa vào hoạt động 25 tổ tự quản, 3 tổ dân phòng, 7 tổ hòa giải ở thôn, xóm. Mặt khác, hội tổ chức cho hơn 85% hội viên nông dân ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; mạnh dạn nông dân tố giác tội phạm... Theo ông Phạm Đình Bảy - Chủ tịch HND huyện Quế Sơn, ngoài việc giao chỉ tiêu hàng năm mỗi xã vận động ít nhất 25% số hộ nông dân chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới, dấu ấn lớn nhất trong việc xây dựng mô hình này là từ năm 2013 đến nay các cấp hội đã vận động hội viên đóng góp 50 tỷ đồng, hơn 25.000 ngày công lao động và hiến 324ha đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổ bê tông đường giao thông, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng trường học cùng nhiều công trình khác phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Cạnh đó, xây dựng 352 điểm thu gom rác thải trên đồng ruộng, 35 mô hình chi hội nông dân tự quản bảo vệ môi trường, hỗ trợ 20 hội viên xây hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

NHÃ PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy vai trò nòng cốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO