Câu hỏi có nên tiếp tục tồn tại mô hình trường THPT chuyên đã có câu trả lời chính thức khi Bộ GD-ĐT đề xuất đề án phát triển hệ thống trường chuyên trong giai đoạn tới tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 959 (24.6.2010) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 (tổ chức ngày 21.1).
Mô hình trường chất lượng cao
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, mục tiêu phát triển hệ thống trường THPT chuyên là xây dựng mô hình trường học có chất lượng cao, cơ sở vật chất đồng bộ, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Thực hiện đề án theo Quyết định 959, năm 2010 cả nước có 68 trường thì đến năm 2020 tăng lên 76 trường chuyên với số học sinh (HS) chuyên chiếm 2,7% số HS của cả nước.
Quảng Nam là một trong số các địa phương có 2 trường THPT chuyên là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển trường THPT chuyên, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đến chính sách hỗ trợ cho giáo viên, HS. Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông được phát triển theo mô hình trường chất lượng cao, là đầu tàu phong trào HS giỏi của tỉnh. Đến nay, nhiều HS của 2 trường THPT chuyên trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.
Mỗi tỉnh, thành phố hiện có ít nhất 1 trường chuyên, một số địa phương có từ 2 trường chuyên trở lên như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp… Chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn của trường chuyên ngày càng nâng cao, đặc biệt những năm qua tất cả HS dự thi quốc tế đều đạt giải.
Về phương hướng trong thời gian đến, Bộ GD-ĐT cho biết phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển hệ thống trường chuyên trong giai đoạn 2022 - 2032 nhằm phát huy hiệu quả chất lượng để xây dựng trường chuyên trở thành hình mẫu về mô hình trường chất lượng cao.
Trong 10 năm qua, các địa phương đều có chính sách đầu tư, phát triển trường chuyên. Như tại Hải Phòng, theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Lê Khắc Nam, Trường THPT chuyên Trần Phú xây dựng trên diện tích 4,2ha với kinh phí 400 tỷ đồng.
Thành phố có chính sách miễn học phí cho toàn bộ HS các cấp, chính sách đãi ngộ thầy cô giáo, HS đoạt giải quốc gia, quốc tế. Cụ thể, giáo viên ngoài tỉnh về giảng dạy tại trường chuyên của thành phố được hỗ trợ 300 triệu đồng. HS đoạt giải quốc gia được thưởng 50 - 40 - 30 - 20 triệu đồng tương ứng với các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích; huy chương vàng - bạc - đồng quốc tế được thưởng 500 - 400 - 300 triệu đồng.
Đào tạo nhân tài
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời điểm ông làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã “giật mình” khi có địa phương đề nghị giải tán trường chuyên vì bao năm không có giải quốc gia. “Bản chất trường chuyên là đào tạo nhân tài cho địa phương, đất nước” - ông Nhân nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, phải xác định rõ triết lý giáo dục của trường chuyên. Nếu trường chuyên chỉ dạy “gà nòi” để thi thố thôi thì HS sẽ thiếu kỹ năng, khi lên học đại học thua bạn bè.
“Triết lý đào tạo “gà nòi” hay nhân tài, theo tôi là nhân tài. Học chuyên gì cũng phải học giỏi ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng cần thiết khác” - GS.TS Nguyễn Đình Đức nói.
TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, mục tiêu của hệ thống trường chuyên là phát triển năng lực của người học một cách toàn diện, đi đầu trong đào tạo những con người có năng khiếu để trở thành nhân tài.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, qua 10 năm thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên đã tạo ra nhận thức về mô hình trường chuyên và được các địa phương đầu tư rất lớn. Qua đó tạo ra cú hích trong xây dựng đội ngũ, thực hiện đổi mới sự nghiệp GD-ĐT.
Thời gian tới cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, phát triển hệ thống trường chuyên là thành tố trong đổi mới GD-ĐT và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Cần tiếp tục đầu tư, phát huy vai trò đi đầu, lan tỏa trong hệ thống giáo dục phổ thông về phương pháp, cách thức tổ chức.
“Tránh quan điểm coi trường chuyên chỉ có giải thưởng mà là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tuyệt đối không chạy theo thành tích, tìm kiếm huy chương, giải thưởng..., hệ thống trường THPT chuyên là giáo dục phổ thông làm nền tảng cho phát triển con người. Đào tạo chuyên nhưng không thiên lệch, thực hiện giáo dục toàn diện kết hợp đào tạo mũi nhọn, phát huy cao nhất khả năng của từng HS” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.