Phát triển đô thị Điện Bàn: Khai phá tiềm năng du lịch

VĨNH LỘC 15/03/2014 11:14

Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch, tuy nhiên để biến những tiềm năng của Điện Bàn trở thành sản phẩm du lịch cụ thể vẫn là chặng đường dài phía trước.

Vừa phát triển vừa hoàn thiện

So với các huyện, thành phố trong tỉnh, Điện Bàn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một trung tâm du lịch. Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi khi cách TP.Đà Nẵng không xa và nằm giữa “con đường di sản” kết nối Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, Điện Bàn còn sở hữu những tài nguyên thiên nhiên, nhân văn nổi bật. Có thể kể đến bờ biển hoang sơ dài hơn 8km cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa như tháp Bằng An, Dinh trấn Thanh Chiêm hay hàng chục làng nghề, ẩm thực đặc sắc… Đặc biệt, trong số 13 sản phẩm du lịch mới được Quảng Nam đưa vào quảng bá khai thác năm 2013, huyện Điện Bàn chiếm đến 3 sản phẩm là Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây; Không gian nhà Việt – Vinahouse và Bảo tàng Điện Bàn.

Bãi biển Hà My được xem là một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ của Quảng Nam.Ảnh: VĨNH LỘC
Bãi biển Hà My được xem là một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ của Quảng Nam.Ảnh: VĨNH LỘC

Tuy nhiên, theo ông Cao Thanh Tấn  - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, dù sở hữu nhiều giá trị văn hóa lịch sử nhưng hầu hết chỉ dưới dạng tiềm năng, để đưa vào khai thác là một quá trình dài vừa phát triển vừa hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động du lịch tại các làng nghề như đúc đồng Phước Kiều; gỗ Nguyễn Văn Tiếp, Âu Lạc; gốm Lê Đức Hạ… hay quy hoạch tour tuyến, phát triển sản phẩm lưu niệm, đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn, thuyết minh tại điểm vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung hoàn chỉnh. “Tiềm năng du lịch Điện Bàn thì ai cũng thấy nhưng để biến thành lợi thế cụ thể thì không hề đơn giản, điều này cần phải có thời gian và nhiều yếu tố khác” - ông Tấn thừa nhận.

Ông Lê Ngọc Tường – Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL) cho rằng, cái thiếu nhất của du lịch Điện Bàn hiện nay là chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch; công tác giải phóng mặt bằng những dự án du lịch lớn còn chậm nên nhiều nhà đầu tư dè dặt khi đầu tư du lịch tại đây. Đặc biệt, vì chưa định hướng được sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương nên không thể xây dựng chiến lược phát triển và cạnh tranh lâu dài. “Điện Bàn không thể phát triển du lịch văn hóa kiểu Hội An vì khó cạnh tranh cũng như không thể xây dựng các khách sạn to lớn vì chắc chắn sẽ không qua được TP.Đà Nẵng” - ông Tường so sánh.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Thực tế cho thấy, ngoài những điểm du lịch do doanh nghiệp quản lý (Triêm Tây, Vinahouse…), các điểm du lịch còn lại như Bảo tàng huyện, nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ hay tháp Bằng An dù đã đưa vào hoạt động nhưng hiệu quả còn thấp; việc phát triển du lịch giữa vùng đông và vùng tây chưa có sự cân đối đồng đều; các tuyến điểm tham quan chưa hình thành rõ nét hoặc kết nối để có thể tạo nên sản phẩm thật sự hấp dẫn. Theo ông Cao Thanh Tấn, để nâng cao chất lượng điểm đến, năm 2014 ngoài việc tăng cường quảng bá, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cảnh quan tại các điểm du lịch. Cụ thể, triển khai xây dựng công viên tháp Bằng An với các hạng mục như vườn hoa, cây cảnh, sân vườn, bãi giữ xe…; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, vệ sinh, môi trường tại bãi biển Hà My (Điện Dương), kinh phí dự kiến khoảng 3 tỷ đồng. Tại các điểm khác như nhà Mẹ Thứ, nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi, Nghĩa trang Điện Bàn, mộ Trương Công Hy, nhà lưu niệm Hoàng Diệu … cũng sẽ được đầu tư, bổ sung các hiện vật liên quan nhằm tạo sự phong phú, đa dạng điểm đến. “Bên cạnh việc khai thác những lợi thế vốn có, huyện sẽ tập trung xây dựng du lịch Điện Bàn phát triển theo hướng văn hóa, lịch sử, sinh thái và tâm linh để tạo sự khác biệt với các địa phương khác” - ông Tấn cho biết.

Còn theo ông Lê Ngọc Tường, để du lịch Điện Bàn phát triển vấn đề quan trọng nhất là nhanh chóng thúc đẩy sự liên kết với doanh nghiệp du lịch thông qua các chính sách ưu đãi về giá cả, dịch vụ; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng. Địa phương phải làm “bà đỡ” để doanh nghiệp hoạt động. Song song với việc hoàn thiện điểm đến, công tác quảng bá xúc tiến cũng cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hội nghị du lịch nhằm kết nối với doanh nghiệp và nhà đầu tư để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với địa phương và đưa khách đến. “Quan trọng là phải có khách đến khi đó mới có thể biết khách cần gì và điểm du lịch thiếu gì để hoàn thiện” - ông Tường nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển đô thị Điện Bàn: Khai phá tiềm năng du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO