Các tộc người Cơ Tu ở Tây Giang vốn là cư dân lâu đời ở nơi rừng thiêng Đông Trường Sơn. Từ quá trình tương tác, tích lũy kinh nghiệm sống giữa con người (chủ thể văn hóa) với môi trường sống (làng bản không gian sống), người Cơ Tu ở Tây Giang đã tích lũy và sáng tạo nên các giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng cho tộc người mình. Điều đặc biệt và khá thú vị ở đây, văn hóa làng của người Cơ Tu không bao giờ tách rời với môi trường thiên nhiên, thậm chí đến cả hòn đá vô hồn cũng có chủ, cũng có tâm nguyện và linh thiêng. Do vậy, từ sợi dây văn hóa từ làng, từ hơi thở sống của rừng đã kết nối bền chặt, gắn bó keo sơn với nhau tạo nên cho con người Cơ Tu có thêm tình yêu, sự gắn kết mãnh liệt với núi rừng, với bản làng nguồn cội của mình. Và chính từ tinh thần đoàn kết đó, sự sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật, và lao động sản xuất cộng với sức sống bền bỉ từ môi trường, làng văn hóa Cơ Tu đã luôn được khơi dậy và phát triển không ngừng.
Văn hóa Cơ Tu là nền tảng tinh thần, là yếu tố quan trọng để du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững. |
Để xác định đúng tầm quan trọng và có hướng phát triển du lịch Tây Giang mang lại hiệu quả cao và bền vững, ngoài những yếu tố khác về cơ sở vật chất, giao thông đi lại, an ninh quốc phòng hay nguồn nhân lực làm du lịch… thì yếu tố về môi trường sống (rừng) và văn hóa làng của người Cơ Tu đóng vai trò hết sức quan trọng, nó là nền tảng quyết định sự thành bại của ngành du lịch huyện. Mất rừng, mất văn hóa làng đồng nghĩa với mất đi những nét văn hóa, bản sắc vốn quý của dân tộc. Mất rừng, mất văn hóa làng đồng nghĩa với mất đi môi trường sống cho ngành du lịch sinh thái cộng đồng phát triển. Và nguy hiểm hơn là có thể suy vong cả một tộc người.
Du khách tại điểm dừng chân Đỉnh Quế, cách trung tâm huyện Tây Giang 22km. Ảnh: P.PLÊNH |
Xây dựng du lịch ở Tây Giang từ văn hóa làng Cơ Tu, tức là xây dựng và phát triển con người, văn hóa Cơ Tu tiến bộ ở tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thời đại, theo quan điểm: “Không xa rời, bỏ quên văn hóa gốc, không lạ lẫm lai căng với văn hóa mới, không tách rời môi trường tự nhiên, nhất là những cánh rừng nguyên sinh; nói không với động thực vật quý hiếm”. Xây dựng và phát triển con người ở Tây Giang làm sao hài hòa giữa văn hóa bản địa (văn hóa làng) với văn hóa du lịch mang những nét hay riêng, đậm chất bản sắc dân tộc trở thành “món ăn tinh thần bổ ích thật sự” cho mọi đối tượng du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Tây Giang mà không bị pha lẫn với các vùng, các điểm du lịch lân cận, phải tạo dựng, đảm bảo tối đa cho các điểm, các khu du lịch ở Tây Giang từ nóc nhà dân, đến tận thôn, bản, làng văn hóa Cơ Tu từ xã, đến huyện và các tuyến đường liên xã, huyện luôn xanh, sạch, đẹp, trong lành, yên bình, thân thiện, mến khách. Xây dựng người dân Tây Giang văn minh, lịch sự, ứng xử có văn hóa, sống hòa hiếu, đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trên dưới thái bình; yên ấm, không trộm cắp, chửi bới, không ma túy, dị đoan, không gây mất đoàn kết, giữ vững an ninh trật tự ổn định… Tăng cường hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, nhất là lớp thanh niên mới lớn hiểu biết sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, làng văn hóa, điểm và khu du lịch đạt chuẩn, thân thiện với du khách,… từ đó có ý thức cao hơn để cùng chung tay, đồng sức đồng lòng giữ gìn văn hóa làng, tích cực xây dựng, bảo vệ và phát huy hơn nữa những thành quả mà cha ông, bản làng mình đã đạt được, đồng thời biết cách tiếp cận với trào lưu văn hóa mới có chọn lọc kỹ lưỡng hơn, góp phần xây dựng văn hóa, con người Tây Giang ngày càng phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn.
Xây dựng du lịch ở Tây Giang từ văn hóa làng Cơ Tu, từ môi trường tự nhiên trù phú đã ban tặng; làm sao mỗi thôn, làng, các giá trị văn hóa, di sản của người Cơ Tu, mỗi cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm như rừng pơmu, rừng lim, mỗi tên sông, suối, núi đồi, thác suối mát, địa chỉ đỏ lịch sử cách mạng là một điểm đến hấp dẫn, thú vị. Cùng với đó, mỗi người dân Tây Giang trở thành một hướng dẫn viên du lịch gần gũi, thân thiện và nồng hậu để mỗi du khách nhất là du khách quốc tế khi đến mảnh đất Tây Giang có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu. Từ đó mới có điểm nhấn mới, lợi thế lớn để chính quyền huyện và Trung tâm Xúc tiến, đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương. Và khi đó các công ty lữ hành trong và ngoài nước mới dám đầu tư nhà hàng, khách sạn và có cơ hội phát huy hết mọi tiềm năng, lợi thế để du lịch Tây Giang phát triển nhanh và bền vững.
PƠLOONG PLÊNH