Phi công, cựu chiến binh Cù Duy Nhã hiện sống tại số nhà 274 đường 2.9 TP.Đà Nẵng. Trông ông vẫn khỏe mạnh ở tuổi 79, chỉ có điều do thời trẻ luôn phải tiếp xúc với tiếng động cơ máy bay nên nặng tai. “Bệnh nghề nghiệp! Ngày trước bay toàn buồng hở, đối lưu không khí lớn, ai không bị điếc thì cũng bị khớp, viêm họng. Mình còn thế này là tốt rồi!”. Ông nói rồi cười, nụ cười thật hiền. Nhìn cái dáng ông bây giờ ít ai nghĩ ông là người nổi tiếng tung hoành cùng con chim sắt một thời.
Những chuyến bay
Ông Nhã vốn quê thôn 4, xã Điện Dương, Điện Bàn. Năm 1952, giặc Pháp đi càn và giết cha ông. Quá căm thù, 15 tuổi, ông vào du kích. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông được đưa vào Tam Kỳ học lớp chỉnh huấn chính trị. Tại đây, nghe danh C86 đóng ở Hội An, ông xin đầu quân. Đại đội này có nhiệm vụ tải vũ khí đạn dược từ cảng Quy Nhơn lên tàu ra Bắc. Ông đi tập kết với con tàu này. Lúc đó ông mới học lớp 3 trường làng và trong túi không có một đồng bạc. Ra Bắc ở Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô, ông được đưa ra Lạng Sơn học văn hóa và tại đây được tuyển về làm phi công.
Vợ chồng cựu phi công Cù Duy Nhã (bên phải) gặp gỡ đồng đội tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: HỒNG VÂN |
Theo ông, lý do được chọn, yếu tố đầu tiên là gia đình bần nông, căm thù đế quốc, rồi sau mới đến thể lực. Người vùng cát quen chịu đựng gian khổ, nên thần kinh vững. Qua mấy vòng thử, ông đều vượt dễ dàng. Ông được cử đi học lái máy bay ở Trung Quốc. Về nước tiếp tục được các thầy giáo Liên Xô hướng dẫn. Các thầy khen ông học nhanh, xử lý tình huống chuẩn xác, thuần thục. Ông tham gia chiến dịch Nậm Thà (Lào) năm 1962 với nhiệm vụ tiếp tế lương thực, vũ khí qua chiến trường nước bạn và đưa thương binh về Việt Nam cứu chữa. Suốt những năm chiến tranh, trong biên chế Trung đoàn 919, ông cùng đồng đội chở hàng hóa, vũ khí đến các biên giới với nước bạn để từ đó ô tô vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Không trực tiếp hạ máy bay Mỹ trong thời kỳ chúng leo thang bắn phá miền Bắc, nhưng hạnh phúc của ông là góp phần vào thành tích bắn hạ pháo đài bay B52 của Mỹ. Đó là lần ông được trung đoàn giao chở phi công, vũ khí, tên lửa vào Quảng Bình cho máy bay tiêm kích. Khi máy bay Mỹ đánh phá Quảng Bình, không quân của ta được ém sẵn bất ngờ từ dưới lòng đất bay lên bắn hạ nhiều pháo đài bay.
Lái máy bay vận tải quân sự, ông là người có thể bay được trong thời tiết phức tạp, cả ban ngày và ban đêm. Máy bay ông được trang bị đại liên hai bên sườn có thể chiến đấu khi gặp địch, đồng thời cải tiến trang bị vũ khí làm nhiệm vụ sẵn sàng cường kích (ném bom). Có lần ông bay lên Điện Biên, thả hàng xong thì một động cơ bị hỏng, vậy mà với một động cơ, ông lái máy bay len qua 2 quả núi Ba Vì và Tản Viên hạ cánh xuống sân bay Hòa Lạc an toàn.
Phi công Cù Duy Nhã là một trong những người tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất đầu tiên sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau này ông biên chế ở Cục Hàng không dân dụng thuộc Tổng cục Hàng không. Đời binh nghiệp của ông thăng trầm từ đó.
Ngang như “Nhã cua”
Biệt danh “Nhã cua” để nói về tính ngang như cua của ông. Có lẽ người miền biển ăn sóng nói gió, bộc trực đã quen nên thấy điều gì trái ý là ông “phang” ngay. Với ông, quan trọng nhất vẫn là tính mạng của hành khách trên máy bay và không bao giờ dám liều lĩnh. Ông nói: “Gần đây nghe tin ở châu Âu rơi máy bay chỉ vì nghe lời cấp trên hạ cánh khi mây rất mù, làm tôi nhớ đến chuyến bay năm nào. Có lần tôi chở một vị thủ trưởng của tổng cục ra Yên Bái. Thấy tôi cứ bay lòng vòng xuyên qua các đám mây, thủ trưởng bảo: “Hạ cánh đi, sao cứ lòng vòng hoài”. Tôi tức quá nói to: “Bay xuống cho chết à”. Lại có lần, người chính trị viên đại đội thấy tôi cứ nổ máy ở sân bay mà chưa cất cánh đã ra lệnh nhiều lần qua loa phóng thanh bảo phải bay đi. Mục đích là chỉ để tiết kiệm xăng. Tôi bực quá hét lên giữa sân bay đông người: “Mày định giết dân à!”. Đó là do vị này nguyên từ lính pháo binh chuyển qua, không biết rằng, theo nguyên tắc, trước khi bay phải nổ máy 15 phút kiểm tra động cơ. Chuyến đó, tôi bị phê bình vì xúc phạm chỉ huy”. Đỉnh điểm tính ngang như cua của Cù Duy Nhã là khi đơn vị xây cổng sân bay Tân Sơn Nhất, ông phê bình một cách gay gắt. Không bao lâu chiếc cổng này đã bị đập vì bất hợp lý và thiếu thẩm mỹ, nhưng lúc đó, lời phê bình như vỗ mặt của ông Nhã đã đến tai cấp trên. Những ai không có chuyên môn từng bị ông phê bình được dịp “đổ dầu vào lửa”. Và kết cục là ông bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng. Ông trần tình lên người đứng đầu ngành và được khuyên là nên viết đơn xin phục hồi. Tính ngang như cua của ông lại trỗi dậy: “Tôi không có lỗi gì, sao phải bắt tôi viết đơn? Chính đơn vị phải phục hồi cho tôi”. Thế là từ phi công chính, ông bị đưa xuống làm giáo viên ở Trường Trung cấp Hàng không cho đến khi về hưu năm 1991.
Nói về ông, Đại tá Vũ Đức Anh (hiện ở tại số 14 đường Sông Thương, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), nguyên Chủ nhiệm Trung đoàn Không quân 918 nhận xét: “Cùng tổ bay với Nhã suốt 15 năm từ Gia Lâm về Tân Sơn Nhất, tôi hiểu Nhã rất kỹ. Đó là một con người dũng cảm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Về tay nghề phi công thì khỏi chê. Tính thì nóng nhưng lái rất điềm đạm và khéo léo, luôn được cấp trên tin tưởng giao cho những nhiệm vụ khó nhất”. Cũng ở TP.Hồ Chí Minh, cựu phi công Nguyễn Văn Nguyên khẳng định: “Nhã với tôi là đồng hương Quảng Nam. Tôi phục cậu ấy. Bay rất giỏi, tinh thần chiến đấu tuyệt vời. Không mấy người được như Nhã. Chuyện oan của cậu ấy ai cũng biết. Nhưng vì Nhã đã qua đơn vị khác, chúng tôi không bảo vệ được. Điều quan trọng nhất, đến nay cậu ấy vẫn giữ nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”.
Cựu chiến binh Cù Duy Nhã, người trai vùng cát Quảng Nam luôn tự hào về những năm tháng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Ông bảo: “Đảng, quân đội đã đưa tôi từ một thanh niên làng quê nghèo khổ trở thành phi công. Tôi phải sống cho xứng đáng. Điều tôi có thể ngẩng cao đầu là đã bảo đảm an toàn cho những chuyến bay. Còn ngang như cua thì đã sao!”.
HỒNG VÂN