Phát triển giao thông ở Phước Sơn

CÔNG TÚ 04/12/2018 02:09

Nhận diện được điểm nghẽn, nhìn thấy hiểm họa mất an toàn giao thông đường bộ..., Phước Sơn tìm giải pháp khắc phục và tất nhiên chỉ dựa vào nội lực của địa phương là chưa đủ.

Đường bao trung tâm huyện Phước Sơn kết nối vào đường Hồ Chí Minh đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: C.TÚ
Đường bao trung tâm huyện Phước Sơn kết nối vào đường Hồ Chí Minh đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: C.TÚ

Đường đã  thông hơn

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hạ tầng giao thông vận tải của địa phương thời gian qua được chú trọng đầu tư. Cụ thể, ở các xã, có 162,4km mặt đường giao thông nông thôn (GTNT) được kiên cố bằng bê tông xi măng và nhựa; tương tự thị trấn Khâm Đức đang sở hữu 22,96km đường bê tông và nhựa. Đường ô tô đều đến trung tâm các xã, khi bề mặt 5 tuyến đường huyện (ĐH) dài 79,31km láng nhựa kết hợp bê tông xi măng, đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi. Điểm nhấn là trục dọc đường Hồ Chí Minh chạy trên địa phận 4 xã và 1 thị trấn dài 64km, riêng đoạn qua Khâm Đức rộng 22,5m. Một trục ngang chiến lược quốc gia khác qua Phước Sơn dài 27km chính là quốc lộ 14E. Rồi hàng ngày, nhiều chuyến xe khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh liền kề xuất phát từ Hội An, Tam Kỳ hay TP.Đà Nẵng vận chuyển hành khách lên phố núi và ngược lại. Để đáp ứng nhu cầu đậu đỗ, điểm dừng chân của người và phương tiện, một bến xe được huyện triển khai xây dựng ven đường Hồ Chí Minh và đang hoàn thiện một số hạng mục cuối cùng nhằm đưa vào khai thác.

Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, nhìn chung các tuyến đường xây dựng đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao thông đi lại nội bộ trong vùng huyện, góp phần giao thương hàng hóa từ các xã vùng cao tới vùng thấp, tạo động lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, thuận lợi cho nhân dân đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị trấn Khâm Đức đạt tiêu chuẩn loại 4 vào năm 2020, Phước Sơn tập trung nguồn lực xây dựng hoàn thành đường bao trung tâm huyện (còn gọi là đường tránh) nhằm mở rộng không gian đô thị, sắp xếp dân cư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trung tâm, tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn khu vực. Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) của địa phương, danh mục dự án cần đầu tư xây dựng cho những năm tới chủ yếu tập trung cho tuyến đối ngoại Phước Sơn - Trà Leng và 6 tuyến ĐH khác. Cùng với đó, kế hoạch kiên cố hóa chiều dài mặt đường GTVT còn lại cũng được vạch ra.

Tìm lời giải

Với các tuyến giao thông đang hiện hữu, những điểm nghẽn đã được nhận diện. Đơn cử như đường Hồ Chí Minh, Tổng cục đường bộ Việt Nam chưa có biện pháp xóa triệt để một số điểm đen tai nạn; chẳng hạn như mất an toàn giao thông đoạn qua khu vực đèo Lò Xo, ranh giới giữa Phước Sơn và tỉnh bạn Kon Tum. Thực trạng trên đã được lãnh đạo Tỉnh ủy phản ánh và kiến nghị với Bộ trưởng GTVT tại buổi làm việc tổ chức vào ngày 9.3 năm nay. Trước đây Phước Sơn từng đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng một trạm dừng nghỉ khu vực đèo Lò Xo, để tài xế khi điều khiển phương tiện đến đó dừng lại nghỉ ngơi rồi mới di chuyển tiếp qua đèo. Tương tự như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E có độ dốc lớn, sạt lở taluy thường xuyên xảy ra cũng cần có giải pháp hóa giải tối ưu để tránh gây chia cắt lưu thông dài ngày, ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Trên quốc lộ này, một số đoạn xuống cấp và hẹp cần tiếp tục được nâng cấp, mở rộng.

Có thể khẳng định, dù nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn từ Trung ương và tỉnh, hạ tầng GTVT Phước Sơn vẫn chưa đáp ứng tốt nhất để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế phía tây. Chẳng hạn, mật độ đường vẫn thấp hơn so với mặt đường chung của tỉnh. Mặt đường giao thông liên xã hẹp, nhiều đoạn cong gấp khuất tầm nhìn, mùa mưa có nguy cơ sạt lở taluy dẫn đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Cạnh đó, chất lượng đường vẫn còn ở mức thấp, hệ thống cầu cống đường GTNT chưa hoàn chỉnh, nhiều ngầm tạm qua sông suối. Mức chi phí cho duy tu, bảo dưỡng hạn chế nên công trình xuống cấp nhanh. Nguồn lực của Phước Sơn thì có hạn, chính vì thế lãnh đạo huyện kiến nghị tỉnh phân bổ thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm. Ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy đường bao trung tâm huyện xây dựng mới, đoạn nối tiếp đường Võ Nguyên Giáp đến giáp lý trình km1376+800, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Nhưng hiện nay, toàn tuyến nằm trong quy hoạch này chưa khai thác dù đã thông suốt gần 4km. Ông Nguyễn Quảng thông tin, cung đường chưa khai thác vì còn đang chờ Tổng cục đường bộ Việt Nam cấp phép cho đấu nối vào lý trình km1376+800, đường Hồ Chí Minh. Mọi thủ tục xin cấp phép từ huyện đến tỉnh đã gửi ra Trung ương. “Đường bao này còn là tuyến phân luồng lưu thông khi đường Hồ Chí Minh gặp sự cố gây ách tắc. Chúng tôi rất mong cấp có thẩm quyền xem xét, sớm giải quyết để đưa công trình vào vận hành” - ông Nguyễn Quảng kiến nghị.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển giao thông ở Phước Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO