Suốt hơn một tháng qua, tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội là chuyện cá chết. Thông tin về nguyên nhân bước đầu được cơ quan chức năng công bố chưa khiến người dân yên lòng. Và câu nói “chọn nhà máy hay chọn cá” cứ lơ lửng khiến người dân càng bức xúc.
Minh họa: VĂN THỌ |
Có thể nhiều người cũng có thói quen... “tai hại” như tôi: xem thời sự VTV cùng lúc với giờ ăn, ngày ba bữa. Có lẽ vì thế mà lâu nay tôi bị mắc phải chứng rối loạn tiêu hóa kinh niên, bởi vì cứ bật tivi lên là nghe những chuyện... trào ngược dạ dày. Xung quanh chuyện đường ống xả thải của Formosa dưới đáy biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) tôi đã tức anh ách vì không hiểu được chuyện quản lý môi trường của các bộ ngành địa phương lỏng lẻo như thế. Không kể những vụ vi phạm pháp luật trong bóng tối ngày càng mọc lên như... mụn ghẻ, nào là “lâm tặc” phá rừng, “cát tặc” phá sông, “rác tặc” phá môi trường; nào là “mại tặc” bán hàng nhái hàng bẩn, “hóa tặc” ăn thức ăn gia súc, “quan tặc” ăn dự án, ăn chức quyền, ăn... luân chuyển, vân vân và vân vân, sức đâu mà nhớ cho hết; chỉ xét riêng mấy vụ việc công khai coi thường phép nước gần đây thôi thì cũng đủ làm chúng ta... á khẩu vì kinh ngạc.
Trước hết là trong lĩnh vực xây dựng. Những năm gần đây, dư luận đã phát hiện nhiều công trình có quy mô hàng trăm tỷ được xây dựng trái phép, ngang nhiên tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật. Có thể kể ra hàng loạt “điểm nhấn” nổi bật mà ai cũng biết tiếng như “biệt phủ” của đại gia vàng Ngô Văn Quang trên đèo Hải Vân, tòa cao ốc số 8B Lê Trực, Ba Đình Hà Nội, khu resort 57 biệt thự ở Ba Vì... Sau khi bị “khui ra” bởi giới truyền thông, các công trình này mới bị chính quyền địa phương trực diện “sờ gáy”. Có cái bị cưỡng chế phá dỡ, có cái vừa phá dỡ cầm chừng vừa... kêu cứu với ý đồ “câu giờ”, chờ “xử phạt - cho tồn tại”.
Tiếp đến là lĩnh vực thương mại mà “nóng” nhất là các Công ty đa cấp như Liên kết Việt, Mờ Lờ Mờ (MLM)... chuyên đi “móc túi” hàng vạn dân nghèo nhẹ dạ và những người mơ giàu nhanh nhưng... nghèo về não trạng. Ngoài việc tung ra những món hoa hồng... ảo, các công ty này còn nghĩ ra những trò PR lòe bịp khách hàng. Chẳng hạn Lê Xuân Giang của công ty Liên kết Việt đã cả gan mạo danh là “người” của Bộ Quốc phòng, tổ chức rầm rộ lễ đón rước bằng khen... giả của Thủ tướng, tổ chức hội nghị khách hàng khắp tỉnh thành với nhiều cộng tác viên là các cựu sĩ quan cao cấp, quân hàm huân chương đầy ngực... Đến khi các cấp chính quyền bắt đầu vào cuộc thì đã có 6 vạn người dân bị sập bẫy với số tiền “công quả” cho chúng đã lên đến gần 2 nghìn tỷ đồng.
Qua những vụ việc trên, câu hỏi được đặt ra rằng những kẻ vượt rào pháp luật kia lẽ nào đều là những tay... “điếc không sợ súng”? Chắc chắn bọn họ đã đặt cược niềm tin dưới bóng “ô dù” nào đó. Nhưng rồi phải chăng trước sức mạnh của công luận, những ô dù kia đành phải cụp gọng? Phép nước cuối cùng đã thắng, nhưng hậu quả để lại thật đáng ngậm ngùi. Riêng việc “gọt” cho hết 6.000m2 xây dựng trái phép của tòa nhà 8B Lê Trực xem như đã biến khoảng 600 tỷ đồng thành đống... xà bần. Tiền nào chẳng xót!
Câu hỏi tiếp theo là những vụ trên đều diễn ra công khai và kéo dài như thế nhưng sao chính quyền sở tại lại không ngăn chặn ngay từ đầu? Như thông tin đã đưa, thông thường sau mỗi vụ chỉ có một vài cán bộ cấp dưới bị xử lý kỷ luật, chưa thấy ai ra tòa, mặc dầu đó là tội thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như đã ghi trong các điều 179, 360 của luật hình sự.
Như vậy, việc thực thi phép nước đã chưa nghiêm với đối tượng là cán bộ công chức. Phải chăng vì họ là “người nhà” nên cần xử nhẹ tay hoặc chỉ “đóng cửa dạy nhau”? Người xưa từng nói: “Quốc (Quân) pháp bất vị thân”. Xem phim Bao Công, chúng ta đã từng thấy ba chiếc “đầu đao” đặt trước án đường dùng cho các hạng tội phạm là thứ dân, quan tướng, hoàng tộc. Và trong đời làm quan án của mình, Bao Chửng đã không chùn tay trước những tên tội đồ thuộc hàng hoàng thân quốc thích, đến mức nhà vua cũng không “bảo kê” nổi “người nhà”. Ở Thái Lan, một “người nhà” vừa... to vừa đẹp như cựu nữ Thủ tướng Shinawatra cũng phải hầu tòa vì bị cáo buộc làm thất thoát tài sản quốc gia. Các công ty to đùng như Louis Berger International Inc. (LBI) của Mỹ, Pacific Consultants International (PCI) của Nhật đều bị chính “tòa án nhà” xử nặng vì tội đưa hối lộ ở Việt Nam.
Ở nước ta, cho đến nay hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ. Riêng bộ luật hình sự 2015 đã có đến 426 điều, đề cập mọi loại tội phạm từ trộm cắp đến tham ô, bao che, vô trách nhiệm... Nhưng trên thực tế, tội phạm dường như ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Do kẻ vi phạm “nhờn luật” hay người thực thi luật chưa nghiêm, chưa liêm? Có lẽ là cả hai. Mặt khác, một số văn bản luật và dưới luật khi được ban hành đã bị phản ứng vì khó thi hành, chẳng hạn những quy định về giao thông gần đây mà quốc hội đã lên tiếng.
“Quốc có quốc pháp”, nhưng xem ra vẫn chưa đủ. Lập pháp cần phải “minh”, hành pháp phải nghiêm và tư pháp phải công bằng. Ngoài ra, tinh thần “thượng tôn pháp luật” phải luôn là một chỉ dấu văn hóa trong ý thức và hành vi của mọi công dân, nhất là những người được trao quyền lãnh đạo.
PHAN VĂN MINH