Theo kế hoạch, Quảng Nam đặt mục tiêu đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi trong năm 2014. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ khá gian nan khi mà đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số huyện chưa được kiểm tra công nhận.
Quảng Nam khó đạt đích hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2014. TRONG ẢNH: Một lớp học mầm non ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My. Ảnh: X.PHÚ |
Đẩy nhanh tiến độ
Thực hiện Quyết định 239 (ngày 9.2.2010) của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1517 (ngày 13.5.2011) đặt ra mục tiêu hoàn thành vào năm 2014 - sớm hơn một năm so với cả nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, từ tỉnh đến các địa phương đã tích cực triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nói như một cán bộ quản lý giáo dục “đây là cuộc tổng diễn tập thứ 2 sau phổ cập THCS”. Nhờ đó, nhiều chỉ số của ngành GDMN đến nay đã có bước phát triển khá nhanh. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành cho biết, năm học này, cả tỉnh có 236 trường mầm non (MN), trong đó 94 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm năm 2010. Cách đây 2 năm, không ít lớp MN 5 tuổi thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi với gần 36% số lớp chưa đảm bảo theo quy định về trang thiết bị phục vụ học tập, 45% số lớp chưa đảm bảo theo quy định về đồ dùng phục vụ sinh hoạt, thậm chí có đến 48 lớp “trắng” cả trang thiết bị lẫn đồ dùng. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm đầu tư thời gian qua, đến nay 96,5% số lớp MN 5 tuổi đã có trang thiết bị phục vụ cho học tập và vui chơi đáp ứng đủ theo quy định. Số phòng học kiên cố ngày càng tăng, phòng học tạm giảm. Quy mô, mạng lưới trường lớp mở rộng giúp cho công tác huy động trẻ MN nói chung, MN 5 tuổi nói riêng được thuận lợi với tỷ lệ huy động hiện nay đạt 99,6%. Đội ngũ giáo viên cũng đã được tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng với 100% đạt chuẩn về trình độ, hơn 71% trên chuẩn.
Trong giai đoạn đầu, việc thực hiện công tác phổ cập GDMN 5 tuổi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Sau 2 năm đầu tiên (2011 - 2012), cả tỉnh chỉ có 3 địa phương hoàn thành là Đại Lộc, Điện Bàn và TP.Tam Kỳ; còn số lượng xã, phường, thị trấn đạt mục tiêu phổ cập cũng chỉ nhỉnh hơn 50%. Rất mừng là trong 2 năm gần đây, tốc độ các địa phương hoàn thành phổ cập đã được đẩy nhanh hơn. Báo cáo của Sở GD-ĐT tại cuộc họp Ban chỉ đạo phổ cập tỉnh mới đây cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 14 huyện, thành phố được kiểm tra công nhận đạt chuẩn với số lượng xã, phường, thị trấn đạt mục tiêu phổ cập là 237 (tỷ lệ hơn 97%). Các huyện Phú Ninh, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tây Giang đang từng bước hoàn thiện từng tiêu chí để được công nhận theo đúng lộ trình và kế hoạch.
Gian nan về đích
Không chạy theo thành tích Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cho rằng, thời gian qua toàn tỉnh đã quan tâm tập trung nguồn lực cho sự nghiệp GD-ĐT nói chung, công tác phổ cập giáo dục nói riêng và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương, nhất là miền núi vẫn còn gặp khó khăn. Vì vậy, thời gian tới Sở GD-ĐT cần có báo cáo cụ thể, chính xác các trường học có nhu cầu đầu tư, xác định rõ những nguyên nhân để khắc phục khó khăn trong công tác phổ cập GDMN 5 tuổi, phấn đấu cả tỉnh hoàn thành vào năm 2014. Nhưng nếu năm 2014 không hoàn thành được như kế hoạch thì tập trung cho năm 2015 chứ không vì chạy theo thành tích mà làm không tốt. |
Dù đạt được kết quả khả quan, nhưng rõ ràng đến thời điểm này vẫn còn 4 địa phương chưa được kiểm tra công nhận là chưa hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành, một số huyện hiện nay còn gặp khó khăn về phòng học, đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học. Cả tỉnh còn 8,6% phòng học tạm, học nhờ; nhà vệ sinh, phòng chức năng cho trẻ 5 tuổi ở một số trường lẻ chỉ đạt ở mức tối thiểu. Thời gian qua ngân sách nhà nước đầu tư tuy có tăng đáng kể nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; một số xã chưa có trường MN. Riêng với trường hợp của huyện Tây Giang, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tiêu chuẩn giáo viên (GV) trên chuẩn. Thông tư 32 (ngày 2.12.2010) của Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu 100% GV đạt trình độ chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng ngày 6.11.2013 bộ ban hành Thông tư 36 sửa đổi một số điều của Thông tư 32 lại đòi hỏi cao hơn với 50% GV đạt trên chuẩn. Với các địa phương khác thì không có vấn đề gì vì thực tế đều cao hơn quy định khá nhiều nhưng với huyện Tây Giang hiện tại mới chỉ có hơn 22% số GV trên chuẩn. “Để đảm bảo đến cuối năm 2014 toàn tỉnh hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi, đủ điều kiện đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra công nhận vào đầu năm 2015, cần phải đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn của 4 huyện còn lại. Trong đó đáng chú ý là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp” - ông Thành nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT), hiện nay đã có 3 địa phương Phú Ninh, Hiệp Đức, Nông Sơn hoàn thành hồ sơ gửi về Sở GD-ĐT đề nghị kiểm tra công nhận. Thời gian tới, tỉnh sẽ lập đoàn kiểm tra để công nhận đạt chuẩn đối với các địa phương này. Về trường hợp của huyện Tây Giang, bà Liên cho biết Sở GD-ĐT sẽ xin ý kiến của Bộ GD-ĐT vì Thông tư 36 ra đời đến nay quá ngắn trong khi để nâng chuẩn đòi hỏi thời gian dài nên địa phương khó có thể đáp ứng yêu cầu như quy định. “Hiện nay nhiều cô giáo của huyện Tây Giang đang theo học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Dự kiến đến tháng 4.2015, sau khi những cô giáo này tốt nghiệp thì số GV MN dạy lớp 5 tuổi có trình độ trên chuẩn sẽ vượt hơn 70%” - bà Liên nói.
XUÂN PHÚ