Phát triển kinh tế - xã hội: Nỗ lực chặng nước rút

TRỊNH DŨNG 29/09/2017 09:04

Ngân sách sẽ hụt thu nhưng không đáng kể, khả năng sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng trở lại. Đó là dự báo khá lạc quan được công bố tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh hôm qua 28.9.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9.

Hụt thu không đáng kể

Thống kê cho thấy bức tranh kinh tế Quảng Nam 9 tháng qua diễn ra hai chiều đối nghịch. Thương mại, du lịch, dịch vụ tăng trưởng cao. Tổng doanh thu bán lẻ đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ước đạt 2.231 tỷ đồng, tăng 27,2% và dự tính cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 2.884 tỷ đồng, tăng 24,3% (tăng hầu hết trên các nhóm dịch vụ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,42% so cùng kỳ. Du lịch cũng không nằm ngoài quỹ đạo tăng trưởng với tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú đạt 4.234 nghìn lượt, tăng gần 32%. Song, ngành công nghiệp – một ngành đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của Quảng Nam đã không phát triển tương ứng. Sản xuất da giày, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, in, khai khoáng, nhóm cung cấp nước và xử lý rác thải, sản xuất và truyền tải điện tăng mạnh nhưng ngành chế biến, chế tạo giảm 7,8% (ngành sản xuất xe có động cơ giảm 15,5%). Điều này dẫn đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tiếp tục giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Và ngay trong nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ cũng có những chuyển động trái ngược. Nếu các sản phẩm từ da tăng 28%, phương tiện vận tải khác tăng 40%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,8% thì chế biến gỗ giảm hơn 20%, sản phẩm linh kiện điện tử (gần 52%), vải dệt thoi (hơn 13%). Ngoài ra, chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng tăng không đáng kể so với vài tháng trước.

Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, ngân sách năm 2017 chắc chắn sẽ hụt thu. Chín tháng qua đã thu khoảng 10.300 tỷ đồng, riêng Thaco nộp 6.000 tỷ đồng và khả năng chỉ có thể thu hơn 7.000 tỷ đồng từ công ty này trong năm 2017. Như vậy sẽ hụt từ Thaco khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng bù lại, thu từ các ngành sản xuất khác tăng hơn 1.000 tỷ đồng, nên dự báo số hụt thu không lớn. Tổng thu ngân sách nội địa đến cuối tháng 9 đạt 71,4% dự toán. Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm, liệu 28,6% dự toán còn lại có thể thu được hay không khi dư địa thu thuế dường như không còn nhiều là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại cuộc họp. Theo một phân tích khác, có thể con số thu ngân sách năm 2017 sẽ chạm mức kế hoạch khi dựa vào dự báo từ một cuộc khảo sát mới đây là ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ nhanh chóng tăng trưởng trở lại.

Nhanh chóng tháo gỡ sản xuất

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, tín hiệu tốt cho sản xuất công nghiệp vài tháng tới là hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cho việc gia tăng sản xuất, hoàn tất các hợp đồng hay cung cấp đơn hàng mới cho vài tháng tới... Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nhu cầu cấp điện cho sản xuất của Thaco, các dự án đầu tư vùng đông rất cao, nhưng việc thỏa thuận tuyến vẫn gặp trục trặc khiến doanh nghiệp phiền hà. Nếu không cấp đủ điện thì sẽ có nhiều dự án đứng bánh, khó có khả năng tăng trưởng như dự định.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, tăng trưởng kinh tế hay tăng thu ngân sách cao đều do sự đóng góp của doanh nghiệp. Ưu tiên số 1 trong hiện tại vẫn là việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, tháo gỡ nút thắt cho sản xuất là cả một vấn đề nan giải. Phải tìm cho ra cơ chế thoáng nhất, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu than phiền, tại sao công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất suốt mấy năm nay mà vẫn sai. Dân vẫn khiếu kiện. Ngân sách đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm việc này mà vẫn sai, vẫn không giải quyết nổi. Quản lý quy hoạch, hiện trạng đất đai còn quá nhiều lổ hổng. Nếu không thực hiện được điều này thì không thể đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hoặc buộc phải dừng dự án… Không thể để dự án đầu tư của doanh nghiệp chậm tiến độ vì sự thiếu trách nhiệm giải phóng mặt bằng của cơ quan quản lý, địa phương. Tất cả dự án, công trình đầu tư công, tư đều phải được gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Ngoài ra, dư địa tăng thu ngân sách vẫn còn khi còn nhiều khoản nợ đọng chưa thể thu hồi hoặc giải ngân tốt các dự án đầu tư. Nếu thực hiện tốt các công tác này thì dự báo sẽ có đủ khả năng để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế - xã hội: Nỗ lực chặng nước rút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO