Những năm gần đây, nghề ươm giống cây keo lá tràm đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nhiều người dân xã ven biển Duy Hải (Duy Xuyên). Mô hình này đang phát triển mạnh và trở thành hướng đi mới cho người dân vùng cát ven biển.
Những năm trước, ngoài nghề đánh bắt hải sản, người dân ở xã Duy Hải sống bằng nghề ươm cây giống lâm nghiệp để bán. Gần đây, phong trào trồng cây keo lá tràm ở miền núi trong và ngoài tỉnh phát triển mạnh, nhiều hộ ươm cây giống ở xã Duy Hải chuyển sang ươm giống keo lá tràm. Anh Trần Lợi (thôn Thuận Trì, xã Duy Hải) cho biết, cách đây 5 năm, gia đình anh ươm trồng thử nghiệm hơn 1.000 cây keo lá tràm, vụ đầu hiệu quả kinh tế mang lại khả quan. Mấy năm nay gia đình anh mở rộng diện tích vườn ươm, trung bình mỗi năm ươm từ 1,5 đến 2 triệu cây con, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/vụ. “Kỹ thuật ươm cây không khó, nhưng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khâu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, tra hạt, giâm hom, che chắn vườn ươm... đều phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt” - anh Lợi cho biết.
Theo người dân xã Duy Hải, cây keo lá tràm thích nghi với đất đỏ ở các vùng đồi núi, cho nên khi gieo hạt trong bầu ươm bằng đất đồi rất phù hợp, tỷ lệ cây sống đạt cao. Nếu sử dụng đất cát ven biển để ươm hạt giống thì cây sinh trưởng chậm, trong mỗi lần dịch chuyển thường dễ bị vỡ bầu ươm... Chính vì vậy, để có đất ươm giống keo lá tràm, các hộ dân ở xã Duy Hải phải tốn tiền thuê xe tải vận chuyển đất đỏ từ các địa phương khác về nên chi phí tăng lên. Tuy nhiên, so với địa phương khác, nghề ươm giống keo lá tràm xã Duy Hải lại có cơ hội phát triển hơn do diện tích đất nông nghiệp khá lớn (có điều kiện mở rộng), nước tưới dồi dào và đặc biệt là nghề ươm, trồng cây giống ở đây có truyền thống lâu đời...
Hiện nay, xã Duy Hải có hơn 20 hộ dân sống bằng nghề ươm keo lá tràm, tập trung chủ yếu trên địa bàn các thôn Thuận Trì, Tây Sơn Đông, An Lương... Bình quân mỗi năm xã Duy Hải cung ứng ra thị trường khoảng 10 - 12 triệu cây keo giống, doanh thu khoảng 3 - 3,5 tỷ đồng. Cây giống keo lá tràm chủ yếu cung ứng cho các huyện miền núi trên địa bàn của tỉnh và nhiều huyện lân cận ở tỉnh Quảng Ngãi. Những vườn ươm keo lá tràm ở xã Duy Hải đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Vài năm trở lại đây, rất nhiều gia đình trên địa bàn xã đã chuyển đổi diện tích đất vườn, đất trồng mè, khoai lang... kém hiệu quả sang làm vườn ươm cây giống. Cùng với phát triển nghề ươm cây giống, các dịch vụ mới “ăn theo” như đại lý cung ứng hạt giống keo, phân bón và dịch vụ vận tải... ra đời, giải quyết lực lượng lao động khá lớn ở địa phương. Tuy nhiên, việc ươm và bán cây keo giống từ trước đến nay vẫn mang tính tự phát của người dân chứ chưa có định hướng, quy hoạch cụ thể. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: “Trong những năm đến, chính quyền địa phương sẽ mở các lớp tập huấn kỹ thuật ươm cây giống lâm nghiệp, trong đó có kỹ thuật ươm keo lá tràm cho các hộ làm nghề ươm giống trong xã để nâng cao chất lượng cây giống; nhân rộng mô hình này để giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...”.