Trong quá trình xây dựng, diện mạo đô thị Hội An đã có nhiều thay đổi. Hội An đang phát triển theo định hướng đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch giàu bản sắc.
Không gian vườn tượng An Hội.Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Hội An là một trong số các đô thị đặc thù của Việt Nam, với một “di sản sống” là khu đô thị cổ có người ở, và một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện Hội An có diện tích hơn 60km2 với khoảng 10 vạn dân.
Xác định yêu cầu phát triển thành phố theo hướng vừa giữ gìn cẩn trọng khu phố cổ vừa mở rộng liên hoàn các khu đô thị mới, đảm bảo phát huy bản sắc riêng và yếu tố hiện đại bền vững, nhiều năm qua Hội An đã tăng cường công tác quản lý từ khâu quy hoạch, ban hành quy chế, tổ chức quản lý, vận động nhân dân thực hiện để giải quyết các vấn đề bức xúc về đô thị. Qua đó đã đem lại những kết quả đáng phấn khởi về quản lý và phát triển đô thị.
Thực tiễn cho thấy, vai trò, hiệu quả quản lý của Nhà nước cùng trình độ, nhận thức và thái độ tuân thủ pháp luật của nhân dân trong công tác xây dựng, kiến trúc là những yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển đô thị của Hội An. Hiện nay không gian thành phố đã được mở rộng so với trước, từ chỗ chỉ có 10 xã phường đến nay đã tăng lên 13 đơn vị gồm 9 phường và 4 xã với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn và hải đảo ngày càng khởi sắc. Có 5 tiểu vùng được xác định gồm khu đô thị trung tâm, vùng phụ cận, khu vực đô thị bờ biển - ven sông Cẩm An – Cửa Đại, khu làng quê Cẩm Thanh – Cẩm Kim và vùng biển đảo Cù Lao Chàm. Các tiểu vùng này đã gắn kết, tương tác với nhau tạo động lực để thành phố phát triển đồng đều và ổn định. Các khu dân cư cũ ở Sơn Phong, Cẩm Phô, khu đô thị mới ở Minh An, Tân An, Cẩm Châu... đã được đầu tư chỉnh trang; các làng nghề truyền thống, vùng quê sinh thái, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được tôn tạo, khoanh vùng quản lý, bảo vệ nghiêm. Quy mô, cấu trúc không gian và mỹ quan đô thị nhờ vậy được giữ gìn, tôn tạo và phát triển, góp phần tích cực phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các công trình kiến trúc từng bước được cải tạo, xây mới khang trang với kiểu thức kiến trúc phong phú, đa dạng nhưng cơ bản vẫn giữ được sắc thái riêng có.
Phố bên sông Hoài. |
Chủ tịch UBND TP.Hội An - Nguyễn Văn Dũng cho biết, kế thừa và phát huy định hướng phát triển đô thị Hội An với 5 tiểu vùng đó, hiện nay Hội An đã có hướng điều chỉnh phân vùng phát triển thành 3 khu vực gồm: đô thị, biển đảo và làng quê. Chủ trương chung là phát triển 3 khu vực phải bảo đảm đúng định hướng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững, nhằm mục tiêu vừa bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ, vừa chỉnh trang mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê.
Nhưng Hội An cũng đang đối mặt với những thách thức trong quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Lũ lụt là mối đe dọa thường xuyên đối với đô thị cửa sông - ven biển này. Mật độ dân số hiện cao gấp 7 lần mức bình quân của cả nước và gấp gần 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới. Sự phát triển kinh tế “quá nóng” ngay trong lòng di sản đã làm mất cân bằng. Khoảng cách phát triển, sự phân cực giàu nghèo giữa cộng đồng dân cư nội thành và ngoại ô, giữa phố cổ với phần còn lại cũng đang là vấn đề nan giải... Trong bối cảnh đó, Hội An định hướng xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư. - Bí thư Thành ủy Kiều Cư cho biết: “Hội An đang đứng trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp. Do vậy cần phải lựa chọn những công trình, dự án quan trọng để tập trung đầu tư. Theo đó, cần thực hiện khẩn trương việc quy hoạch thành phố và quy hoạch xã đảo Tân Hiệp, sớm hoàn thiện nội dung đề xuất với trung ương một số cơ chế chính sách, ưu đãi cho Hội An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và những năm tiếp theo. Tích cực tranh thủ tỉnh và trung ương xúc tiến nhanh các công trình và các dự án lớn”. Hội An cũng xác định, trong những năm tới phải trở thành đô thị loại 2 và là một thành phố có bản sắc, kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa trên cả 2 mặt: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
ĐỖ HUẤN