Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 191 (20.4.2011) của HĐND tỉnh về một số cơ chế đối với thành phố tỉnh lỵ đến năm 2015, có thể nói cơ chế riêng cho phát triển đô thị Tam Kỳ vẫn chưa giúp cho thành phố phát triển như mong đợi.
Chưa đủ “đô”
Báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh tại buổi làm việc vừa qua, UBND TP.Tam Kỳ cho biết thành phố đã thực hiện theo đúng thẩm quyền trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; phân cấp trong quản lý đầu tư, cấp phép xây dựng; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, giúp cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Về các cơ chế tài chính, UBND TP.Tam Kỳ cho rằng Nghị quyết 191 đã góp phần đáng kể cho thành phố phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Cụ thể, từ 10 tỷ đồng/năm nguồn kiến thiết thị chính trước đây đã tăng lên 20 tỷ đồng, giúp thành phố có điều kiện tập trung đầu tư cho các dự án chỉnh trang đô thị cấp thiết như hoàn thành đầu tư nâng cấp và khớp nối các tuyến giao thông đô thị, nâng cấp vỉa hè, mương thoát nước, điện chiếu sáng, kiệt hẻm nội thị. Thành phố còn được cấp bổ sung 2,1 tỷ đồng từ nguồn 70% tiền thuê đất nộp một lần (thu của Công ty Phước Kỳ Nam), hơn 4,4 tỷ đồng từ nguồn cấp lại 100% cho thành phố từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố do tỉnh quản lý (bán nhà 542-544 đường Phan Châu Trinh).
Đường N10 thi công dở dang kéo dài do thiếu vốn. Ảnh: X.PHÚ |
Nghị quyết 191 của HĐND tỉnh đã giúp cho TP.Tam Kỳ có điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển đô thị nhờ một số cơ chế thông thoáng và ưu đãi. Tuy nhiên, có thể thấy cơ chế này đến nay vẫn chưa đủ “đô” để tạo ra cú hích thật sự cho đô thị tỉnh lỵ phát triển. Theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, nguồn kiến thiết thị chính tăng lên 20 tỷ đồng/năm từ năm 2012 đến nay nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ về vốn đầu tư của nhu cầu phát triển đô thị do kết cấu hạ tầng đô thị chưa được đầu tư và xuống cấp nhiều. Nguồn để lại cho thành phố 70% tiền thuê đất sau 3 năm cũng chỉ có được 1 trường hợp với 2,1 tỷ đồng, trong khi một số công trình, trụ sở của các sở, ban, ngành của tỉnh không còn sử dụng khi xây trụ sở mới hoặc không còn nhu cầu sử dụng lại không chuyển giao cho thành phố quản lý như quy định. Ngay cả việc ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư 1 - 2 công trình quan trọng trên địa bàn Tam Kỳ như nghị quyết nêu ra nhưng đến nay chỉ mới hỗ trợ được 1 công trình với số tiền khá nhỏ, thậm chí 2 năm gần đây không thực hiện.
“Nếu không nói những khó khăn của TP.Tam Kỳ hiện nay có lẽ nhiều người chưa hiểu hết. Chẳng hạn, dự án mở rộng quốc lộ 1 Tam Kỳ tốn 13 tỷ đồng để mở rộng mặt bằng qua địa bàn; hay dự án cầu Kỳ Phú 1 và 2 thành phố trước đây chỉ gánh 10 tỷ đồng nay tăng lên 30 tỷ đồng cho công tác đền bù giải tỏa. Tam Kỳ tiền ít nhưng phải chi nhiều hơn các địa phương nên khó khăn là điều đương nhiên”- ông Nguyễn văn Lúa chia sẻ.
Tăng nguồn lực
Rõ ràng, cơ chế theo Nghị quyết 191 chưa tạo được nhiều nguồn lực cho TP.Tam Kỳ đầu tư phát triển, nguồn lực được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh thì còn quá ít và thấp so với nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, để thành phố đạt các tiêu chí của đô thị loại II, tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ đề nghị quan tâm hỗ trợ, xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 191. Cụ thể, nâng nguồn kiến thiết thị chính cho thành phố từ 20 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng/năm nhằm giúp cho thành phố đầu tư hạ tầng đô thị; để lại 100% tiền sử dụng đất sau khi trích nộp quỹ phát triển đất (nghị quyết là 70%); tỉnh hỗ trợ đầu tư 20 tỷ đồng để hoàn thành công trình đường N10 trong năm 2015 và 3 công trình khác gồm hạ tầng khu du lịch Hạ Thanh 10 tỷ đồng, địa đạo Kỳ Anh 5 tỷ đồng, Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố 5 tỷ đồng. Thành phố cũng đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 191 đến năm 2020. Ngoài ra, còn kiến nghị xem xét, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cho thành phố được hưởng để chủ động hơn trong việc vận hành, bảo dưỡng các phương tiện xử lý thoát nước thải; giao kinh phí chi sự nghiệp môi trường hàng năm theo dự toán chi thực tế được duyệt; cân đối ngân sách để xây dựng khu trung tâm TD-TT thành phố.
Ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh chia sẻ: “Nghị quyết 191 sẽ kết thúc vào năm 2015. Tuy nhiên, nếu TP.Tam Kỳ vẫn chưa đạt các yêu cầu để trở thành đô thị loại II thì có thể HĐND tỉnh sẽ xem xét kéo dài thời gian nghị quyết” - ông Tâm nói.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng, Tam Kỳ là thủ phủ của tỉnh nên tập trung đầu tư xây dựng Tam Kỳ là trách nhiệm của tỉnh, các ngành chức năng chứ không riêng gì của thành phố. Vì vậy, có cơ chế riêng cho phát triển đô thị Tam Kỳ là hoàn toàn hợp lý. Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho TP.Tam Kỳ đầu tư phát triển, đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, xứng tầm là đô thị tỉnh lỵ. Về các kiến nghị, đề xuất của TP.Tam Kỳ liên quan đến cơ chế chính sách đối với TP.Tam Kỳ theo Nghị quyết 191, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho biết “sẽ đưa ra xem xét, bàn bạc tại kỳ họp của HĐND tỉnh sắp tới”.
XUÂN PHÚ