Dù được xem là một trong những lĩnh vực động lực, nhiều năm, Quảng Nam vẫn loay hoay trong đầu tư và phát triển công nghệ thông tin (CNTT).
Ký kết hợp tác chiến lược về viễn thông - CNTT.Ảnh: B.L |
Thiếu kinh phí
Ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng CNTT Sở Thông tin - truyền thông cho biết: Có nhiều dự án/mô hình ứng dụng CNTT được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Cổng thông tin điện tử tỉnh (quangnam.gov.vn) và 18 huyện/thành phố đã đi vào hoạt động; phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp (Q-Office) đã được triển khai rộng rãi với 40/60 đơn vị ứng dụng. Về phần mềm “một cửa điện tử”, Hội An là đơn vị đi tiên phong, tiếp đến là Điện Bàn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Sở Kế hoạch - đầu tư… Toàn tỉnh có 20 đơn vị đã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 20 điểm cầu tại 18 huyện/thành phố và tại Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh (do Sở Thông tin - truyền thông quản lý) đang quản lý 11 server hệ thống máy chủ toàn tỉnh, quản lý hệ thống phần mềm, tức hệ thống bảo mật, hệ thống web với số lượng lên tới hàng trăm web…
Tuy nhiên, theo ông Trương Thái Sơn, thực tế việc đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT tại Quảng Nam hết sức khó khăn. Như đối với cổng thông tin điện tử của 18 huyện/thành phố, dù vẫn duy trì hoạt động, song để đánh giá những cổng thông tin điện tử này hoạt động có chất lượng, hiệu quả hay không thì phải dựa vào nhiều tiêu chí, nhất là căn cứ vào Nghị định 43/2011/NĐ-CP (quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước) để đánh giá trên nhiều tiêu chí. Hay với phần mềm Q-Office, đây vốn là dự án được UBND tỉnh phê duyệt đã lâu nhưng do kinh phí hỗ trợ còn khó khăn nên đến nay chỉ mới 40/60 đơn vị triển khai. Trong số đó, việc khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của hệ thống này cũng không nhiều. Một trở lực của ứng dụng và phát triển CNTT tại Quảng Nam chính là tình trạng đầu tư, ứng dụng thiếu đồng bộ. Chính tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm dẫn đến hạ tầng và mạng lưới CNTT thiếu đồng bộ, khó tích hợp vào hệ thống chung của tỉnh. Thêm một nguyên do, phần lớn cơ sở hạ tầng, mạng lưới CNTT tại Quảng Nam được đầu tư từ những năm 2004 - 2005, là sản phẩm từ Đề án 112, đến nay hạ tầng CNTT đã lạc hậu, cần nâng cấp. Ông Sơn dẫn chứng, ví như Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, hiện đang quản lý 11 server hệ thống các phần mềm ứng dụng chung cho tỉnh với hàng trăm website. Nhiều năm qua, trung tâm này đã phát huy hết công suất, dữ liệu đã đầy ắp nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, chưa được trang bị hệ thống dự phòng. Dù đội ngũ kỹ thuật viên CNTT của tỉnh đã nỗ lực duy trì hoạt động của trung tâm, song hiệu quả đem lại chưa cao do thiếu kinh phí. Hay như hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, cả tỉnh xây dựng được 20 điểm truyền hình, song đến nay hệ thống vẫn thiếu thiết bị dự phòng, thiếu kinh phí nâng cấp thiết bị đạt chuẩn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ tình hình mới…
Ưu tiên trọng tâm
Cũng theo ông Trương Thái Sơn, để tạo sự đồng bộ trong ứng dụng và phát triển CNTT, điều quan trọng là phải xây dựng một mô hình chung, phải có quy hoạch tổng thể để từ đó các sở ban ngành, địa phương xây dựng hệ thống CNTT đồng bộ, dễ tích hợp, liên thông. “Quan trọng, cần đặt ra lộ trình, cái nào làm trước, cái nào làm sau hợp lý, đặt tiêu chí lựa chọn lộ trình triển khai cụ thể, nếu không cái làm ra lại không phù hợp, rất lãng phí” - ông Sơn nói.
Mới đây, tại buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược về viễn thông - CNTT giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT), đánh giá về thực trạng ứng dụng CNTT tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cho biết: Tại Quảng Nam, tình hình phát triển về CNTT vẫn chưa khả quan, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hạ tầng CNTT phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, chất lượng một số dịch vụ cơ bản ở các huyện miền núi còn thấp, hiệu quả sử dụng thiết bị được đầu tư chưa cao. Công nghiệp CNTT chưa phát triển, công nghiệp phần mềm còn nhỏ lẻ, manh mún. “CNTT là lĩnh vực có thể đi tắt, đón đầu. Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội, chưa đầu tư phát triển xứng với tiềm năng của tỉnh. Nhiều tiêu chí quan trọng còn đứng ở vị trí thấp. Cụ thể, ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân và doanh nghiệp mới đứng ở vị trí 37/63 tỉnh, thành. Cung cấp thông tin, hỗ trợ người sử dụng ở vị trí số 33. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng ở vị trí thứ 32. Nguồn nhân lực CNTT ở vị trí thứ 43/63 tỉnh, thành cả nước. Thời gian tới, cụ thể là trong năm 2015 trở đi, Quảng Nam sẽ chú trọng việc ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những ưu tiên trọng tâm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín chỉ đạo.
BÍCH LIÊN