Phát triển hệ thống chợ: Cần khắc phục những điểm yếu

NGUYỄN QUANG VIỆT 05/12/2017 09:24

Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đang góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chợ tự phát ở tổ 1 (thôn Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình) tồn tại lâu nay gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Biên Thực
Chợ tự phát ở tổ 1 (thôn Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình) tồn tại lâu nay gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Biên Thực

Thiếu và yếu

Theo quy hoạch của UBND tỉnh, huyện Thăng Bình có 30 chợ bố trí ở 22 xã, thị trấn, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ có 22 chợ đang hoạt động. Đến nay các xã Bình Phục, Bình Hải, Bình Định Nam, Bình Chánh chưa có chợ được xây dựng bài bản để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Nam cho biết, do không có chợ nên lâu nay người dân phải đến mua sắm ở chợ trên địa bàn xã Bình Phú, Bình Trị, chợ Hà Lam (thị trấn Hà Lam), vừa cách trở, tốn công lại tốn thêm chi phí. Một số tiểu thương đã họp chợ tạm sát UBND xã vừa mất thẩm mỹ, vừa tác động xấu đến môi trường sinh thái của người dân xung quanh. “Chúng tôi kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng chợ bằng các ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều cái khó đã khiến cho nhà đầu tư chùn bước” - ông Việt nói. Ông Trương Công Thuận, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, tổ chức, sắp xếp hoạt động ở các chợ được nền nếp là không dễ. Có chợ được đầu tư tốn kém thì lại bỏ không. Các xã Bình Giang, Bình Trị có đến 2 chợ nhưng nhiều xã khác không thể có nguồn vốn đầu tư chợ. “Việc họp chợ của người dân thường theo thói quen, tập quán của họ. Chợ được trang bị đầy đủ tiện nghi nhưng người dân không đến mà lại họp chợ cóc ven đường. Nhu cầu họp chợ của người dân rất thất thường nên khó quản lý” - ông Thuận nói.

Người dân nông thôn huyện Thăng Bình chủ yếu phải mua sắm ở chợ Hà Lam.Ảnh: Q.VIỆT
Người dân nông thôn huyện Thăng Bình chủ yếu phải mua sắm ở chợ Hà Lam.Ảnh: Q.VIỆT

Chợ là nơi giao thương của số đông nên hay xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Quan sát nhiều chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy tình trạng ô nhiễm rất đáng báo động. Chợ Trạm (xã Tam Hiệp, Núi Thành) hoạt động rất bấp bênh vào thời điểm này là ví dụ. Xung quanh chợ, rác thải chất đống không có người dọn. Nước thải chảy lênh láng ra ngoài đường gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh. Chợ Tam Kỳ được xếp hạng 1 nhưng cũng hết sức lộn xộn. Ở đây chia thành 2 phân khu rõ rệt, khu vực có các ki ốt vải vóc, hàng dân dụng thì sạch sẽ, ngăn nắp còn khu vực buôn bán hải sản thì bừa bãi, nhơ nhớp. Đường Bạch Đằng và một số khu dân cư của người dân bị tiểu thương bán cá lấn chiếm vô tội vạ, mùi tanh, mùi hôi thối tràn ngập. Các chợ đều có ban quản lý chợ nhưng hoạt động rất cầm chừng nên tình trạng tùy tiện xả thải, vứt rác bừa bãi đã khiến cho xung quanh chợ bừa bộn rác, nước bẩn.

Cần chấn chỉnh

Hiện tại, toàn tỉnh có 154 chợ đang hoạt động, gồm 2 chợ hạng 1 ở TP.Hội An, TP.Tam Kỳ và 14 chợ hạng 2, 138 chợ hạng 3 bố trí ở các huyện, thị xã trên địa bàn. Công tác quản lý chợ tồn tại một số hạn chế như chưa giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường; số lượng chợ tạm, chợ cóc còn nhiều; không ít chợ không đảm bảo yếu tố phòng cháy chữa cháy, xuống cấp nghiêm trọng; công tác quản lý theo quy hoạch chợ ở một số địa phương còn lỏng lẻo; mô hình quản lý chợ, công tác thu - chi còn chưa chặt chẽ.

Theo Ban Quản lý chợ Trạm, chợ luôn đông đúc, không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Tam Hiệp mà còn phục vụ cho công nhân ở các khu công nghiệp và người dân các xã lân cận. Chợ này được xây dựng từ năm 1991, đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo. Các nhà vệ sinh quanh chợ hư hỏng, mái che của chợ không đảm bảo, đường vào chợ chật hẹp. Diện tích chợ quá nhỏ, sát đường quốc lộ, xe chữa cháy không vào được nên rất nguy hiểm nếu không may xảy ra tình huống bất ngờ. Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) đánh giá, chợ Trạm hoạt động rất bấp bênh vào thời điểm này, gây mất an toàn giao thông, nguy cơ cháy nổ có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, Ban Quản lý chợ Trạm cần phải khẩn trương tổ chức lại hoạt động. Theo đó, sắp xếp, bố trí lại các gian hàng, các khu vực kinh doanh hợp lý hơn. Lực lượng quản lý chợ cần chấm dứt tình trạng các tiểu thương cơi nới, lấn chiếm hành lang giao thông quốc lộ 1. Cùng với đó là nghiêm cấm thắp hương trong chợ, cải thiện nhà vệ sinh, ký hợp đồng quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải để đảm bảo hoạt động của chợ sạch sẽ hơn.

Còn về ô nhiễm ở chợ Tam Kỳ, lực lượng chức năng cho rằng, đã đề nghị UBND TP.Tam Kỳ chỉ đạo ban quản lý chợ nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại các hoạt động buôn bán cho bài bản, chấn chỉnh ngay tình trạng chợ cá hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường. “Ngành công thương quản lý quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn còn đối với từng chợ thì địa phương, chính quyền cơ sở phải quản lý, chấn chỉnh các bất cập xảy ra” - ông Cường nói.

Để khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống chợ trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống chợ Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, quan điểm là từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ yếu kém nhằm khai thác hiệu quả các chợ đang hoạt động. Phát triển thêm chợ mới trên cơ sở quy hoạch nhưng chú trọng đến yếu tố tập quán, nhu cầu trao đổi hàng hóa của từng địa phương. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động của chợ trong thời gian đến, các ngành chức năng cần xem xét, bố trí các chợ mới đúng địa điểm, đảm bảo không gian, kiến trúc, thuận tiện cho hoạt động mua bán hàng hóa của người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Các địa phương cần lập kế hoạch, phân kỳ đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa chợ theo quy hoạch và tổ chức bố trí ngân sách địa phương kết hợp với nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ hiệu quả. Cùng với đó là tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình sửa chữa cũng như xây mới các chợ, đảm bảo các quy định hiện hành.

Tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện sắp xếp, di dời chợ

Sáng 4.12, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cùng các ngành liên quan kiểm tra tình hình buôn bán kinh doanh, trật tự đô thị và việc sắp xếp, di dời tại các chợ trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, tình hình buôn bán kinh doanh tại các chợ trên địa bàn Tam Kỳ còn một số vấn đề vướng mắc. Trong đó, ngành hàng rau bên cạnh chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa) bị quá tải, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị. Cũng tại chợ Tam Kỳ, ngành hàng cá kết, tôm hồ làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Trong khi đó, đình chợ chính chợ Vườn Lài (phường An Sơn) buôn bán ế ẩm. Do vậy rất cần một phương án sắp xếp, di dời lại các ngành hàng để tiểu thương buôn bán ổn định. Sau khi lãnh đạo thành phố có chỉ đạo, Ban Quản lý chợ Tam Kỳ đã xây dựng phương án sắp xếp, di dời và đảm bảo trật tự đô thị tại các chợ. Các địa phương Phước Hòa, An Sơn cũng lên kế hoạch và thường xuyên ra quân lập lại trật tự, mỹ quan đô thị tại một số khu vực, tuyến đường xung quanh chợ. Đến nay, các phương án, kế hoạch đang được triển khai thực hiện và bước đầu nhận được sự đồng thuận cao từ phía tiểu thương. Sau khi kiểm tra, lãnh đạo thành phố yêu cầu ban quản lý chợ, các ngành liên quan như Đội quy tắc đô thị, Công an thành phố cùng các phường tiếp tục họp tiểu thương thông báo chủ trương, lấy ý kiến, tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận trước khi thực hiện phương án di dời. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cũng như hỗ trợ ban đầu đối với các tiểu thương di dời đến nơi buôn bán kinh doanh mới. (XUÂN TRƯỜNG)

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển hệ thống chợ: Cần khắc phục những điểm yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO