Nằm lọt thỏm giữa ba đô thị trăm năm tuổi, dải cát trắng vùng đông của Điện Bàn mấy năm nay cũng “chập chững” bước vào vòng quay đô thị hóa. Bốn năm vẫn là quá ngắn để lu mờ đi dấu tích của làng ở vùng đông Điện Bàn vốn trải qua bao cuộc bể dâu.
Ký ức làng
Trước khi phân chia địa giới trở thành 5 phường như hiện tại, vùng đông Điện Bàn chỉ có 3 xã vùng cát Điện Nam - Điện Dương - Điện Ngọc. Từ lâu cư dân ở đây vẫn mang trong mình quan niệm “lên phố”, “ra phố” và “xuống phố”. Lên phố nghĩa là lên thị trấn Vĩnh Điện (thành La Qua trước kia), ra phố tức là ra Đà Nẵng còn xuống phố là xuống Hội An. Những năm 90 của thế kỷ trước, ở đây không có trường cấp ba, việc đỗ được vào trường THPT Trần Quý Cáp (Hội An) hay THPT Nguyễn Duy Hiệu (Vĩnh Điện) như một giấc mơ và mở ra chân trời mới với những cô cậu học trò hàng ngày chỉ biết lấm lem với nắng, cát.
Có thể dăm ba trăm năm trước, những nông dân chân đất mưu sinh bên dòng Lộ Cảnh Giang đã cảm nhận được một chút hơi hướm phố thị thoáng qua từ những đoàn tàu buôn trĩu hàng dập dìu nối đuôi nhau từ Cửa Đại về Cửa Hàn nhưng đó cũng chỉ là cái nhìn xa lạ và không đọng lại gì trong tiềm thức của họ. Cho đến cách đây hòm hòm ba chục năm, qua thêm nhiều thế hệ, cư dân xứ cát này vẫn bình thản trước cái nghèo như là một phần của cuộc sống thường nhật. Nguyên Chủ tịch UBND phường Điện Dương - Lê Văn Khuê bộc bạch: “Hồi đó giáo viên chỗ khác mà nghe điều động về đây dạy học là ngậm ngùi vì quê mình nghèo quá, nghèo đến rớt mồng tơi. Học sinh không có bàn học thì nằm líu lo dưới nền gạch viết vẽ đến đỏ au cả áo quần”.
Hơi thở của phố
Ông Đỗ Việt Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng nhớ lại: “Cách đây khoảng hai chục năm khi chúng tôi vào thì khu vực khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc bây giờ chỉ toàn cát và cát, hạ tầng hầu như chưa có gì”. Từ dạo ấy, khái niệm phố xá đối với 5 xã vùng cát cũng chớm bập bõm nhưng nghe chừng vẫn còn nhiều hoài nghi.
Vào khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, hiếm lắm mới có con em ở vùng đông đi học ngành ngoại ngữ trong sự ca thán, lo lắng của họ hàng vì sợ sau này ra trường biết làm cái gì, thì đến giờ hầu hết người trẻ làm dịch vụ ở đây đã “lận lưng” vốn tiếng Anh chí ít đủ giao tiếp để đón đầu cơ hội việc làm ngày một rộng mở. Những rặng tre, vồng khoai ở làng Quảng Lăng, Cẩm Sa dần nhường chỗ cho xí nghiệp, nhà máy còn bãi đất ven sông, ven biển lấm tấm những khóm kê, bụi lông chông mà trẻ con quần thảo ngày nào nay đã thay bằng các khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Lẽ thường, đô thị hóa tăng lên thì làng quê nông thôn nhỏ lại. Theo số liệu thống kê thì có đến hơn 30% đất nông nghiệp ở 5 phường vùng đông nằm trong vùng dự án. Trong đó tương lai gần Điện Dương có nguy cơ “trắng” đất nông nghiệp bởi 395ha ở phường này đều đã nằm trong diện khoanh vùng “chờ” dự án. Chậc lưỡi nhận đền bù, có người gác cuốc, gác cày về tập làm quen với cuộc sống thị dân lạ lẫm, có người cố vớt vát trồng thêm dăm, ba vụ rau màu đến giờ cũng đã lục tục vào vụ mới nhưng chủ dự án vẫn biệt tăm.
Dọc theo vết tích mờ mờ của những đoạn sông Cổ Cò bị bồi lấp, vẫn còn lác đác vài ngôi làng cũ kỹ, đìu hiu giữa cơn nắng oi nồng mùa hạ. Ông Lại và những người hàng xóm của mình đã đi đi về về không biết bao nhiêu cuộc họp đền bù, giải tỏa cũng chục năm rồi nhưng cuối cùng vẫn bình chân như vại vì nhà đầu tư, dự án cứ thế đến rồi đi. Sự chồng chéo của quá trình giải tỏa đã khiến ông Lại cùng một vài gia đình hàng xóm vẫn sống theo nếp sinh hoạt những ngày cũ. Cư dân vẫn đi về trên con đường đất xiêu vẹo cát vào mùa hè, lõm bõm nước trong mùa mưa. Điện đóm thì vẫn kéo bằng dây 2 pha chập chờn có tiền cũng phải toan tính chọn lọc đồ điện công suất cao.
Dường như phố rất gần nhưng cũng rất xa. Phố mới bốn tuổi thôi mà.