Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) được nhìn nhận sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chuỗi liên kết, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để chương trình này đem đến hiệu quả cao nhất, đặc biệt với các sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Sản phẩm tương ớt Đại Chí (Hội An) tham gia Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2018. Ảnh: L.QUÂN |
Nhiều khó khăn
Thông tin từ Sở Công Thương, trong tháng 10.2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng mạnh (hơn 34%). Đây cũng là một trong những ngành có số lượng sản phẩm CNNT chiếm số lượng lớn nhất trên toàn tỉnh. Chưa kể, trong nhóm 145 sản phẩm nông nghiệp lợi thế đã có 28 sản phẩm công bố tiêu chí chất lượng sản phẩm để dễ dàng đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, các sản phẩm CNNT vẫn loay hoay giữa các đầu mối từ sản xuất, tiêu thụ đến việc tạo lập thương hiệu cho mình.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (Công ty TNHH Gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, Điện Bàn) cho biết, dù các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của ông đã xác định được chỗ đứng trên thị trường nhưng luôn bị cạnh tranh bởi các dòng sản phẩm cùng loại từ các tỉnh thành phía bắc. Khó khăn tiếp theo phía các doanh nghiệp ở nhóm sản phẩm chế biến nông - lâm thủy sản và đồ uống gặp phải là câu chuyện về xúc tiến thương mại. “Đầu mối thông tin về thị trường hầu như chúng tôi phải tự mò mẫm. Điều nông dân cần là một kênh hỗ trợ về giá cả, nhu cầu hoặc các khảo sát về thị trường chẳng hạn” - ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNNT ở miền núi lại gặp chuyện thiếu lao động có trình độ, tay nghề. Đây cũng là khó khăn mà các hộ sản xuất ở làng nghề đang đối mặt. Ông Nguyễn Khoa Vẽ - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng (Tây Giang) cho biết: “Bây giờ nghệ nhân không có nhiều. Muốn phát triển sản phẩm dệt thổ cẩm ở địa phương thì phải đào tạo nghề cho bà con. Nhưng do điều kiện cách trở, bà con muốn học nghề phải đi bộ 15 - 20 cây số đường rừng núi”. Trong khi đó, nếu các doanh nghiệp muốn có kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề thì khóa học phải có từ 120 lao động trở lên theo quy định.
Hỗ trợ sản phẩm tiêu biểu
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam (Sở Công Thương) cho biết, thời điểm này, cuộc thi tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh năm 2018 đã chấm dứt nhận sản phẩm dự thi. “Có 32 cơ sở tham gia bình chọn với 56 sản phẩm, tăng thêm 8 sản phẩm dự thi so với năm 2017. Các sản phẩm thuộc 2 nhóm, bao gồm 42 sản phẩm của “Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ” từ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá, cói, lục bình, gốm mỹ nghệ, chế tác đá, đúc gang - đồng, dệt, thổ cẩm, thêu đan, chạm trỗ, điêu khắc. Các sản phẩm khác thuộc nhóm chế biến nông - lâm - thủy sản và đồ uống” - ông Đinh Văn Phúc thông tin.
Bắt đầu từ năm 2015, sau 3 lần triển khai cuộc thi tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, đến nay ngoài sự hỗ trợ chung của chương trình mục tiêu quốc gia, ông Phúc cho biết, trung tâm cũng đang tính toán tham mưu, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở làng nghề trong việc tiếp cận thị trường, công nghệ, kết nối xây dựng các tour du lịch để đẩy mạnh việc tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch… Qua khảo sát thống kê cho thấy, đến nay, mức độ gia tăng doanh thu từ các sản phẩm CNNT tiêu biểu sau khi được tôn vinh mới chỉ đạt gần 20%; tuy vậy, đáng phấn khởi là đóng góp vào nguồn thu đó, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm được tôn vinh tăng khoảng 47%. Ông Phúc nói, hoạt động bình chọn, tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu ngoài việc động viên, khích lệ những tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm chất lượng cao, còn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở này giới thiệu các sản phẩm và trao đổi với các đối tác, tạo ra mối liên kết thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm CNNT tiêu biểu nào cũng có điều kiện để thúc đẩy sản phẩm của mình phát triển mạnh mẽ. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp nói, để mở rộng phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu, nguồn lao động phải được hỗ trợ đào tạo nhiều hơn. Theo ông Tiếp, chương trình đang tập trung vào bình chọn sản phẩm tiêu biểu, còn việc làm thế nào để có sản phẩm tiêu biểu và kế hoạch tiếp tục phát triển sản phẩm đó như thế nào sau khi đã được bình chọn thì còn nhiều vấn đề cần bàn.
LÊ QUÂN