Chín huyện miền núi Quảng Nam giống nhau nhiều điểm. Từ tự nhiên, nhân lực, vốn và cả cơ cấu kinh tế. Sự nỗ lực riêng lẻ của từng địa phương và cơ chế nhằm giảm nghèo cho miền núi thời gian qua tuy có mang lại kết quả nhưng thiếu sự liên kết, tổng thể thế mạnh tự nhiên của vùng và nguồn lực đầu tư bị phân tán. Công cuộc giảm nghèo luôn gặp khó khăn khi chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất. Nhiều người cảnh báo, nếu cứ tiếp tục đầu tư như hiện tại thì cũng sẽ hoài công và khó tạo thay đổi cho miền núi!
Người dân thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My trên đường về bản sau buổi lao động ở nương rẫy.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
THIẾU NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ
Không ít hội thảo đã được mở để bàn về sự phát triển miền núi, nhưng đã mấy chục năm qua vẫn chưa thấy nhiều sự thay đổi. Lý do đưa ra vẫn là chuyện thiếu nguồn lực, thiếu tích lũy nội tại và thiếu sản phẩm...
Lực cản
Theo thống kê sơ bộ, giá trị công nghiệp chỉ chiếm 1% so với tỷ lệ 12,8% của giá trị sản xuất nông nghiệp cho thấy nông, lâm nghiệp “thống lĩnh” cơ cấu kinh tế miền núi, vùng cao nhiều năm qua. Công nghiệp và thương mại dịch vụ chỉ ở hàng thứ yếu, hầu như chưa có gì đáng kể. Con số 5.665 tỷ đồng tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho 9 huyện miền núi trong vòng 3 năm qua (2012 - 2015), đạt suất đầu tư bình quân 19,2 triệu đồng/người thông qua các chương trình, dự án đã tạo đà để kinh tế - xã hội vùng này phát triển, giải quyết được an ninh lương thực tại chỗ. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư ấy vẫn chưa thể tạo nên diện mạo mới cho miền núi, khi nền sản xuất vẫn lạc hậu, chất lượng lao động kém, đại bộ phận người dân còn sản xuất nương rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên, trình độ dân trí thấp, khó chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên khó khăn, phức tạp, điểm xuất phát còn thấp, người dân vẫn tồn tại tập quán lạc hậu… đã cản trở quá trình thực thi các chính sách về đến cơ sở. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư có hạn, chưa tập trung mạnh cho sản xuất, thiếu định hướng để khơi động lực cho doanh nghiệp đầu tư… cũng là những lực cản khiến chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền núi và đồng bằng ngày càng kéo dãn ra.
Giao thông kết nối thông suốt đã kéo miền núi gần hơn với miền xuôi nhưng chưa thể xóa độ giàu nghèo đang phân hóa giữa hai vùng.Ảnh: T.D |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2012/HĐND ngày 19.9.2012 về chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi của Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016 và định hướng đến năm 2020 đã có những đóng góp tích cực, góp phần thay đổi diện mạo khu vực miền núi và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có đến 8/19 tiêu chí đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33% (mục tiêu đề ra 2016 là 36%), dự kiến có thêm 3 tiêu chí đạt. Còn lại 8/19 không đạt: tỷ lệ thôn văn hóa, số giường bệnh/vạn dân, số bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ hộ được xem truyền hình, xã có điện, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ độ che phủ rừng.
Khó tìm giải pháp
Theo nhận định của các nhà hoạch định chính sách, Nhà nước đã kéo giảm khoảng cách cô lập địa hình giữa miền núi với nhau, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ được sự “cô lập về dân trí”. Đầu tư hạ tầng chỉ là một phần và nó không quyết định được số phận của miền núi có phát triển được hay không mà chính nhân lực mới là điều quyết định. Nhưng giải pháp cụ thể để xóa khoảng cách dân trí như thế nào thì vẫn là chuyện khó. Miền núi Quảng Nam có đủ sản phẩm giàu tính cạnh tranh để phát triển như quế Trà My, cây ba kích, sâm Ngọc Linh… nhưng ít có động lực để phát triển. Nhiều người cho rằng hướng đi hiện nay là đưa ra những mô hình cụ thể, hướng dẫn cho người dân làm ăn mới là giải pháp hữu hiệu. Nếu không thì đầu tư đến mấy cũng không hiệu quả và Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để đầu tư hết những yêu cầu của miền núi.
Ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, kinh tế miền núi có tăng trưởng, nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Sau 5 năm, một bảng chiến lược phát triển nhằm huy động, sử dụng đa dạng hóa nguồn vốn để tạo dựng các cụm, ngành, đô thị động lực, giảm sự chênh lệch vùng miền, kết nối đô thị nông thôn phát triển công bằng từng được xác lập đã không thể thực hiện được. Những con đường xuyên đông - tây chỉ đủ để rút ngắn khoảng cách thời gian, nhưng chưa đủ để giảm độ chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền. Các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, miền núi kém phát huy hiệu quả, không đủ lực tác động, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực này. Chủ trương, chính sách cũng như những hỗ trợ trực tiếp thông qua các chương trình đầu tư phát triển chưa thể tác động trên diện rộng, chưa mang lại cơ hội phát triển cho số đông hay cộng đồng dân cư toàn vùng. Ngân sách tỉnh hạn chế nên phúc lợi xã hội vẫn chủ yếu dựa vào chính sách và ngân sách trung ương. Tổng nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2012 - 2020 theo đề án và Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND ngày 19.9.2012 cần đến hơn 17,6 nghìn tỷ đồng sẽ được chia ra hai giai đoạn (2012 - 2015 với vốn 6.507 tỷ đồng và 2016 - 2020 hơn 11.135 tỷ đồng), tập trung ưu tiên đầu tư cho công trình hạ tầng, với cơ cấu: từ 20 - 25% cho công trình giao thông, 10 - 15% công trình thủy lợi, 15 - 20% công trình giáo dục, dạy nghề, 10 - 15% công trình y tế và 30 - 35% cho các công trình khác. Còn nhu cầu vốn đầu tư quy hoạch xây dựng đến năm 2030 khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng cũng sẽ được phân kỳ đầu tư từ 6.817 tỷ đồng (2012 - 2015) sẽ lên 14.542 tỷ đồng (2016 - 2020) và 54.548 tỷ đồng (2021 - 2030). “Tất cả địa phương đều có nhu cầu đầu tư, tất cả đều kêu khó nhưng cơ quan quản lý hiện rất lúng túng. Vì thế dù rất muốn gia tăng đầu tư để kết nối liên vùng, nội vùng, tạo động lực phát triển vẫn khó thực hiện. Vốn đầu tư tăng chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Số vốn đầu tư này vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Không dễ hiện thực hóa đầu tư” - ông Dũng nói.
GIẢM NGHÈO ĐƯỢC KHÔNG?
Theo quan điểm của nhiều người, khoan nói đến chuyện thu hút doanh nghiệp đầu tư hay mở rộng sản xuất mà tìm cách giải quyết nghèo đói mới chính là động lực cần nhất cho miền núi.
Đời sống người dân vùng núi còn thấp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Dân tìm được sinh kế
Dân nghèo trên Trà Linh (Nam Trà My) vẫn thường kháo nhau về “hiện tượng” Hồ Thái Ba (thôn 3, Trà My). Từ người nghèo khó, Hồ Thái Ba đã trở thành ông chủ của một trang trại trồng sâm Ngọc Linh với thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Hay Bríu Hùng (xã Lăng, Tây Giang), trồng 20ha cây ba kích dưới tán rừng, tin tưởng rằng sau 3 năm canh tác, mỗi héc ta có thể cho thu nhập đến cả tỷ đồng…
Có thể thu nhập của những người nghèo trên đỉnh mù sương Trà Linh xa xôi hay những vùng đất khác trên đại ngàn miền tây chưa đủ để họ thoát nghèo nhưng những đồng vốn vay, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai ở miền núi đã tạo dựng nên điểm tựa cho dân nghèo nuôi khát vọng đổi đời. Ý thức đổi mới phương thức sản xuất, thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm, đã bắt đầu bén rễ ở nhiều người và họ đã không ngần ngại lên các kế hoạch, dự định cho hành trình thoát nghèo. Theo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, hiện miền núi đã hình thành nhiều mô hình kinh tế vườn, trang trại, gia trại, vùng chuyên canh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò, dê, trồng keo, chè, bắp lai, cây dược liệu như đẳng sâm, ba kích… Các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của miền núi. Tuy nhiên, nhìn tổng thể miền núi vẫn đang loay hoay với công cuộc thoát nghèo.
Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, nguồn lực hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, định mức hỗ trợ thấp, phân bổ chưa kịp thời, tiến độ giải ngân vốn phát triển sản xuất chậm. Kết quả một số chính sách như cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển một số cây trồng gắn kinh tế vườn, trang trại đạt tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp của UBND tỉnh chưa mang lại hiệu quả, không phù hợp với miền núi. Trong số 1.151 máy móc các loại đã hỗ trợ, khu vực miền núi chỉ có 264 máy, nguồn vốn hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, chiếm 5,66%. Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho hay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao đất, giao rừng cho người dân đang là động lực thúc đẩy người dân sống bằng nghề rừng, nhưng đơn giá giao khoán bảo vệ rừng ở các lưu vực thủy điện chênh lệch khá lớn, mức chi trả thấp, chưa đủ để người dân gắn bó giữ rừng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ miền núi chồng chéo, dàn trải, trùng lắp đối tượng vì quá nhiều cơ quan quản lý và vốn chưa phân bổ kịp thời. Mức sống dân cư thông qua chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người có tăng và vượt mục tiêu đề ra nhưng quy mô vẫn rất nhỏ (12,27 triệu đồng/người/năm), ước đạt 50% thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh.
Loay hoay kế sách giảm nghèo
Kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 22%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm đã được đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 ở miền núi. Bài toán này đã được đặt lên bàn nghị sự. Nhiều cơ quan quản lý và địa phương cho rằng cần chuyển đổi rừng sản xuất bằng việc phát triển lâm sản dưới tán rừng gắn với những cây dược liệu. Điều này sẽ tạo ra sinh kế cho đồng bào và là nền tảng vững chắc để bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh và giảm nghèo. Vấn đề quan trọng là có cơ chế hỗ trợ người nghèo về sản xuất, dạy nghề, tìm việc, tăng thu nhập để họ tự vươn lên thoát nghèo. Người dân phải tự sản xuất, không thể làm thay và hỗ trợ mãi được. Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, điều cần thiết là giải quyết việc làm và tìm cách xóa đói giảm nghèo cho các địa phương miền núi. Một khi chưa có đời sống tạm ổn, chưa thoát nghèo thì đừng nói gì đến phát triển bằng con đường khác. Nông nghiệp, lâm nghiệp là con đường cần thiết nhất.
Cây dược liệu được chọn là một trong những động lực giảm nghèo ở miền núi nhưng không ít người băn khoăn. Theo ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang, miền núi vẫn có khả năng đột phá. Tốc độ giảm nghèo đã nhanh hơn nhưng vấn đề còn lại là sự bền vững của nó đến đâu, dù đã giảm từ 42% xuống còn 33%. Việc quan tâm đến người nghèo là cần thiết, nhưng quan điểm cần đúng và thực tế hơn. Ngân sách sẽ không gánh nổi nếu như tất cả đều đăng ký thoát nghèo, nên cần hướng đến sự bền vững. Ông Bằng nói cây dược liệu miền núi đã phát triển, nhưng quy mô chưa lớn. Không nên lo lắng khi phát triển nhiều thì không có đất trồng, bởi chỉ trồng dưới tán rừng hoặc xen canh. Việc đầu tư không tốn kém, chỉ cần một cái rựa là xong. Cây ba kích, đẳng sâm, sa nhân hỗ trợ hợp lý, nhưng lo lắng khi phát triển quy mô lớn thì đầu ra ở đâu? Không kêu gọi được doanh nghiệp, không có đầu ra ổn định thì sẽ trả giá đắt. Bán không ai mua thì làm sao dân thoát nghèo được? “Có thể thông qua đầu tư để tạo con số giảm nghèo thực chất. Nếu địa phương nào làm tốt công tác thoát nghèo thì tập trung đầu tư nhiều hơn, còn không thì không đầu tư để tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại” - ông Bằng nói. Trong một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế nói định hướng phát triển cây dược liệu không chỉ có miền núi. Định hướng tốt nhưng cây dược liệu có phải là hàng hóa tốt hay không thì cần cân nhắc. Không có định hướng sản xuất thì bỏ. Không dễ có được vùng nguyên liệu. Phải có một ngành đứng ra tổng hợp định hướng giúp ủy ban. Tập trung cho cây sâm là tốt nhưng sợ khi có được sản lượng lớn thì lại không có thị trường, mất luôn tài nguyên…
CẦN MỘT CUỘC “CÁCH MẠNG”
Khó có thể lượng hóa được con số tăng trưởng chính xác trong tương lai, nhưng quan điểm của Quảng Nam là sẽ ban hành một nghị quyết phát triển vùng tây, đi sâu vào các giải pháp giảm nghèo trong việc xác định đầu tư cái gì, hạ tầng hay nhân lực để định vị cho được con đường phát triển.
Cần “hiểu” miền núi
Ngày 22.7.2016, tại cuộc họp với lãnh đạo 9 huyện miền núi để bàn về phát triển miền núi và định hướng triển khai thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang khẳng định việc ban hành nghị quyết về công tác dân tộc thiểu số gắn với phát triển miền núi và định hướng triển khai thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây là hết sức cần thiết. Sẽ phân kỳ đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn khu vực miền núi. Nghiên cứu thứ tự ưu tiên các nhóm dự án lớn và nhiệm vụ hàng đầu vẫn là nhóm dự án sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết này sẽ chính thức được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại kỳ họp gần nhất sắp tới. |
Định hướng phát triển vùng tây thiên về sắp xếp dân cư gắn xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng, phát triển du lịch cộng đồng thông qua khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, sản phẩm làng nghề… đưa ra tại Hội nghị Tỉnh ủy ngày 30.6.2016 đã không thể ban hành được nghị quyết. Lý do là cho đến thời điểm này, chưa hề có một đánh giá toàn diện, khách quan nào về tính hiệu quả, phù hợp, khả thi của các dự án hay chương trình phát triển miền núi, để có thể ban hành một nghị quyết có tính quyết định làm động lực phát triển phía tây.
Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, chính sự lệch pha giữa hai vùng đông - tây, sự thiếu vắng các chương trình phát triển cụ thể phía tây và chưa tạo ra được vùng động lực gỡ bỏ nút thắt về kinh tế đã khiến công tác giảm nghèo gặp khó như hiện tại. Ông Đào nói: “Hiện chưa có chính sách nào được ban hành, trừ chính sách phát triển hạ tầng mà hạ tầng thì có độ trễ rất lâu. Cần một cuộc cách mạng thực sự chuyển dịch lao động, làm rõ hàm lượng giảm nghèo. Không giải quyết gốc sản xuất thì không thể phát triển miền núi được. Vấn đề cho vùng tây là chuyển đổi cây trồng. Hãy xác định lợi thế phát triển kinh tế miền núi là gì? Nếu không thì nguy cơ nghèo dai dẳng”. Ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng chính sách chưa thực sự đi vào cụ thể là một trong những lực cản kìm hãm sự phát triển của miền núi, chứ không phải nguồn lực đầu tư chưa đồng bộ hay năng lực cán bộ yếu. Sự áp đặt cách nghĩ, tư duy của người miền xuôi lên kế hoạch phát triển của người miền núi nhiều năm qua đã khiến cho một số chương trình, dự án đầu tư cho miền núi thất bại.
Theo ông Bằng, đồng bào không cần phải lý thuyết, chỉ chú trọng những vấn đề cụ thể. Liệu đã có cách tiếp cận vấn đề phát triển kinh tế - xã hội miền núi chưa? “Chỉ có hiểu được góc độ xã hội, kinh tế, con người ở đó thì mới có thể trả lời được câu hỏi là đầu tư ít hay nhiều, hiệu quả hay không? Dựa vào nông lâm, không phải sản xuất hàng hóa hàng loạt mà xây dựng mô hình theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đầu tư đồng bộ y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc, sắp xếp dân cư phù hợp theo hướng xây dựng nông thôn mới… Nếu không hiểu được vấn đề và không trả lời được câu hỏi này thì mọi chủ trương đưa ra sẽ duy ý chí và không có tính khả thi” - ông Bằng nói.
Tạo cơ hội…
Một trong những vấn đề nóng bỏng được tranh luận nhiều tại các cuộc họp là việc không có các dự án đầu tư thì sẽ chẳng có đột phá nào về kinh tế miền núi. Nhưng khi nguồn lực nhà nước hữu hạn thì khó tài trợ trực tiếp cho những ưu đãi, hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Vấn đề cốt tử hiện tại là nhận diện, đánh giá cụ thể về miền núi. Không phải có cơ chế là có nhà đầu tư như ý muốn, bởi khi địa lợi trở thành bất lợi thì không có doanh nghiệp nào đầu tư. Chỉ cần có 1% lợi nhuận thì nhà đầu tư sẽ không ngần ngại bỏ vốn đầu tư, nhưng liệu miền núi có tạo ra 1% ấy không là điều cần bàn. Vùng tây phát triển nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào thiện chí của các địa phương, nhưng thiếu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp thì đừng nói đến chuyện phát triển. Theo Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc, muốn miền núi bứt phá thì cần chính sách lớn của Nhà nước. Tốt nhất là xin cơ chế đặc thù phát triển như Tây Nguyên. Những mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nông thôn mới rất hiệu quả, song để tạo ra động lực phát triển lan tỏa, doanh nghiệp phải vào đầu tư.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói rất cần một định lượng cụ thể và để trở thành hiện thực cần giải pháp hợp lý. Nâng cao hiệu quả và canh tác dưới tán rừng đã nói nhiều. Sự cần thiết là bỏ ngân sách tỉnh đầu tư trước khi trung ương phân bổ về. Không thể chờ được nữa. Thực tế từ Tiên Phước cho thấy thu hút doanh nghiệp vào miền núi là cực khó. Nếu đầu tư đồng bằng không hết thì làm gì tìm đến miền núi. Còn cơ chế đáp ứng cho doanh nghiệp rất khó khăn vì nguồn lực thiếu hụt. Ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, việc giải phóng mặt bằng không được, không có cơ chế thì khó lòng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Theo ông Cảnh, cần miễn giảm cho doanh nghiệp tiền thuê đất bởi một doanh nghiệp thuê 30ha đất, chưa biết có đầu tư hiệu quả hay không mà lại phải trả tiền một lần thì không thể gọi là thu hút đầu tư được.
Có thể nói, đầu tư phát triển miền núi là công cuộc lâu dài, khó khăn, đòi hỏi sự nhiệt tâm của mỗi cán bộ, bởi việc đánh giá tác động của một dự án cụ thể là điều hơi khó vì hầu hết đầu tư cho miền núi là giải quyết các vấn đề xã hội. Những người xây dựng đề án phát triển và quy hoạch xây dựng miền núi đều hiểu phát triển miền núi cần có thời gian và lộ trình cụ thể, tập trung xây dựng trung tâm vùng để không bị phân tán nguồn lực và tiếp tục thực hiện chính sách “ba cùng” bám sát các mục tiêu cụ thể. Vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu vẫn chính là các chính sách đầu tư nhân lực, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực tiễn, diễn giải bằng mô hình trực quan, khắc phục sự phát triển rời rạc, thiếu tính liên kết, tập trung các nguồn lực phát triển, ít lý thuyết và tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp… Hy vọng đây sẽ là một “cuộc cách mạng” thay đổi miền núi. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí để thực hiện mục tiêu lớn này.
Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG