Tranh thủ sau những ngày thu hoạch nông sản, người vùng cao mang theo sản vật bày bán tại các phiên chợ làng, góp thêm thu nhập để lo những ngày vui tết cổ truyền.
Nhộn nhịp phiên chợ cuối năm tại thị trấn Tơ Viêng (huyện Tây Giang). Ảnh: NG.H |
Nhiều năm gần đây, khi đường sá thuận tiện, đồng bào vùng cao đã dần chủ động mang những sản vật của vùng như mật ong, rau rừng, khúc mía, hay quả dứa… đến chợ bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ở một số khu vực đông đúc dân cư như P’rao, Trung Mang (Đông Giang); Tơ Viêng, A Xan (Tây Giang); Thạnh Mỹ, Chà Vàl (Nam Giang),… những phiên chợ sớm, chợ chiều dần xuất hiện, với sự góp mặt của đồng bào địa phương.
Nhộn nhịp bán mua
Cận tết, dọc các tuyến đường lên khắp bản làng vùng cao, những phiên chợ “di động” được bày bán với đủ đầy sản vật của vùng, từ chuối, mía, đảng sâm, cho đến măng khô, rau rừng… Tại điểm “chợ cóc” ở thôn Bền (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), những ngày qua nhộn nhịp hẳn bởi cảnh bán mua, trao đổi hàng hóa giữa đồng bào địa phương với người đi chợ. Ai cũng cố gắng có mặt thật sớm, tìm cho mình vị trí phù hợp để bày bán sản vật cho khách. Ông Alăng Châm, một người dân địa phương cho hay, bên cạnh không gian các sản vật của đồng bào miền núi, phiên chợ này còn dành riêng khu vực bày bán các mặt hàng ẩm thực, hoa quả, quần áo,… phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Vì thế, những ngày cuối năm, phiên chợ càng trở nên nhộn nhịp hơn, với hàng trăm người tìm đến mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản. “Ai có sản vật gì cũng đều mang đến chợ để bán, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Thời điểm cận tết như thế này, đông đúc người dân địa phương qua lại, ghé chợ mua sắm, chuẩn bị mọi thứ để đón tết cổ truyền” - ông Châm cho hay.
Một góc “điểm chợ” của những phụ nữ vùng cao bên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: NG.H |
Tại huyện miền núi Tây Giang, phiên “Chợ chiều 5 nghìn” được đưa vào hoạt động tại thị trấn Tơ Viêng đã trở thành nơi trao đổi, mua bán sản vật của vùng. Cuối năm, có mặt tại phiên chợ này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh mua bán khá “chuyên nghiệp” của đồng bào Cơ Tu. Những nông sản đặc trưng của bà con miền núi được bày bán thu hút rất đông người dân tìm đến mua. Cụ bà Hôih Thị Gưm (ở thôn Agrồng, xã A Tiêng) cho biết, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng mấy ngày qua vẫn đều đặn theo con cháu đến phiên chợ, có khi chỉ để bán vài bó sả, vài củ sắn, nải chuối hay các loại nông sản được mang về từ rẫy. Cụ Gưm nói, số tiền bán được sẽ dành dụm để phụ giúp con cái sắm sửa tết và trang trải cuộc sống. “Mùa này, rau rừng nhiều nên tranh thủ hái về mang ra chợ bán. Đi rẫy xong là đến chợ, cũng kiếm được ít tiền mua mắm, muối” - cụ Gưm chia sẻ. Bên góc chợ, những phụ nữ Cơ Tu đã xếp ngay ngắn từng sản vật theo dãy hàng, nhộn nhịp bước chân người đến, tìm mua.
Góp thêm cái tết đủ đầy
Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng - ông Bh’riu Quân cho biết, hàng năm cứ đến đầu tháng Chạp, đồng bào vùng cao thường vào rẫy để thu hoạch các loại nông sản, rồi gùi đến chợ để bán, kiếm thêm tiền chuẩn bị tết. Nay có phiên “Chợ chiều 5 nghìn”, bà con đem nông sản tập trung đến để chào bán, ngày đắt khách mỗi người cũng kiếm được vài chục đến trăm nghìn đồng. “Khách hàng của họ, hoặc là người dân địa phương, hoặc là cán bộ miền xuôi lên công tác mua mang về đồng bằng. Mà ở đây chỉ có nông sản sạch nên ai cũng ưa chuộng. Năm nay có phiên chợ chiều, bà con thêm nguồn thu nhập khá hơn từ việc bán nông sản để lo cho tết” - ông Quân nói.
Không chỉ ở Tây Giang, dọc theo tuyến đường đi lên các xã biên giới Nam Giang, những tụ điểm bày bán nông sản của người dân địa phương cũng đã ngày thêm dày đặc. Họ dựng những căn lều nhỏ ngồi bán cạnh đường, chào khách hỏi mua. Chúng tôi ghé một điểm chợ nhỏ ở thôn Pà Păng (xã Cà Dy, Nam Giang), bắt gặp những cụ bà Cơ Tu vừa ngồi hơ lửa để sưởi ấm vừa chờ khách đến mua hàng. Từng bó rau rừng được cột sẵn, cùng vài lon ớt, củ sắn dây được đựng trong chiếc rổ, những buồng chuối treo lủng lẳng trên cành cây… - hình ảnh một điểm chợ vùng cao đậm nét những ngày cuối năm. Một cụ bà nói với chúng tôi rằng, cận tết, khi con cái đã lên rừng bứt mây, hái lá dong, lá đót để kiếm tiền chuẩn bị tết, thì ở nhà các cụ vừa trông cháu, vừa ngồi bán rau cho khách đi đường. Ngày nào đông khách, cũng góp thêm được vài chục nghìn đồng để sắm hàng tết, mua thêm ít mắm muối, mì chính, gạo ăn, dự phòng trong những ngày giáp hạt sắp tới. Các cụ còn chia sẻ, lúc đầu ngồi bán ai cũng thấy ngại, nhưng sau quen dần. Nhờ rau, chuối mà có ít tiền nên bây giờ, vui hơn là e ngại. Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng khi có một vị khách dừng xe hỏi mua vài bó rau dớn làm quà sau chuyến đi dài…
Tết đang đến rất gần với người vùng cao!
ALĂNG NGƯỚC - XUÂN HIỀN