Phố bao dung

PHẠM QUỐC 23/04/2023 08:25

Khi tiến trình đô thị hóa ngày một tăng tốc, sự bao dung của từng đô thị trong quá trình tương tác sẽ giúp tất cả cùng phát triển hài hòa thay vì chỉ khư khư cho riêng mình.

Quy hoạch phát triển đô thị giữa các địa phương lân cận sẽ có tác động lẫn nhau. Trong ảnh: Một vùng ven của đô thị cổ Hội An thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Ảnh: Q.T
Quy hoạch phát triển đô thị giữa các địa phương lân cận sẽ có tác động lẫn nhau. Trong ảnh: Một vùng ven của đô thị cổ Hội An thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Ảnh: Q.T

Phố không ranh giới

Đầu tháng 4, loạt xã dọc quốc lộ 1 qua Điện Bàn nâng cấp thành đô thị. Một vệt phố dài từ Đà Nẵng đến nam Hội An chính thức không còn đứt quãng. Thực ra từ lâu ở vùng đô thị này đã có sự giao thoa khăng khít. Người phố, dân quê lạo xạo sớm hôm đi về lắm lúc lơ đễnh vụt qua ranh giới địa chính của nhau mà chẳng hề nhận ra.

Thậm chí với lớp người lớn tuổi, nhiều cung đường phố thị nơi đây vẫn còn hoài vương bao chỉ dấu về một thời dáng phố chưa chia đôi… Dải đất này đã mang lại biết bao khởi sắc cho đời sống cư dân. Nên từ tâm thức, cộng đồng hiếm khi so đo rạch ròi về sự lớn lên của từng phố thị.

Các địa phương đều đang trong giai đoạn tăng tốc, về đích quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch cấp trên. Quy hoạch phát triển đô thị ở các địa phương lân cận cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhau.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An dẫn dụ, về mặt cảnh quan hay bảo tồn thì Hội An với Điện Bàn hay Duy Xuyên là thực thể không thể tách rời được. Đơn cử như trong quy hoạch, nếu Điện Bàn hay Duy Xuyên tiến hành đô thị hóa mạnh với các vùng mang nhiều giá trị về sinh thái, văn hóa ở khu vực giáp ranh với Hội An thì giá trị của Hội An cũng sẽ chịu nhiều tác động.

Theo kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hài hòa lợi ích giữa từng đô thị trong mối quan hệ vùng là điều hết sức quan trọng. Ngay như với trường hợp Hội An, đô thị này cũng cần đặt trong tương quan phát triển vùng đô thị trọng điểm miền Trung. Thành phố cần chấp nhận là mặt nào cần hài hòa vì lợi ích chung của vùng thì cũng cần xem xét lùi lại để giảm thiểu tối đa sự cạnh tranh.

Cộng sinh giữa các đô thị

Dễ thấy trong định hướng phát triển, hầu như địa phương nào, từ cấp tỉnh đến cấp huyện cũng thường đặt mục tiêu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực. Ở Quảng Nam, đa số các đô thị trung tâm huyện hiện vẫn mang chức năng hành chính.

Đã có những phác thảo về mạng lưới đô thị địa phương đến năm 2030, trong đó thay vì cào bằng và loay hoay trong chức năng hành chính, một số đô thị sẽ gắn với lợi thế đặc trưng để tìm sức bật.

Có thể đề cập đến Núi Thành với định hướng đô thị ứng dụng chính sách, gắn với khu kinh tế mở; Ái Nghĩa (Đại Lộc) theo hướng đô thị công nghiệp; Khâm Đức (Phước Sơn) sẽ trở thành đô thị dịch vụ gắn với công nghiệp khai khoáng, vùng sản xuất lâm nghiệp…

Chỉ khi hình thành và hoàn thiện một mạng lưới vùng đô thị đồng bộ, tương hỗ về chức năng thì lúc đó địa phương mới có thể kích hoạt tối ưu được giá trị của đô thị hóa, tạo ra bản sắc đặc trưng cho đô thị Quảng Nam như khát vọng.

Mở rộng hơn, lâu nay câu chuyện liên kết vùng ở khu vực miền Trung, trọng tâm là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung luôn là vấn đề trăn trở. Câu chuyện về góp ý quy hoạch sân bay Chu Lai những ngày qua tiếp tục lật lại vấn đề trên.

Ở thì tương lai, hai cảng hàng không Đà Nẵng và Chu Lai vẫn có thể song hành trong việc nâng tầm và khai thác hài hòa khi thực tế hiện nay hai sân bay này đang chủ yếu phục vụ cho hai tệp khách khác nhau ngoài khách dân dụng.

Trong đó, sân bay Đà Nẵng thiên về phục vụ khách cho hai đô thị du lịch Đà Nẵng, Hội An, còn sân bay Chu Lai hướng đến phục vụ cho hai khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh là nam Quảng Nam và bắc Quảng Ngãi.

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, vùng Đông Quảng Nam được giới hạn trong ranh giới của tỉnh, song không gian phát triển kinh tế cần được xem xét trong mối quan hệ của hệ thống đô thị quốc gia, cụ thể là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Về phía bắc, cần xác định Đô thị Điện Nam - Điện Ngọc phát triển hỗ trợ với Đà Nẵng các chức năng về công nghiệp tập trung, đào tạo nghề, nhà ở. Đô thị Hội An có thể chia sẻ với Đà Nẵng các chức năng về du lịch - dịch vụ du lịch. Về phía nam, Quảng Nam nằm trong cụm đô thị động lực Núi Thành - Dốc Sỏi - Châu Ổ - Vạn Tường (Quảng Ngãi).

Trong đó, cần xác định cùng với Dung Quất, Chu Lai là một khu vực phát triển các cảng nước sâu, khu kinh tế tổng hợp, công nghiệp nặng là chủ đạo với mô hình đô thị khoa học - công nghệ được áp dụng các cơ chế khuyến khích đầu tư đặc thù.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố bao dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO