Khá nhiều cơ chế, chính sách từ Chính phủ đến địa phương được ban hành. Nhiều hội thảo, hội nghị đã mở nhưng tốc độ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn ì ạch. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng là thu hút đầu tư. Không giải quyết hết những khó khăn ấy thì có kêu gọi đầu tư cũng sẽ lại gặp chuyện khó chồng thêm khó!
Gỡ khó cho doanh nghiệp
* Một hội nghị vừa được mở với tên gọi “hỗ trợ, thu hút đầu tư”, liệu có thể hiểu lâu nay việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã “thất bại”, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Không hẳn là chuyện thiếu hay cơ chế, chính sách không đủ mạnh. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chính là thu hút đầu tư. Chính phủ đã liên tục điều chỉnh, ban hành mới những quyết định khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng rốt cuộc vẫn ì ạch. Khi số doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp tăng lên thì cũng tương ứng với tỷ lệ tăng của các ngành khác, nên tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn không hề thay đổi.
Chính quyền địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp cởi mở, thông thoáng hơn, từ khai thác, chế biến dược liệu, chăn nuôi, thủy sản… Gần như trên cả nước không có doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh cảng cá nhưng Quảng Nam đã tiên phong bằng những cơ chế khuyến khích. “Phát kiến” từ Quảng Nam là cho thuê môi trường rừng, các bộ, ngành Trung ương đã tham khảo, chuyển nó thành một nội dung vào trong Luật Lâm nghiệp. Hiện một số tỉnh bắt đầu tham khảo và thực hiện dịch vụ cho thuê môi trường rừng như Quảng Nam.
Song phải thừa nhận, các dự án triển khai bị vướng rất nhiều. Chính sách ban hành chưa đến được với người thụ hưởng. Doanh nghiệp chưa biết hoặc biết nhưng không đầy đủ. Chưa cơ quan nào giải thích đầy đủ và thủ tục hưởng cơ chế khó khăn… Dự định tổ chức một hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư. Nhưng, thấy chưa thể giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã và đang đầu tư thì có kêu thêm các doanh nghiêp mới vào cũng sẽ tiếp tục khó chồng thêm khó. Chính vì vậy, phải vừa giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới vào. Điều này có tác dụng một khi đã quyết định đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam thì doanh nghiệp phải hình dung được sẽ có những vướng mắc mà doanh nghiệp đang đầu tư gặp phải. Doanh nghiệp phải lường trước được những nan đề đó để có cách làm, cách tiếp cận khác hơn để giảm thiểu những thiệt hại khi quyết định đầu tư. Hội nghị mở để giải quyết vướng mắc các dự án, kể cả khuyến cáo, lưu ý hay cảnh báo các nhà đầu tư mới.
* Vướng mắc về thủ tục đầu tư, vốn, đất đai… vẫn là chuyện cố hữu. Theo ông, Quảng Nam sẽ phải làm gì để tháo gỡ khó khăn này?
Ông Lê Trí Thanh: Đó là cần có những cơ chế, chính sách hấp dẫn nhất. Nhưng vướng mắc lớn, then chốt nhất chưa thể tháo gỡ được là vấn đề đất đai. Một quỹ đất tương xứng các dự án đầu tư, bảo đảm quy mô vùng nguyên liệu hay áp dụng khoa học công nghệ gắn sản xuất hàng hóa thuộc thẩm quyền Chính phủ, Quốc hội. Muốn tích tụ đất đai phải sửa đổi luật, nhưng hiện vẫn chưa được thông qua. Bộ TN-MT cũng đã lập một đề án thí điểm về tích tụ đất đai. Lấy ý kiến các ngành, địa phương trong đó có Quảng Nam. Bản tổng hợp lấy ý kiến các ngành, địa phương (có Quảng Nam) đã gửi lên rồi nhưng vẫn chưa triển khai được vì thực tế vẫn còn quá nhiều vướng mắc. Khi đề án này ban hành, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ban hành cơ chế, quy định hướng dẫn cụ thể. Chính quyền sẽ tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho từng lĩnh vực cụ thể, đối tượng phù hợp để có thể thu hút mạnh đầu tư.
Quỹ đất lớn gần như không còn. Hiện nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được quỹ đất. Chính quyền cũng đã năng động khi làm trung gian vận động nhân dân hợp tác hay cho doanh nghiệp thuê lại diện tích không được đầu tư sản xuất, thâm canh…, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu.
Hiện thẩm quyền địa phương là rà soát lại tiến độ, nguồn lực thực hiện, ai là chủ đầu tư, có năng lực hay không các quy hoạch chậm triển khai? Nếu dự án nào chậm hoặc treo quá lâu sẽ phải bị thu hồi, hủy quy hoạch và điều chỉnh. Trên cơ sở này, sẽ thông báo cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư. Chính quyền sẽ đề nghị ngân hàng tích cực hỗ trợ, xem xét tạo điều kiện cho những dự án có tính khả thi. Các quỹ đầu tư sẽ tập trung cho vay với cơ chế, chính sách thoáng hơn các ngân hàng thương mại… Còn các thủ tục về nhận cơ chế hỗ trợ từ ngân sách với những dự án đủ điều kiện… đã có một bộ thủ tục. Sẽ tạo điều kiện, không để kéo dài thời gian, giảm thiểu rắc rối để doanh nghiệp được hưởng tiền hỗ trợ từ ngân sách nhanh nhất có thể.
Không thể có kết quả trong ngắn hạn
* Nhưng, cốt lõi vướng mắc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì nỗ lực của địa phương cũng đâu giúp gì cho doanh nghiệp...?
Ông Lê Trí Thanh: Cần phải hiểu chính quyền nỗ lực giải quyết đến mức cao nhất có thể. Bởi chính quyền trực tiếp gắn với các dự án đầu tư. Chính quyền phải trở thành cầu nối, đồng hành với doanh nghiệp để biết các vướng mắc cụ thể ở từng dự án. Nếu không thể tháo gỡ được thì thôi đành chấp nhận. Còn nếu có cơ chế vận dụng sáng tạo được cho phép hoặc được các bộ, ngành gợi ý, hướng dẫn thì thực hiện theo.
* Nói như vậy, thu hút đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam vẫn chuyện không dễ dàng gì, thưa Phó Chủ tịch?
Ông Lê Trí Thanh: Đầu tư nông nghiệp vẫn đang được xác định là một lợi thế của Việt Nam. Quảng Nam cũng được hưởng lợi từ cơ chế chung của Chính phủ. Một khi các cơ chế, chính sách của Chính phủ ban hàng trúng, đúng, kịp thời thì cơ hội phát triển nông nghiệp Quảng Nam sẽ rất tốt. Quảng Nam có đủ điều kiện thổ nhưỡng, địa hình để phát triển các loại sản phẩm khác nhau, bổ trợ cho nhau để hình thành nên nguồn cung ứng phong phú. Đó vùng nguyên liệu phát triển ngành công nghiệp chế biến về gỗ, dược liệu, thực phẩm chức năng, hương liệu… ở phía tây và phát triển thủy sản, hải sản phía đông.
Vấn đề là Quảng Nam phải biết tổ chức triển khai như thế nào để hiệu quả, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu. Chính quyền đã giao Sở NN&PTNT và Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Quảng Nam và có tham khảo các cơ chế, chính sách có liên quan mà Trung ương ban hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Không thể lặp lại tình trạng khi ban hành chính sách mà đối tượng thụ hưởng không biết, không thể tiếp cận được cơ chế chính sách. Các cơ chế, chính sách đã ban hành mà các doanh nghiệp đủ điều kiện, đang làm thủ tục ưu đãi để tiếp nhận các nguồn lực này thì phải giải quyết hỗ trợ, tháo gỡ, không cần tập hợp nhiều dự án mới trình UBND tỉnh giải quyết. Mỗi năm, hai sở này sẽ tổng hợp, rà soát, đánh giá lại hiệu quả cơ chế, chính sách về ưu đãi địa phương đã ban hành. Vướng cái gì, giải quyết đến đâu, dự kiến nguồn lực bố trí thực hiện chính sách, giải ngân bao nhiêu và tại sao không thể giải ngân hết.
Không thể để doanh nghiệp mất thời gian, công sức khi các cơ quan quản lý không nắm bắt cơ chế, chính sách, hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp... Sẽ đưa công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát việc thực hiện thủ tục đầu tư, không thủ công như bây giờ, để nhận diện rõ vướng mắc ở khâu nào, ở đâu, tại sao và trách nhiệm thuộc về ai! Chính sách ban hành phải đi vào thực tế. Ngân sách sẽ dành một nguồn lực cân đối thích đáng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực này.
Quảng Nam vẫn có nhiều cơ hội, triển vọng để phát triển nông nghiệp dù khó khăn và dài lâu, cần thời gian. Không thể dễ nhìn thấy thành công ngay trong ngắn hạn.
Cảm ơn ông đã dành cho Quảng Nam Cuối tuần cuộc trò chuyện này.